Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Người dân tỉnh Hậu Giang phải nhổ bỏ lúa vì nước mặn xâm nhập -Hữu Khoa
Theo ban chỉ đạo Chương trình hành động thích ứng với biến đổi khí hậu (occa.mard.gov.vn), phía Trung Quốc, cụ thể là Bộ Ngoại giao nước này, cho biết “sẽ làm việc ngay với các cơ quan liên quan để sớm có phương án xả nước hồ chứa thủy điện trên thượng nguồn dòng sông Mekong nhằm giúp Việt Nam đối phó với hạn hán”. Ta sẽ trở lại khái niệm “giúp” này với những phân tích cụ thể về những gì mà Trung Quốc đã “làm”.
Các nỗ lực "chữa cháy"
Cũng những bản tin “giúp” đó cho biết, trước đó Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng nói ông “đã xin chỉ đạo của Thủ tướng, cùng bộ trưởng Bộ NN&PTNT và các bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ TN-MT về việc thúc đẩy nhanh phía Trung Quốc phối hợp xả nước hồ chứa thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong và đã nhận được phản hồi tích cực từ phía nước này”.
Đến đây, không thể không đặt câu hỏi: liệu các bộ ngành liên quan đã có thể “làm việc” với phía Trung Quốc sớm hơn không, thay vì đợi đến tận tuần rồi? Vấn đề nằm ở chỗ: tình trạng hạn hán và nhiễm mặn nghiêm trọng đó không phải là một sự cố bất ngờ không thể dự kiến được.
Trong “Chiến lược phát triển lưu vực dựa trên quản lý tổng hợp tài nguyên nước, giai đoạn 2011-2015” của Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) đã nêu rõ từ đầu thập niên này: “Lượng nước trữ ở các hồ chứa hiện có là ít hơn 5% dòng chảy trung bình năm và không đủ để điều tiết nước đáng kể giữa các mùa”.
Và tháng 3 chính là thời gian giữa các mùa sinh thiếu nước đó. Thảm họa năm nay chỉ là sự lặp lại thảm họa năm ngoái ở cao độ, như theo mô tả của Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng: “Trong năm 2015 chúng ta đã chứng kiến hạn hán kỷ lục ở các tỉnh Nam Trung bộ và một số vùng ở Tây nguyên và Đông Nam bộ, một số vùng ở ĐBSCL.
Nhưng bước sang năm 2016 tình hình hạn hán và xâm nhập mặn diễn ra gay gắt, khốc liệt hơn. Mùa mưa kết thúc sớm khiến mực nước sông Mekong thấp ở mức kỷ lục trong hơn 90 năm qua. Đây là một trong những nguyên nhân khiến ĐBSCL và các khu vực khác trải qua đợt hạn hán và xâm nhập mặn khốc liệt”.
Ủy ban sông MeKong làm gì?
Trên đây là phản ứng “chữa cháy” của Bộ NN&PTNT. Còn Ủy ban sông Mekong Việt Nam thì sao? Chánh văn phòng ủy ban này, ông Lê Đức Trung cho biết: “Dự kiến Ủy ban sông Mekong Việt Nam sẽ tiến hành làm việc với bốn nước Trung Quốc, Thái Lan, Lào và Myanmar trong ba ngày, từ 15 đến 17-3.
Đây là thời điểm diễn ra phiên họp lần thứ 43 Ủy ban liên hợp Ủy hội sông Mekong quốc tế. Tại phiên họp này, phía Việt Nam sẽ làm việc với các nước này để có giải pháp điều tiết nước cho vùng ĐBSCL”.
Có lẽ điều mà chánh văn phòng Ủy ban sông Mekong hứa hẹn “làm việc... để có giải pháp điều tiết” sẽ chỉ là một biện pháp trước mắt như xả đập, bởi vì rõ ràng là mãi cho đến nay vẫn chưa có một giải pháp điều tiết thích đáng nguồn nước sông Mekong, nên mới xảy ra cơ sự như hiện nay.
Bế tắc do chỗ MRC chỉ gồm bốn nước hạ lưu là Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam, chứ không bao gồm các nước ở thượng nguồn là Trung Quốc và Myanmar, mới chỉ chấp nhận quy chế “quan sát viên”.
Lẽ ra hai nước ở thượng nguồn kia, nhất là Trung Quốc từ dòng Lancang (Lan Thương), cần phải hợp tác trong một chương trình toàn lưu vực: Lancang - Mekong Intitiative, để tiến tới một hiệp ước “Lancang - Mekong Treaty” như kiểu “Hiệp định hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mekong” thì mới còn có chút hi vọng lay chuyển tình hình.
