Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Hồ Ba Bể đợi ngày biến mất!

(19:42:16 PM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - Có một thông tin chính thống và rất sốc rằng: Nếu không có biện pháp "bước ngoặt" nào, chỉ khoảng 80 năm nữa (tính từ năm 2010), hồ Ba Bể - viên ngọc xanh treo trên núi đá mỹ miều của miền đồng thổ - sẽ biến mất sau hơn 200 triệu năm tồn tại cùng vỏ trái đất.

 

 

 ho ba be

Hồ Ba Bể đang bị "ăn thịt" bởi bùn, đất từ các dòng sông, suối đổ vào. Ảnh: Thao Giang

 

 

Bắc Cạn có suối đãi vàng/ Có hồ Ba Bể, có nàng áo xanh”.

 

 Nếu kể tên chỉ một cái hồ đẹp và nổi tiếng nhất miền Bắc Việt Nam, nhất định người ta phải vinh danh hồ Ba Bể. Nếu nghĩ đến hai cái hồ nổi tiếng thế giới nhất đang hiện diện ở Việt Nam, người ta không thể bỏ quên hồ Ba Bể. Vườn quốc gia (VQG) Ba Bể được liệt hạng là Vườn di sản ASEAN năm 2004, từng được nước ta đưa vào tiến trình lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, là vùng đất có tầm quan trọng toàn cầu theo Công ước Ramsar, cũng bởi vườn chứa trong mình hồ Ba Bể - viên ngọc xanh treo trên núi đá mỹ miều của miền đông thổ. Hồ Ba Bể là một trong 100 cái hồ nước ngọt tự nhiên lớn lớn nhất thế giới, là một trong 20 hồ nước ngọt có tầm quan trọng đặc biệt, cần bảo vệ nghiêm cẩn nhất của loài người (thông tin từ Hội nghị các hồ nước ngọt thế giới, tổ chức năm 1995, tại Mỹ, đã được công bố rộng rãi suốt hơn chục năm qua).

 

Theo giới khoa học, nằm trên các dãy núi “lưng chừng trời”, địa hình caxtơ với quá nhiều hang động và kẽ nứt thoát nước khổng lồ, nhưng hệ thống hồ của di sản hồ Ba Bể vẫn tồn tại suốt mấy trăm triệu năm qua, đó quả là một sự nhiệm màu, một sự bí hiểm thú vị mà thiên nhiên ban tặng cho loài người! Và, hiếm có bài dân ca Tày nào ở miền Đông Bắc, mà thiếu được hình ảnh lung linh của hồ Ba Bể. Thế nhưng...

 

Cái án 80 năm nữa sẽ “khai tử”

 

Tháng 7.2010, chúng tôi thêm một lần đi khảo sát tình trạng bồi lấp đáng sợ ở hồ Ba Bể. Từ năm 2002, nhiều người thạo tin đã hiểu, hoá ra, vụ “khai tử” có thể có của hồ Ba Bể không phải là một thông tin vỉa hè. Nó đã được đưa lên bàn nghị sự của lãnh đạo tỉnh Bắc Cạn và cơ quan hữu trách ở trung ương rất nhiều lần, nó được các phó giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia cao cấp ở Viện Khoa học thuỷ lợi nghiên cứu trên từng mét vuông mặt hồ, đáy hồ và các vùng dân cư xung quanh trong suốt 3 năm qua rồi đưa ra kết luận trong Hội đồng nghiệm thu cấp bộ hẳn hoi (năm 2002).

 

Sự việc cụ thể như sau: Từ đầu những năm 1990, nhiều người yêu mến di sản thiên nhiên, kho báu đa dạng sinh học hồ Ba Bể phải đắng lòng. Bởi rừng bị phá, núi xói mòn, lại thêm lối “hoả canh” (đốt nương làm rẫy) của không ít bà con miền thượng du, đã khiến cho mưa lũ cứ vần vũ đưa đất đá, rều cát về san lấp đặc kín 3 cửa sông, suối đổ vào hồ. Những diện tích mặt hồ xanh như ngọc, đẹp đến nao lòng cứ dần biến thành ruộng nương, thậm chí bà con làm nhà cửa trên bãi bồi cách đó chưa lâu còn là mặt hồ với dáng bao áo chàm và thuyền độc mộc tung tăng. 400ha diện tích mặt nước, với độ sâu trung bình 20 - 30m của “viên ngọc xanh” Ba Bể sẽ đi về đâu?

