Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết: Đối với lĩnh vực Khí tượng Thủy văn, Việt Nam và Phần Lan đã có cơ hội hợp tác chặt chẽ trong công tác phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Các Dự án ”Hỗ trợ hiện đại hóa công tác Khí tượng Thủy văn tại Việt Nam” giai đoạn I và II trong khuôn khổ ICI do Chính phủ Phần Lan viện trợ không hoàn lại đã được triển khai; kết quả của các Dự án đã thực sự hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình hiện đại hóa ngành Khí tượng Thủy văn.
Ảnh minh họa: TL
Dự án “Nâng cấp khả năng đo mưa, dự báo bão và giông sét của trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia” sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi (ODA) của Chính phủ Phần Lan đã được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt tại Quyết định số 1280/QĐ-TTg ngày 31/7/2014, được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 2439/QĐ-BTNMT ngày 30/10/2014 và giao Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia làm Chủ đầu tư.
Dự án nhằm tăng cường năng lực của Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, cải thiện cơ sở hạ tầng Khí tượng Thủy văn, đặc biệt là hệ thống quan trắc ra đa thời tiết và cơ sở dữ liệu nhằm nâng cao chất lượng dự báo định lượng mưa, bão, lũ, giông, sét và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác; Từ đó tăng cường năng lực quản lý rủi ro thiên tai ở Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng, góp phần tích cực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo vệ cuộc sống và tài sản của xã hội, cộng đồng trước rủi ro thiên tai, đảm bảo sự phát triển bền vững tại Việt Nam.
Các hoạt động chính của dự án được triển khai tại 27 địa điểm và trải rộng trên 15 tỉnh, thành phố, trong đó: Đầu tư xây dựng mới, đồng bộ 5 trạm ra đa thời tiết; Nâng cấp 3 trạm ra đa thời tiết hiện có; đầu tư mới 18 trạm phát hiện giông sét tại 18 Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh; Trang bị Trung tâm hợp nhất số liệu ra đa và hệ thống tập trung hóa hiển thị số liệu Khí tượng Thủy văn và sản xuất sản phẩm thời tiết; Đào tạo đội ngũ cán bộ vận hành, bảo trì hệ thống thiết bị quan trắc; khai thác vận hành hệ thống trung tâm; khai thác, ứng dụng hệ thống phần mềm, phát triển các sản phẩm dự báo thời tiết. Dự án được triển khai trong ba năm từ 2016 đến 2018, với tổng mức đầu tư là 20,228 triệu Euro từ nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ Phần Lan và 168,338 tỷ đồng từ nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Dự án hoàn thành sẽ góp phần gia tăng mật độ trạm ra đa thời tiết, quan trắc bao trùm được toàn bộ lãnh thổ Việt Nam và một số vùng thuộc các nước lân cận trong khu vực; Thiết lập mới hệ thống quan trắc phát hiện giông sét, tạo tiền đề cho quá trình hiện đại hóa, phát triển mạng lưới phát hiện giông sét trên cả nước; Mạng lưới ra đa thời tiết đồng bộ; tập trung hóa, tự động hóa hệ thống quan trắc Khí tượng Thủy văn; kết hợp hệ thống ra đa, hệ thống phát hiện giông sét, mạng lưới các trạm quan trắc mặt đất và các mô hình động lực tạo thành hệ thống phân tích quan trắc hoàn chỉnh, góp phần hiện đại hoá mạng lưới quan trắc đảm bảo ngang tầm khu vực và quốc tế; Đổi mới và tăng cường năng lực hệ thống xử lý, lưu trữ, truyền tin phục vụ dự báo Khí tượng Thủy văn ở Việt Nam; Đào tạo đội ngũ cán bộ với trình độ công nghệ cao vận hành và tiến tới làm chủ toàn bộ hệ thống quan trắc và sản xuất sản phẩm thời tiết tổ hợp.