Một khi khung thỏa thuận hợp tác Lancang - Mekong mới ký kết ngày 12-11 năm ngoái tại Vân Nam (Trung Quốc) vẫn quá dàn trải trên ba lĩnh vực ưu tiên là (1) chính trị - an ninh, (2) phát triển kinh tế và (3) trao đổi thăm viếng (nguồn: Xinhua 12-11-2015) mà không chuyên chú vào sông Mekong thì cho dù có muốn bàn về dòng nước quan trọng đặc biệt này cũng phải tìm cách đặt xen vào chủ đề xếp thứ nhì là “phát triển kinh tế”.
Cần nói ngay rằng thỏa thuận nêu trên cũng chỉ là một biện pháp để Trung Quốc “chữa cháy” các “khiếu nại”, “ca cẩm” hay “năn nỉ” của các nước ở hạ lưu, được chính nước này nêu ra tại Thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc tháng 11-2014: muốn có một tổ chức sông Lancang - Mekong thì đấy có ngay, song chỉ ưu tiên họp chừng đó chuyện thôi. Do không bao gồm Trung Quốc nên MRC chỉ làm việc trong nội bộ bốn nước hạ nguồn.
Vào tháng 10-2010, MRC cũng đã đưa ra một “Đánh giá môi trường thủy điện trên dòng chính sông Mekong” (viết tắt là SEA), do ICEM (International Centre for Environmental Management) thực hiện, nghiên cứu tác động của các con đập trên sông Mekong thuộc bốn nước MRC là Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam.
MRC đưa ra một số khuyến cáo cho bốn nước này, trong đó khuyến cáo đầu tiên là: “1. Các quyết định về đập trên dòng chính nên được hoãn lại cho một khoảng thời gian mười năm”. Khuyến cáo trên giấy đó có được các nước trong nội bộ tuân thủ hay không, thực tế đã rõ.
Hàng trăm nông dân xã Thừa Đức và Thới Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre bỗng nhiên trắng tay -MẬU TRƯỜNG
Giải pháp “trong mơ”
Đến năm 2013, MRC công bố “Chiến lược phát triển lưu vực dựa trên quản lý tổng hợp tài nguyên nước, giai đoạn 2011-2015”.
MRC giải thích đôi chút về cơ chế vận hành trên lý thuyết của các đập, hồ chứa nước ở thượng nguồn: “Các đập, hồ chứa lớn ở Lancang và 26 đập hiện tại hoặc đã cam kết trên các sông nhánh ở hạ lưu sông Mekong, nếu vận hành như quy hoạch là tối ưu hóa sản xuất năng lượng, sẽ làm giảm dòng chảy mùa mưa và tăng dòng chảy mùa khô, thay đổi đáng kể dòng chảy trên dòng chính.
Dự kiến phân phối lại dòng chảy này sẽ cung cấp đủ lượng nước mùa khô để đáp ứng tất cả nhu cầu nước tiêu hao ở hạ lưu sông Mekong trong kế hoạch 20 năm của các quốc gia mà không vi phạm chế độ dòng chảy cơ sở”. Quả là một thỏa thuận “như mơ” với một mục tiêu “trong mơ”: sẽ xả đập cung cấp đủ nước mùa khô, thậm chí bù cả lượng nước bốc hơi!
Tất nhiên, các tác giả của chiến lược nêu trên cũng đã thận trọng dự trù: “Tăng cường hợp tác với Trung Quốc nhằm phối hợp vận hành các đập thủy điện ở Lancang để bảo đảm lợi ích của việc tăng dòng chảy mùa khô, giải quyết vấn đề vận chuyển phù sa và cảnh báo sớm” (tr.24).
Mặt khác, MRC cũng đã khẳng định hiểm họa là gì: “Tương lai của sử dụng nước ở hạ lưu sông Mekong phụ thuộc vào dòng chảy mùa khô xả xuống từ các đập ở Lancang” và đề nghị: “Điều này đòi hỏi một thỏa thuận mới, dựa trên kinh nghiệm của Biên bản ghi nhớ hiện tại giữa Trung Quốc và MRC, bao gồm cả hệ thống giám sát thủy văn tổng hợp.
Hành động này khẳng định cam kết lẫn nhau về phát triển bền vững lưu vực, thúc đẩy chia sẻ lợi ích và tạo điều kiện trao đổi thông tin trong khi vẫn công nhận chủ quyền quốc gia”.