 

Chuyện ầm ĩ đến mức, tháng 7.1999, đích thân Bộ trưởng Bộ NNPTNT (bấy giờ) là ông Lê Huy Ngọ phải lên thị sát rồi giao nhiệm vụ cho Viện Khoa học Thuỷ lợi nghiên cứu, đề xuất giải pháp cứu hồ. PGS - TS Lưu Như Phú - cán bộ của viện - đã được giao nhiệm vụ Chủ nhiệm đề tài “Dự án điều tra cơ bản xác định thực trạng, nguyên nhân và định hướng giải pháp chống bồi lắng tại các cửa sông đổ vào hồ Ba Bể”, với kinh phí ban đầu 1 tỉ đồng, được thực hiện trong 3 năm. Ông Phú và các cộng sự đi đến thuộc lòng từng bản làng, từng hang động, từng cánh đồng và các đỉnh núi trong khu vực. Họ chia thành từng nhóm, lập các trạm thuỷ văn, mỗi ngày hai lần đo đạc. Họ đi bộ cả tuần trong rừng, leo lên thượng nguồn sông Chợ Lèng, suối Tà Han tìm hiểu. Đi thực địa chưa đủ, họ phải mua ảnh vệ tinh của nước ngoài để “so sánh” tốc độ phá rừng trong toàn khu vực (nguyên nhân gây ra xói mòn đất trôi về lấp hồ) trong các mốc cụ thể suốt 30 năm (tính từ năm 1970). Các nhà khoa học thậm chí còn dùng cả máy siêu âm hiện đại để có thể tường tận từng mét vuông đáy hồ, từng kẽ nứt của địa hình caxtơ, để tính toán về tình trạng cũng như tốc độ bị bồi lấp của hồ.

 

Năm 2002, công trình trên đã được Hội đồng nghiệm thu cấp bộ đánh giá cao, với 7/9 thành viên “chấm” xuất sắc. Theo đó, thì câu chuyện rất rõ ràng: 90 năm nữa (tính từ năm 2002), nếu không có biện pháp hiệu quả để “cấp cứu”, hồ Ba Bể sẽ biến mất. Dự án tiền khả thi được bàn đến, phải mất 263 tỉ đồng để cứu “viên ngọc xanh treo trên núi đá”. Các nhà khoa học dự kiến sẽ “nắn” không cho các con sông suối đem theo bùn đất vào “lấp” hồ Ba Bể. Ví dụ, muốn chống úng cho Nam Cường (vùng dân cư phía trước một cửa suối lớn góp nước vào hồ Ba Bể) thì phải làm một cái hồ trên sông, cách Nam Cường 7km. Hồ đó phải cao hơn hồ Ba Bể để vừa tích nước cung cấp tưới tiêu cho cánh đồng rộng lớn và phì nhiêu bậc nhất Bắc Cạn (đồng Nam Cường); vừa tránh ngập úng cho khu vực xã Nam Cường. Đồng thời, một hồ khác xây trên sông (suối) Tà Han - một cửa suối lớn nữa dẫn nước và bùn đất vào gây bồi lấp hồ Ba Bể - rồi nối thông hai hồ bằng đường hầm tuynen dài 3km. Nước của hai cái hồ nước khổng lồ này sẽ được xả qua sông Năng ở đoạn phía sau thác Đầu Đẳng - chứ không xả vào hồ Ba Bể rồi mới ra sông Năng như hiện nay nữa.

 


Tưởng như chỉ cần khoan địa chất vài mũi nữa, đo đạc cụ thể vài số liệu nữa, là dự án có thể thành hiện thực ngay. Nhưng, PGS Phú buồn bã lắm, gần 10 năm nay, bao công sức của ông và cộng sự đang bị xếp xó. Có người bảo, dự án tốn tiền quá, không “xuống tay” được. Dừng đề án kia gần 300 tỉ đồng kia, nhưng tình trạng bồi lấp hồ Ba Bể dĩ nhiên là “nó” vẫn diễn ra với tốc độ có thể cắm cọc mà nhìn thấy và đo đạc được. Ai cũng sợ. Thế là một vài dự án khác lại được tiến hành.

