Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Một góc Hồ Dầu Tiếng - Ảnh: TL
Ông Trần Quang Tĩnh, Phó Giám đốc, phụ trách Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác thủy lợi Tây Ninh (Công ty khai thác thủy lợi Tây Ninh) cho biết, dự báo lượng mưa năm nay ít, hồ Dầu Tiếng có khả năng sẽ căng thẳng trong việc cung cấp nước vào mùa khô, vì vậy, ngay từ khi chưa dứt mưa, công ty đã chủ động đề nghị Ban Quản lý hồ Dầu Tiếng - Phước Hòa tiếp thêm nước của hồ nước Phước Hòa từ tỉnh Bình Phước sang hồ Dầu Tiếng. Đồng thời triển khai ngay các giải pháp sử dụng nước tưới tiết kiệm ngay từ đầu vụ sản xuất Đông Xuân như: phối hợp với đơn vị quản lý đầu mối áp dụng chế độ xếp lịch cung cấp nước luân phiên trên kênh chính Đông, chính Tây; chỉ đạo xí nghiệp thủy lợi các huyện, thành phố đắp chặn toàn bộ tuyến kênh tiêu để giữ nước, tạo độ ẩm cho cây trồng, nhằm giảm số lần phục vụ tưới. Tổ chức nạo vét, làm cỏ, vớt rong trên các tuyến kênh tưới để khơi thông dòng chảy, tiếp thêm nước cho hệ thống kênh nội đồng. Chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cây trồng, từ đất trồng lúa, nuôi trồng thủy sản, sang trồng cây công nghiệp ngắn ngày sử dụng ít nước hơn.
Kết quả, vụ sản xuất Đông Xuân 2015 - 2016, nông dân chuyển đổi gần 1.640 ha đất từ trồng lúa, nuôi trồng thủy sản sang trồng cây công nghiệp ngắn ngày, rau màu như: mía, sắn, lạc, vừng... đạt 110% so kế hoạch chuyển đổi của tỉnh.
Nhờ vậy, theo tính toán ban đầu của Công ty khai thác thủy lợi Tây Ninh, trong vụ sản xuất này, toàn tỉnh tiết kiệm trên 133 triệu m3 nước, tương ứng trên 25% so với lượng nước sử dụng của vụ Đông Xuân trước, nhưng vẫn bảo đảm nguồn nước tưới cho trên 46.000 ha cây trồng các loại, tăng gần 300 ha so vụ Đông Xuân trước.