Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Hàng trăm người dân tụ tập trước trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa đòi FLC trả lại bãi biển. Ảnh chụp chiều 1/3. Ảnh: Lê Dương
Lực lượng an ninh có mặt trước trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa chiều 1/3. Ảnh: Lê Dương
Đến 17h chiều nay, hàng trăm người dân xã Quảng Cư vẫn tụ tập trước cổng UBND tỉnh Thanh Hóa, đòi Chủ tịch tỉnh phải trả lại bãi biển để cho dân kiếm sống.
Người dân cho biết, họ sẽ còn tụ tập đến khi nào UBND tỉnh chịu để cho họ có kế sinh nhai, và FLC không được ngăn cản họ đánh bắt ngao, cá ven biển.
Trao đổi với VietNamNet, ông Ngô Hoàng Kỳ, Chánh văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa thừa nhận việc ngư dân thị xã Sầm Sơn lên tụ tập trước UBDN tỉnh, phản đối việc giao đất cho FLC, ảnh hưởng con đường mưu sinh của họ.
"UBND tỉnh đang xem xét để giải quyết. Hiện nay đã có phương án, nhưng vẫn đang còn phải bàn thêm để có hướng xử lý”, ông Kỳ cho biết.
Dân không còn chỗ làm ăn
Liên quan đến vụ việc, theo phản ánh của người dân, khi chưa có tập đoàn FLC về xây dựng, dọc bãi biển Sầm Sơn là nơi mưu sinh qua bao nhiêu thế hệ. Đến nay khi FLC xây dựng xong thì người dân không được vào bãi biển để đánh bắt cá, cào ngao, mặc dù phần bãi biển trên không thuộc quản lý của tập đoàn.
Chị Nguyễn Thị Do (thôn Cường Thịnh) cho biết: “Trước đây trung bình mỗi ngày đi cào ngao tôi kiếm được 400 - 500 nghìn đồng, nay mỗi ngày may ra chỉ kiếm được 50.000 - 60.000 đồng. Chúng tôi bị bảo vệ của FLC không cho vào cào ngao”.
Cũng theo chị Do, người của FLC còn cắm phao dọc theo chiều dài của khu FLC không cho tàu, thuyền của ngư dân đánh cá gần bờ.
Ông Lường Văn Quyền, trưởng thôn Cường Thịnh cho biết 60% nhân khẩu của thôn làm nghề đi biển. Người dân các thôn như Quang Vinh, Thành Thắng, Minh Cát cũng chung tình trạng.
“Tháng 5/2014 FLC đến đầu tư vào đây và được UBND tỉnh đồng ý. Ngày bàn giao đất và mốc giới cho tập đoàn này, tôi cũng được tham gia. Theo đó, từ mép rừng phòng hộ trở ra ngoài biển 15m là bãi biển tự nhiên, không giao cho FLC quản lý. Nhưng đến nay người dân không được vào khu vực này đánh bắt hải sản, không còn chỗ làm ăn”, ông Quyền cho biết.
Khu vực bãi biển (từ bờ kè công trình xây dựng trở ra đến mép nước biển) không thuộc quản lý của FLC, nhưng bảo vệ của FLC không cho người dân vào khai thác thủy sản. Ảnh: Lê Dương
Bảo vệ của FLC (mặc đồng phục đen, đội mũ) xua đuổi không cho ngư dân cào ngao. Ảnh: Lê Dương
Đã xử lý rồi vẫn tái diễn
Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó chủ tịch UBND xã Quảng Cư thừa nhận việc người dân phản ánh là đúng. Bà cho biết khu vực bãi biển này không thuộc quản lý của FLC nên người dân có quyền đánh bắt, khai thác thủy sản.
“Đã nhiều lần người dân phản ánh tình trạng trên. Chúng tôi đã trực tiếp làm việc với lãnh đạo FLC thì mọi việc lại trở lại bình thường, nhưng một thời gian sau lại tiếp diễn. Cách đây mấy tháng, khi tiếp xúc cử tri chúng tôi đã đề cập vấn đề này, đồng thời liên tục báo cáo với UBND thị xã để có biện pháp giải quyết nhưng vẫn chưa có kết quả” - bà Thủy nói.
Ông Phạm Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn cho biết đã nắm được thông tin về sự việc này qua phản ánh của người dân. Chính quyền đã làm việc với FLC và không còn hiện tượng đó nữa.
“Đến nay FLC tái diễn, chúng tôi sẽ yêu cầu FLC phải dừng lại và trả lời bằng văn bản. Còn việc đơn v
ị này cắm phao không cho tàu thuyền đánh bắt thủy sản gần bờ, chúng tôi cũng sẽ yêu cầu đơn vị phải tháo dỡ, trả lại khu vực mặt nước cho ngư dân đánh bắt, mưu sinh”, ông Tuấn nói.
Ông Lê Quang Tuyến, Chi cục trưởng chi cục khai thác và bảo về nguồn lợi thủy sản (Sở NN&PTNT Thanh Hóa) nói chưa nắm được việc này và cũng chưa có phản ánh tới đơn vị.
Tuy nhiên, quan điểm của ông Tuyến là UBND tỉnh chỉ giao cho FLC mặt nền đất chứ không giao trên mặt biển, do đó người dân có quyền khai thác thủy sản trên mặt biển mà không ảnh hưởng tới FLC. Việc người của FLC ra xua đuổi, ngăn cấm không cho người dân đánh bắt là hoàn toàn sai, cần phải lên án để bảo vệ quyền lợi người dân.
Chính quyền địa phương đã nắm được sự việc, đã xử lý nhưng thực trạng này lại tái diễn. Ảnh: Lê Dương