Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Nếu được xây dựng, tháp truyền hình Việt Nam dự kiến sẽ cao hơn tháp Sky Tree ở Tokyo (Nhật Bản).
Thông tin nêu trên được đưa ra tại phiên họp báo thường kỳ của Chính phủ chiều 29/2, khi dư luận đặc biệt quan tâm tới kế hoạch xây dựng tháp truyền hình cao kỷ lục - 636m của Đài truyền hình Việt Nam (VTV). Công trình được cho là có vốn đầu tư lên tới 1,5 tỷ USD đứng trước nhiều câu hỏi về tính hiệu quả, khả năng huy động vốn, vai trò chức năng của chủ đầu tư cũng như mức độ phù hợp với điều kiện công nghệ hiện nay...
Trước những câu hỏi này, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Nguyễn Khắc Định cho biết chủ trương xây tháp truyền hình đã từ Đại hôi Đảng VIII. Đến năm 1995, trong quyết định của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch phát thanh - truyền hình có nhắc tới việc xây dựng tháp. Khi đó, công trình này được xác định là đa mục tiêu, ngoài phục vụ truyền hình còn là điểm nhấn du lịch, phát triển thương mại...
Đến 1997, VTV trình phương án tháp cao 350m, song do ngân sách khó khăn khi đó, thường trực Chính phủ đã bàn nhiều lần, quyết định dừng lại, ưu tiêu các mục tiêu khác. Tới 2013, Đài truyền hình tiếp tục trình chủ trương như quy hoạch 1995.
Khi đó, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, trong đó có Bộ Quốc phòng, Tài chính, Xây dựng và thành phố Hà Nội cho ý kiến, thống nhất với VTV về việc trình phương án xây tháp đa mục tiêu, tạo điểm nhấn cảnh quan, không dùng ngân sách, đảm bảo lợi ích cho người dân, thành phố và phục vụ du lịch… Thủ tướng theo đó đã đồng ý về chủ trương, giao VTV xây dựng dự án, chọn nhà đầu tư, mời tư vấn nước ngoài thực hiện.
Cũng theo ông Định, ở đề án nêu trên, VTV có đề xuất một số cơ chế chính sách, nhưng Thủ tướng yêu cầu cơ quan này cùng các bộ làm dự án tiền khả thi, bao gồm tất cả các vấn đề để xem xét.
"Cái gì thuộc các bộ thì bộ xử lý, cái gì vượt thì trình Thủ tướng. Dự án đang trong giai đoạn tiền khả thi, sau khi có sẽ giao các bộ thẩm định, trình Thủ tướng. Nếu không hiệu quả thì chắc chắn Thủ tướng không phê duyệt", ông Định nói. Tuy vậy, vị này cũng cho rằng nếu sử dụng vốn xã hội hóa, thành phố Hà Nội lại có công trình cao 636, thu hút khách du lịch thì các bên đều có lợi, đạt được mục tiêu.
Trước đó, từ đầu năm 2015, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt kết luận của Thủ tướng, đồng ý cho VTV và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) lập công ty cổ phần để đầu tư dự án Tháp truyền hình Việt Nam. Công trình dự kiến được xây dựng trên khu đất hơn 14 ha tại khu trung tâm đô thị Tây Hồ Tây. Thông tin sau đó cho biết bên thứ 3 tham gia vào dự án là BRG - tập đoàn tư nhân chuyên đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực sân golf và tài chính - ngân hàng.
VTV dẫn lời phát biểu của Tổng giám đốc Trần Bình Minh cho hay độ cao của tháp sẽ là 636m, hơn tháp cao nhất châu Á hiện nay là Sky Tree ở Tokyo - Nhật Bản (634m) và tháp truyền hình Quảng Châu - Trung Quốc (600m). Nguồn tin từ chủ đầu tư sau đó cho hay bản thiết kế tháp truyền hình Việt Nam đang được Công ty Nikken Sekkei (Nhật Bản) xây dựng và dự kiến trình hội đồng chủ đầu tư trong năm 2015.