Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Bản đồ dự báo xu thế biến động vùng ven bờ cửa sông Mê Kông - (Nguồn: Viện Địa chất)
Hai cửa sông chết dần
Đó là cửa Ba Lai và cửa Bát Sắc (Bassac). Hai cửa sông này đã ngừng chảy do bồi tụ và xây dựng công trình giao thông thủy lợi. Đây là kết luận của Viện Địa chất (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) sau quá trình nghiên cứu kéo dài ở các cửa sông và vùng ven biển ĐBSCL hơn 50 năm.
Bát Sắc là cửa chính trên sông Hậu, nhưng quá trình bồi lắp bắt đầu xảy ra từ những năm đầu của thế kỷ 20. Các cồn cát ở cửa sông này đã phát triển mạnh, nối liền và trở thành một đảo lớn chắn trước cửa sông có diện tích lên đến gần 24 ngàn ha (nay là huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng). Do sự chết dần của cửa Bát Sắc nên sông Hậu hiện chỉ còn 2 cửa chảy ra biển Đông là Định An ở phía bắc và cửa Tranh Đề (Trần Đề) ở phía nam.
Trên sông Tiền thuộc địa phận tỉnh Bến Tre, cửa Ba Lai là một ví dụ về sự tàn lụi của một cửa sông do tác động của con người. Năm 1999, hệ thống cống đập ở cửa sông Ba Lai được xây dựng, hệ quả làm cho quá trình bồi lấp xảy ra nhanh hơn và đến nay thì cửa sông này đã ngừng chảy.
TS Đinh Văn Thuận (thuộc Viện Địa chất) kết luận: “Như vậy, hiện nay sông Cửu Long chỉ còn 7 cửa đang hoạt động, trong đó có 5 cửa thuộc sông Tiền là cửa Tiểu, cửa Đại, Hàm Luông, Cổ Chiên, Cung Hầu và 2 cửa thuộc sông Hậu là Định An và Trần Đề”.
Vận tải sụt giảm nghiêm trọng
Thông qua hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, sông Cửu Long đã cung cấp một lượng nước dồi dào cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản (chiếm khoảng 80% sản lượng gạo xuất khẩu và trên 50% tổng sản lượng thủy sản của cả nước). Bên cạnh đó, hệ thống sông Cửu Long còn đóng vai trò quan trọng trong việc giao thông vận tải thủy nội địa và giao thông vận tải biển phục vụ cho việc xuất khẩu hàng hóa nông sản.
Tuy nhiên, trong những năm qua, việc khai thác vận tải biển phục vụ cho xuất khẩu ở ĐBSCL chưa đạt hiệu quả do quá trình bồi lắng ở khu vực cửa sông cửa biển diễn biến phức tạp. Cụ thể, lượng tàu biển qua cửa Định An trên sông Hậu (một trong những cửa sông quan trọng về giao thông vận tải biển ở ĐBSCL) sụt giảm liên tục trong những năm gần đây. GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, cho biết: “Từ năm 2006 đến nay, số lượt tàu biển trên tổng số các loại tàu đã liên tục giảm. Nếu lấy mốc năm 2006 là 100%, thì đến năm 2007 chỉ còn 64,1%, năm 2008 là 28,1% và năm 2009 là 13,3%. Số lượng tàu biển vào sông Hậu không chỉ giảm về số lượng mà còn giảm về tải trọng, trọng tải bình quân hiện chỉ còn 1.200 DWT”.
Sạt lở ở cửa Trần Đề (Sóc Trăng) - Ảnh: Công Hân
Theo ông Trân, việc đi lại của tàu biển theo luồng vào sông Hậu qua cửa Định An ngày càng khó, bởi quy luật bồi lắng bùn cát ở cửa sông, và mặt khác bởi cách nạo vét cầm chừng, không tới nơi tới chốn từ nhiều năm nay. Ông Trân cho biết thêm, từ 20 năm qua, chỉ riêng công tác nạo vét luồng Định An đã tiêu tốn mỗi năm khoảng 1 triệu USD. Tuy nhiên các nhà chuyên môn cho rằng công tác này là lãng phí và kém hiệu quả vì quá trình bồi lắng diễn ra quá nhanh.