Cộng tác gì với Trung Quốc?
Tháng 7 năm ngoái, tại hội nghị MRC - ESCIR (Ủy ban nghiên cứu hệ môi sinh các sông quốc tế) ở TP.HCM, bài tham luận về quan hệ giữa Trung Quốc và MRC (China and MRC at a glance) đã cho thấy tình hình quan hệ đó. Bắt đầu là phương châm làm việc đặt ra từ cuộc “Đối thoại lần đầu năm 1996”:
“Tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa MRC và Trung Quốc; Ưu tiên các hoạt động hợp tác và nhận dạng các chương trình hai bên quan tâm; Tiếp cận từng bước bằng cách chọn việc dễ làm trước, việc khó hơn làm sau”.
Phương châm trên cho thấy hai bên sẽ “ưu tiên” làm việc với nhau về những gì mà hai bên cùng có lợi, và “việc dễ trước, việc khó sau”.
Việc thông lưu dòng chảy sông Lancang sao cho đổ xuống sông Mekong có lợi cho hạ lưu song lại không có lợi cho chủ nhân các đập thủy điện ở thượng lưu, nên làm sao có thể là việc “hai bên cùng có lợi” được, do vậy càng khó mà là “việc dễ làm trước”.
Tham luận về quan hệ Trung Quốc - MRC giới thiệu chút ít về những “việc dễ làm trước” như: “Lĩnh vực hợp tác: Bản ghi nhớ về việc cung cấp dữ liệu hằng ngày các dòng sông và lượng mưa từ hai trạm giám sát ở Vân Nam trong mùa mưa; Trao đổi kỹ thuật và xây dựng năng lực các chuyên viên trung cấp các nước ven sông...”.
Cũng tại hội nghị trên, phía Trung Quốc đưa ra những hứa hẹn sau: “(1) Trung Quốc muốn tiếp tục và tăng cường hợp tác với MRC; (2) Có thể tăng cường hợp tác qua các thăm viếng trao đổi; (3) Trung Quốc sẽ làm việc với MRC về một nghiên cứu hỗn hợp về những biến động dòng chảy của sông Mekong - Lancang”.
Nhìn vào các đề nghị trên, có thể thấy biện pháp (2) rất dễ mà khó: cử phái đoàn thăm qua thăm lại. Vấn đề là “trao đổi” những gì? Câu trả lời nằm trong biện pháp (3): “nghiên cứu hỗn hợp biến động dòng chảy”.
Đây chính là áp dụng phương châm “làm việc dễ trước”, nhưng rõ ràng là đợi nghiên cứu xong biến động dòng chảy, ra được kết luận mà hai bên cùng nhất trí, e rằng lưu vực sông Mekong đã biến thành sa mạc rồi, không kịp đợi sửa sai tình hình!
Trong khi chờ đợi một nghiên cứu hỗn hợp được nhất trí chung chưa biết bao giờ mới có được như thế, thì Bộ TN-MT lại phê chuẩn báo cáo dự án “Nghiên cứu tác động của các đập thủy điện trên dòng chính hạ lưu sông Mekong lên châu thổ sông Mekong, trong đó có ĐBSCL (MDS, Mekong Delta Study)” mà Ủy ban sông Mekong Việt Nam cùng bên tư vấn là Viện Thủy lợi Đan Mạch trình bày tại “Diễn đàn sông Mekong mở rộng về nước, thực phẩm và năng lượng” ở Phnom Penh (ngày 21-10-2015).
Theo GS Nguyễn Ngọc Trân, kết luận của báo cáo này là rất nguy hiểm khi đánh giá rằng: “Tác động dự kiến của 11 đập trên dòng chính lên mực nước ở phần lãnh thổ Việt Nam vùng châu thổ là tương đối nhỏ... Các thay đổi về độ mặn là tương đối nhỏ ở châu thổ, khoảng dưới 1g/l...”, hay “11 đập dự kiến trên dòng chính không tác động một cách có ý nghĩa sự xói lở bờ sông trên phần lãnh thổ Việt Nam của châu thổ”...
Kết luận này từ phía Ủy ban sông Mekong Việt Nam gần như đi ngược kết luận của SEA do MRC đưa ra (đã nêu ở trên) và rất có thể sẽ là cơ sở cho thiên hạ chối bỏ mọi trách nhiệm về nạn hạn hán và nhiễm mặn nghiêm trọng ở ĐBSCL hiện nay. ■