Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Bắt thoát y để truyền năng lượng

(19:43:07 PM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - Tất cả bệnh nhân đều được “thần y” bẻ cổ, xoay tay, vạch mắt, vặn tai, thổi phù phù. Rồi già trẻ, nam nữ đều phải kéo áo lên quá đầu, tụt quần xuống dưới mông để được "cậu" giẫm lên “truyền năng lượng chữa bệnh”.


Hàng chục người thoát y nằm la liệt dưới đất để ""cậu cò"" nhảy múa trên lưng “chữa bệnh”. Ảnh: Tiền Hải.


Trong khi đó, đám đệ tử, cò mồi thao thao bất tuyệt về tài trị bách bệnh, giải ma, trừ tà của "cậu", nói như hát: “Thần y tài chữa vô sinh, vuốt cho trứng rụng, trung tình (tinh trùng) bơi nhanh”.

 

“Câm biết nói, liệt biết đi, vô sinh đẻ sòn sòn…”


Lời quảng cáo về tài “truyền năng lượng” chữa bách bệnh của ""cậu cò"" Phạm Thị Phú ở thị xã Sông Công, tỉnh Thái Nguyên khiến bệnh nhân ùn ùn kéo về đây. Mất 50.000 đồng, chúng tôi mới được T. xếp lịch hẹn chữa bệnh vào buổi sáng ở nhà ""cậu cò"". Nhà T. ở sát đó, trước chỉ buôn bán vặt vãnh, nhưng từ ngày "cậu cò" “giáng thế chữa bệnh”, T. chuyển sang nghề trông xe cho khách đến khám và dắt mối cho bệnh nhân muốn khám sớm. “Đi đúng vào ngày cuối tuần thế này, nể lắm mới nhận giúp đấy. Chứ từ sáng giờ, mấy chục con ô tô đổ khách rồi, kiểu này đêm nay bọn nhà trọ lại tha hồ kiếm”, T. nói.

 

Khuôn viên nhà "cậu cò" khá rộng nhưng chật kín người. Tôi và anh bạn đồng nghiệp trong vai hai vợ chồng đi chữa vô sinh phải xô đẩy một hồi mới đến được gần nơi "cậu cò" chữa bệnh. Người già, người trẻ, cả gái lẫn trai nằm trên 50 cái chiếu đôi rải dưới đất, sắp lớp như cá chuẩn bị vào lò đông lạnh. Cả trăm người khác chờ đến lượt khám đứng ngồi nhốn nháo ở góc vườn, hành lang, lối đi quanh nhà. "Cậu cò" là một phụ nữ phốp pháp, mặc áo phông, quần “ngố”, vừa phán bệnh vừa thực hiện các màn “truyền năng lượng”.


"Cậu cò" được đệ tử đỡ hai bên để trèo lên lưng từng người; một số bệnh nhân được ưu tiên “truyền thêm năng lượng” bằng cách giẫm cả lên bụng, tay, chân, cổ, trán. Nhìn thân hình ngót nghét gần 60 kg của cậu nhún nhảy trên mạng sườn của một cụ ông còm nhom vì ung thư phổi, nhiều người nín thở bởi chẳng may cậu trượt chân thì tính mạng cụ không cần đợi đến ung thư giai đoạn cuối. Vừa giẫm, cậu vừa “động viên” ông cụ đang nhăn nhó vì đau: “Để "cậu cò" truyền năng lượng trục hết hóa chất ra cho. Truyền làm gì, hóa chất làm mệt người lắm. Chịu khó chữa theo "cậu", chẳng mấy mà lại khỏe như… trai 18”.

 

Ngoài cách chữa bằng vặn, bẻ, giẫm, đạp, "cậu cò" còn có phương pháp “bí truyền” khác là “thổi năng lượng” vào trứng gà hoặc chai nước, sau đó bán cho người bệnh dùng. Người mắc bệnh nặng nhưng có niềm tin vào “thần y” sẽ được cậu đưa vào gian chính trong nhà, ngồi thiền trước ảnh chân dung của "cậu" để bệnh mau khỏi.



"Cậu cò" vạch mắt người bệnh thổi phù phù để “trục xuất bệnh”.
Ảnh: Tiền Hải.

 

 

Nghiên cứu trên tính mạng người bệnh?

 

Ông Lê Văn Tính, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND phường Thắng Lợi, thị xã Sông Công, cho biết, "cậu cò" Phạm Thị Phú sinh năm 1972, trước đây bán cá, bán rau ở chợ, chưa từng có bằng cấp y tế. Bà Phú phải đi điều trị tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Thái Nguyên và Bệnh viện Tâm thần Trung ương vào năm 2004. Sau khi ra viện, bà về nhà “bốc” lên chuyện chữa được bách bệnh.

 

Ông Nguyễn Quyết, cựu chiến binh ở sát nhà "cậu cò" Phạm Thị Phú, bức xúc nói: “Tôi ở đây đã mấy chục năm, chỉ biết cái Phú chuyên bán cá ở chợ. Vậy mà giờ lại thành "cậu", thành "cò" chữa bệnh cho người khác”. Một cán bộ của Đài Phát thanh - Truyền hình thị xã Sông Công cho biết, cơ quan này nhận được đề nghị đăng thông tin tìm người thân của nhiều người nhà bệnh nhân, bởi sau khi chứng kiến "cậu cò" giẫm đạp, người bệnh đã hoảng sợ “bỏ của chạy lấy người”. Theo ông Tính, chính quyền địa phương rất “đau đầu” trước việc chữa bệnh của "cậu cò" Phạm Thị Phú và đã nhiều lần lập biên bản xử phạt, yêu cầu chấm dứt tụ tập đông người, chữa bệnh không giấy phép.

 

Ông Dương Đình Chiến, Bí thư thị xã Sông Công, cho biết, thị xã đã báo cáo sự việc với UBND tỉnh Thái Nguyên để xin ý kiến chỉ đạo giải quyết. Nhưng ngày 23/6/2009, UBND tỉnh Thái Nguyên có công văn số 944/UBND - VX do Phó Chủ tịch tỉnh Ma Thị Nguyệt ký cho phép Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người nghiên cứu, đánh giá hiệu quả phương pháp chữa bệnh của bà Phạm Thị Phú. Thậm chí, lãnh đạo tỉnh còn chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền địa phương tạo điều kiện hỗ trợ hoạt động nghiên cứu này. Do vậy, chính quyền sở tại không thể xử lý dứt điểm vụ việc.

 

Theo công văn 944 của UBND tỉnh Thái Nguyên, tỉnh đã giao Sở KH - CN chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, các phòng ban chức năng của thị xã Sông Công lập đoàn kiểm tra sự việc. Tại thời điểm kiểm tra, hoạt động khám chữa bệnh của bà Phạm Thị Phú chưa được sự đồng ý của chính quyền địa phương và ngành y tế, trong khi cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên đã có công văn chấp thuận để trung tâm tiến hành nghiên cứu. Nhiều ý kiến cho rằng, vì sao một nghiên cứu liên quan đến sinh mạng của hàng trăm người bệnh lại được lãnh đạo tỉnh thông qua đơn giản và nhanh chóng như vậy?.

Nguyễn Tiền Hải/Đất Việt