Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Xâm nhập mặn ở ĐBSCL: Nhận diện nguyên nhân và giải pháp ứng phó

(08:24:20 AM 18/03/2016)
(Tin Môi Trường) - Trước diễn biến ngày càng nặng nề của hạn hán và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), ngày 7/3 vừa qua, tại thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và đại diện các Bộ, ngành Trung ương đã có buổi làm việc với các địa phương nơi đây về công tác phòng chống.

Ngoài việc yêu cầu các tỉnh phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành chức năng thực hiện ngay các biện pháp cấp bách phòng chống hạn, xâm nhập mặn, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phổ biến rộng rãi bản đồ về xâm nhập mặn đến các cơ quan liên quan và người dân để chủ động phòng tránh, khắc phục. Mặt khác tiến hành các biện pháp căn cơ hơn như đắp đập ngăn mặn, trữ ngọt, khoan giếng, đào kênh, đặt ống để dẫn nước... Dài hạn hơn là điều chỉnh cơ cấu cây trồng theo hướng chuyển dịch mùa vụ một cách phù hợp, bảo đảm hiệu quả lâu dài để không những ứng phó hiệu quả mà còn thích ứng được trước những thách thức của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

 

Xâm nhập mặn ở ĐBSCL: Nhận diện nguyên nhân và giải pháp ứng phó

Đồng lúa bị xèo, cháy khô ở Kiên Giang -Ảnh: VNN


* Nhận diện nguyên nhân

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu Đại học Cần Thơ: Những năm gần đây các hiện tượng nhiệt độ tăng cao, ngập lụt, hạn hán, dông lốc, sạt lở bờ sông, nước biển dâng, xâm nhập mặn xuất hiện không theo chu kỳ và tác động mạnh đến đời sống người dân ĐBSCL, nhất là đợt hạn mặn lịch sử hiện nay, chứng tỏ tình trạng biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn biến phức tạp và không còn là “kịch bản” nữa.

Nguyên nhân trước hết là phần lớn các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL có cao độ tự nhiên thấp. Đây là điểm yếu dễ bị tổn thương nhất do lũ lụt và xâm nhập mặn. Tình trạng xây dựng thủy điện và các hoạt động khai thác tài nguyên nước thượng nguồn sông Mê Công gây thiếu hụt nguồn nước về hạ lưu, kết hợp với yếu tố nước biển dâng đẩy mặn sâu vào nội đồng.

Theo Quy hoạch tổng thể thủy lợi ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng giai đoạn 2012-2030, để ứng phó cần khoảng 90.000 tỷ đồng, nhưng trong giai đoạn 2011-2015 chỉ bố trí được khoảng 16.500 tỷ đồng, mới đáp ứng được 40% nhu cầu quy hoạch nên hệ thống thủy lợi toàn vùng chưa được xây dựng hoàn chỉnh. Riêng Chương trình nâng cấp đê biển chỉ bố trí được 40% so với mức vốn được phê duyệt. Chính vì sự đầu tư không đồng bộ, dàn trải, thời gian thi công kéo dài nên nhiều dự án dở dang, chưa phát huy được hiệu quả.

Minh chứng là Kế hoạch hành động ứng phó với Biến đổi khí hậu giai đoạn 2013-2020 của tỉnh Kiên Giang, đến thời điểm này 6 nhiệm vụ dự án chủ chốt chưa thể triển khai vì thiếu vốn. Chỉ duy nhất Dự án đầu tư xây cống sông Kiên thuộc thành phố Rạch Giá có thể hoàn thành vào tháng 9 năm nay.

Việc khai thác tài nguyên thiếu bền vững, nhất là khai thác nước ngầm quá mức không theo quy hoạch làm suy kiệt nguồn nước ngầm, là một trong những nguyên nhân gia tăng hạn hán, sụt lún, xâm nhập mặn, sạt lở vùng ĐBSCL. Một số tỉnh phân bố sử dụng đất và tổ chức sản xuất vùng kinh tế mặn-lợ-ngọt còn tùy tiện, chưa quy hoạch và thích nghi với biến đổi khí hậu. Đặc biệt là quy hoạch thiếu tính liên kết toàn vùng…

Hiện trạng rừng ngập mặn ĐBSCL manh mún, không liền vùng mà phân bổ rải rác, chia cắt do các khu tái định cư và nuôi trồng thủy sản xen kẽ trong rừng ngập mặn. Thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp từ năm 2000- 2013 cho thấy, tổng diện tích rừng trồng bị thiệt hại 11.758ha. Tình trạng xói lở bờ biển và lan truyền của nước mặn vào sâu trong nội đồng, lựa chọn cây trồng không phù hợp với lập địa, vốn đầu tư thấp, tình trạng chặt phá rừng, lấn chiếm rừng để nuôi thủy sản đã tác động xấu đến diện tích rừng ngập mặn ven biển nơi đây.

Tổng dân số các xã vùng ven biển khoảng 898.510 người, gồm 179.546 hộ, chiếm khoảng 5% tổng số dân của toàn vùng. Trong khi đó, diện tích rừng ngập mặn chỉ chiếm 2% diện tích đất tự nhiên. Đa số dân cư ở đây là các hộ nghèo, đời sống hàng ngày phụ thuộc vào việc kiếm sống ở vùng đất ngập mặn. Ý thức về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của một bộ phận dân cư còn thấp nên đã xảy ra hiện tượng phá rừng, lấn chiếm đất rừng để nuôi tôm, khai thác lâm đặc sản đã gây thiệt hại, làm cho một số khu rừng ngập mặn bị đảo lộn. Đây cũng là nguyên nhân quan trọng làm gia tăng mức độ triều cường gây xói lở và xâm nhập mặn trong những năm qua.
 