Ông Lâm Tiến Dũng, Giám đốc cảng Cái Cui (Tổng công ty hàng hải VN) cho rằng, hiện nay luồng Định An chỉ cho phép tàu có trọng tải dưới 3.000 tấn ra vào “ăn hàng”. Cảng có khả năng bốc xếp hàng hóa container nhưng do hạn chế về luồng lạch tàu có trọng tải lớn không vào được; hàng hóa muốn xuất đi phải trung chuyển lên cảng Sài Gòn. Tuy nhiên, việc trung chuyển như vậy phải mất trung bình 100 ngàn đồng/tấn sản phẩm và 22 giờ vận chuyển; bên cạnh đó, chất lượng hàng hóa cũng sẽ giảm sút.
Sạt lở diễn ra nhanh hơn
TS Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ) phân tích, việc cửa Ba Lai “chết” rất đáng lo ngại bởi sự bồi lắng ở cửa sông này là do con người tác động. Hệ thống cống - đập Ba Lai được xây dựng nhằm mục tiêu ngăn mặn giữ ngọt phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, tác động tiêu cực của nó là gây nhiễm phèn ở các vùng sản xuất lúa ngày càng nghiêm trọng hơn, trong khi lượng nước ngọt lại không đủ dùng trong sản xuất. Bên cạnh đó là quá trình ô nhiễm môi trường từ các chất thải sinh hoạt và sản xuất diễn ra nhanh hơn đã tác động ngược lại đến sinh hoạt và sản xuất của con người.
Theo ông Tuấn, việc 2 trong 9 cửa Cửu Long đang chết đi có thể sẽ là tiền đề để mở ra những cửa sông khác. Vì nếu lượng nước đổ ra 7 cửa còn lại quá lớn thì theo quy luật tự nhiên nó sẽ mở thêm các cửa sông khác để phục vụ việc tiêu thoát nước.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là trong khoảng hai thập niên gần đây, hiện tượng sạt lở ở đầu nguồn ĐBSCL diễn ra nhanh hơn nhiều năm về trước, đặc biệt ở 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp. Tổng cục Môi trường cho biết, trên địa bàn tỉnh An Giang, khu vực ven sông Tiền có 13 điểm sạt lở, với cung trượt 2 - 30m/năm và 25 điểm sạt lở dọc bờ sông Hậu, mức độ sạt lở ngày càng tăng. Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có 99 điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 172 km, nhiều nơi sạt lở ăn sâu vào bờ đến 25m. Không chỉ ở đầu nguồn, sạt lở còn đe dọa nhiều địa phương khác như: Vĩnh Long, Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau...
Theo TS Lê Anh Tuấn, hiện tượng xói lở và bồi lắng sẽ gia tăng hàm lượng bùn cát, độ đục trên sông, mất đất sản xuất và sinh sống của người dân. Rừng cây ven bờ và ven biển bị ảnh hưởng do xói lở và bồi lắng là thay đổi các hệ sinh thái khu vực, mất nơi lưu trú và nguồn thức ăn cho nhiều loài thực và động vật hoang dã. Nguồn nước phục vụ cho dân sinh, canh tác sẽ khó khăn hơn.
Diện tích bồi chưa nhô lên khỏi mặt nước bằng 2 huyện
Theo một khảo sát mới đây do Quỹ Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) phối hợp với các cơ quan chức năng trong vùng thực hiện, thì khu vực cửa sông thuộc 3 tỉnh ven biển là Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng đang xảy ra tình trạng bồi lắng mạnh. Sự bồi lắng vùng cửa sông thành bãi bồi 3 tỉnh rất đặc thù, có bãi bùn, bãi cát pha (bùn) và bãi cát, nói chung là bãi bồi phù sa mới. Diện tích bãi bồi ở 3 địa phương trên lên tới trên 45 ngàn ha, nhiều vùng bồi chưa nhô lên khỏi mặt nước, tính luôn cả vùng đang phát triển có khoảng trên 60 ngàn ha, bằng diện tích đất của 2 huyện.