Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Lễ ra quân thực hiện bảo vệ môi trường dọc theo tuyến kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè sáng 13/3/2016
Đây là một trong chuỗi hệ thống dự án được triển khai nhằm thu hút khách du lịch đến tham quan những điểm xanh hoặc đã được xanh hóa trở lại trên địa bàn thành phố, kết hợp vận động nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân. Từ đó có cái nhìn tích cực về bộ mặt đô thị đang chuyển mình rõ rệt và được đầu tư cải tạo khang trang sau một thời gian dài ô nhiễm. Sau 2 tháng chuẩn bị, các thành viên của dự án đã kiến tạo được lộ trình tham quan gồm 2 tour Trung tâm đi qua các điểm xanh trong nội thành và 1 tour Nhánh đi khu vực làng nghề ở ngoại thành. Phương tiện di chuyển sử dụng trong tour hoàn toàn đảm bảo tiêu chí dự án đặt ra, hoặc dùng xe đạp, hoặc đi xe buýt.
Buổi lễ diễn ra ngắn gọn nhưng đầy hào hứng với sự tham gia của hai đại sứ Quang Đăng và Hà Okio cùng hơn 400 bạn TNV của các nhóm dự án Giờ Trái Đất 2016.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP. HCM cho biết, kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè sau một thời gian “hồi sinh” đang bị đe dọa ô nhiễm trở lại do rác người dân xả xuống kênh và lượng cá dưới kênh bị câu bắt trái phép. Trung bình mỗi ngày có đến 7 tấn rác và lục bình vớt được từ lực lượng vệ sinh vớt dọc tuyến kênh. Dù đã có bảng “Cấm đánh bắt cá dưới mọi hình thức” nhưng vẫn rất nhiều người thả cần câu bừa bãi từ sáng tới khuya. Vì vậy, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động các hộ gia đình, hộ sản xuất kinh doanh, khách vãng lai nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, không đổ rác xuống kênh, không câu bắt cá trên kênh tại dọc 2 bên bờ kênh theo tuyến đường Hoàng Sa – Trường Sa để giữ được màu xanh lâu dài cho kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè.
Thả cá xuống kênh
Ngay sau khi kết thúc lễ, đại biểu, hai đại sứ cùng các bạn TNV đã xuống thuyền tham gia tour du lịch sinh thái nội đô, giới thiệu về kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè – nơi mà nay đã trở thành điểm đến xanh trong mắt người dân Thành phố, đồng thời cùng tham gia hoạt động vớt rác, thả cá để góp phần xanh hóa dòng kênh. Trong khi đó, các tình nguyện viên của dự án Cộng đồng xanh cùng với lực lượng đoàn viên thanh niên tại địa phương sẽ thực hiện việc tuyên tuyền vận động các hộ gia đình, hộ sản xuất kinh doanh sinh sống dọc 2 bên bờ kênh và khách vãng lai nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, không đổ rác xuống kênh, không câu bắt cá trên kênh; đồng thời tiến hành thực hiện dọn dẹp vệ sinh dọc hai bên bờ kênh trên đường Hoàng Sa và Trường Sa.Riêng nhóm Chuyển động xanh thì lại tiếp tục những vòng bánh xe của mình rảo đều trên 2 con đường bao quanh kênh.
Liên quan đến hoạt động cải thiện mỹ quan, Đoàn Công ty TNHH MTV Thoát nước Đô Thị TP. HCM (UDC) cùng phối hợp với Quận Đoàn 1, 3, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình thực hiện Công trình “Sơn nắp hầm ga thoát nước”, với khẩu hiệu “Đừng bỏ rác ở đây, rác làm tắc cống gây ngập nước” trên 313 nắp hầm ga thoát nước trải dài hai bên bờ kênh đi qua cả 5 quận.
Chia sẻ về vấn đề này, Bà Nguyễn Thị Thanh Nga, sống trên đường Hoàng Sa cho biết, thành phố đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để tạo nên dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè trong xanh và đẹp như hiện nay. Việc gìn giữ thành tựu này là rất cần thiết nên rất cần phải duy trì thường xuyên hoạt động truyên truyền, vận động cộng đồng không xả rác cũng như bắt cá trên kênh. Quan trọng hơn, chính quyền địa phương cũng cần xây dựng những biện pháp chế tài thật mạnh với những hành vi vi phạm môi trường, xâm hại làm ô nhiễm nguồn nước kênh, như vậy mới có thể ngăn chặn hiệu quả nguy cơ tái ô nhiễm nguồn nước kênh.
Bên cạnh đó, trong buổi sáng cùng ngày, công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP. HCM cũng đã tiến hành lắp đặt đồng loạt gần 200 thùng rác dung tích 95 lít/thùng, trên các tuyến đường Đồng Khởi - Lê Duần - Pasteur - Lê Thánh Tôn - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Lợi. Lượng thùng rác mới này hy vọng sẽ tăng cường đảm bảo vệ sinh và phù hợp cảnh quan, giữ gìn mỹ quan đô thị, đồng thời đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng cho người dân.