Xâm nhập mặn ở ĐBSCL: Nhận diện nguyên nhân và giải pháp ứng phó

Đồng ruộng khô cháy -Ảnh: VNN


* Đề xuất giải pháp thích ứng

Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần thơ nhận xét: Ứng phó với biến đổi khí hậu tại ĐBSCL phải được đặt trong mối quan hệ liên vùng. Không chỉ là thách thức mà còn tạo cơ hội thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững. Vì thế phải tiến hành đồng thời thích ứng và giảm nhẹ, trong đó thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, tránh thiên tai là trọng tâm.

Giải pháp trước tiên là tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn cho vùng ĐBSCL. Đẩy mạnh điều tra, khảo sát, đánh giá tiềm năng nước mặt, nước ngầm và khả năng sụt lún, xói lở, sạt lở trong bối cảnh biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế-xã hội. Rà soát, đánh giá, bổ sung các quy hoạch phát triển, đặc biệt là quy hoạch đê sông, đê biển, hồ chứa cho vùng. Xây dựng mạng lưới giám sát biến đổi khí hậu và nước biển dâng; xác định các kịch bản phát triển riêng cho toàn vùng trên cơ sở cập nhật chi tiết các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng, các tác động do phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mê Công.

Đi cùng với trồng, phục hồi và bảo vệ rừng ngập mặn ven biển nhằm từng bước tạo đai rừng chắn sóng, chống sạt lở bờ biển, tăng cường khả năng hấp thụ khí CO­­2, bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái ven biển, tạo sinh kế bền vững cho người dân bản địa. Phải nâng cấp, gia cố, xây mới các hồ nước ngọt, phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân trong bối cảnh hạn hán và xâm nhập mặn gia tăng. Nhất là nâng cấp, gia cố, xây mới các đoạn đê sông, đê biển xung yếu ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân trong vùng.

Đề cập về biện pháp hạn chế ngộ độc mặn cho cây trồng, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Bảo Vệ cho rằng giải pháp cần triển khai ngay hiện nay là nhanh chóng cơ cấu lại lịch thời vụ; cơ cấu lại giống, ưu tiên giống lúa ngắn ngày, chịu mặn dưới 3 phần nghìn; khuyến cáo người dân không gieo cấy vụ Xuân Hè, nhất là các tỉnh ven biển; các địa phương khẩn trương đầu tư, xây dựng khép kín thệ thống đê bao, cống đập ngăn mặn.

Về giải pháp lâu dài cần bố trí lại cơ cấu cây trồng phù hợp; đa dạng hóa và phát triển các cây trồng có khả năng thích ứng với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn; nghiên cứu chọn tạo các giống cây ăn quả, cây công nghiệp, cây lương thực có khả năng chịu hạn, mặn tốt. Cải tạo hạ tầng kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tập quán sản xuất và sinh hoạt của cư dân ven biển để thích nghi với mực nước biển dâng…

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Bùi Văn Lâm cho biết: Trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, Chính phủ Đan Mạch đã hỗ trợ tỉnh Bến Tre triển khai thí điểm các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2010-2015. Nhờ đó tỉnh đã triển khai thực hiện rất nhiều giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng đạt hiệu quả thiết thực.

Trong đó có một số hoạt động dự án (phi công trình và công trình) tiêu biểu như nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân về biến đổi khí hậu; đánh giá tác động, chi tiết kịch bản biến đổi khí hậu và đề xuất giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu. Xây dựng mô hình điểm ngăn mặn cục bộ; xây dựng các tuyến đê; hỗ trợ đường ống cấp nước cho các hộ gia đình; trồng và chăm sóc, bảo vệ rừng ngập mặn ven biển; hệ thống canh tác thích hợp trên đất nhiễm mặn trong điều kiện biến đổi khí hậu, với tổng kinh phí thực hiện khoảng 152,5 tỉ đồng đã mang lại nhiều thuận lợi cho cộng đồng dân cư, có thể được nhân rộng ra các địa phương khác.

Tuy vậy, những công trình thí điểm chỉ giải quyết được ở phạm vi, quy mô nhỏ, trong khi các công trình trọng điểm ứng phó với biến đổi khí hậu chưa được đầu tư như hệ thống đê biển, hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre, chống sạt lở, công trình cấp nước ven biển…Do đó tỉnh mong muốn Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành chức năng tiếp tục hỗ trợ không chỉ riêng cho Bến Tre mà còn cho các tỉnh thuộc vùng ĐBSCL, triển khai thực hiện một số dự án trọng điểm để ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng…

Mặt khác, việc quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng ven biển phải đảm bảo ổn định lâu dài. Cần có những cơ chế chính sách hợp lý cho những người tham gia bảo vệ rừng cũng như tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và tổ chức, hộ gia đình, cá nhân về tầm quan trọng của rừng ngập mặn.

VĂN HÀO -THẮNG TRUNG