 

 

Đi xem “quái vật ăn thịt lòng hồ”

 

Mỗi lần du ngoạn hồ Ba Bể, chúng tôi lại thấy nỗi lo hồ biến mất càng hiển hiện rõ rệt hơn. Mỗi năm, các bãi bồi tràn lấn lấp đi thêm một vành đai nước hồ xanh ngăn ngắt dài mấy chục mét dài, cả nghìn mét rộng và chừng ba chục mét. Việc “ăn thịt” hồ Ba Bể diễn ra âm thầm mà quyết liệt, các chuyên gia rất có lý khi cho rằng: 90 năm nữa hồ Ba Bể biến mất. Đó là con số theo tính toán của các nhà khoa học, khi họ căn cứ theo tốc độ phá rừng và xói mòn đất ùn vào các cửa (sông) suối ở thời điểm trước năm 2002. Giờ đây, rừng bị đẵn ngày càng trọc trơ và bạo liệt, tốc độ khai mỏ và xây dựng các công trình nhà cửa càng nhiều, thì chắc gì đã cần đến 80 năm nữa (tính từ năm nay - 2010) để xoá sổ hồ Ba Bể? Đây cũng là “nhận định mới” của PGS Lưu Như Phú khi trò chuyện với nhà báo.

 

Chúng tôi đi thuyền khảo sát, quay phim tài liệu về tất cả các cửa suối tiếp nước cho hệ thống hồ Ba Bể, các bản làng người Tày sống ven hồ. Qua các lần khảo sát trong 5 năm qua, tôi thấy rõ các doi đất, mũi đất, các ruộng ngô đỗ và bản làng tiến dần ra... giữa mặt hồ một cách vô cùng đáng sợ. Cả ba “nguồn” tiếp nước của hồ, gồm: Sông Chợ Lèng, suối Pó Lù và suối Tà Han đều đang bị biến thành các “sát thủ” chung sức hằng ngày hằng giờ san lấp hồ Ba Bể. 5 năm trước, chúng tôi cũng đi thuyền độc mộc vào tận cái cửa mà suối Tà Han nhập mình với hồ Ba Bể, chỗ ấy bây giờ đã biến thành những bãi ngô xanh ngọc ngà, dài hàng cây số. Đất ụ lên, rắn chắc như đất “thổ cư ngàn đời”, điều đó khiến bà con phải khơi một con mương to (hai chiếc thuyền độc mộc khua mái chèo tránh nhau vẫn vừa) để dẫn nước hồ ngược trở vào “đất liền trên mặt hồ” nhằm “tưới tiêu” cho phần hồ đã biến thành nương rẫy. Cửa suối này, hồi PGS Phú lên nghiên cứu, nó nằm cách cửa suối hôm nay hơn 1.000m. Nơi cửa suối cũ, giờ mọc lên một ngôi nhà bề thế.

 

Tương tự, cách đó nửa tiếng đi thuyền, cửa suối Pó Lù - nơi có bản Tày Bắc Ngòi tuyệt đẹp tôi từng sống nhiều ngày để làm xêri phim “Việt Nam vẻ đẹp tiềm ẩn” trước đây, giờ... hoang tàn, mênh mông rác rưởi như một cái chợ lộn xộn vừa mới giải tán mà người phu ngái ngủ còn chưa kịp quét dọn. Các bãi đất khổng lồ như độn thổ từ dưới đáy hồ lên, ở rìa còn mềm mụp luễnh loãng. Hàng trăm con trâu đang tung tăng gặm cỏ, Hội xuân Ba Bể với các hoạt động nhảy múa, hội chợ, ném còn, nấu cơm thi diễn ra từ lâu lắm, giờ rác rưởi vẫn thống lĩnh không gian. Dường như hội xuân ngày càng lớn, hệ thống bếp lò khoét vào lòng đất giữa hồ để thổi lửa nấu cơm thi (theo phong tục người Tày) ngày càng quy mô, nên mặt hồ cũng phải đội càng nhiều đất bùn lên để... chào mừng đại lễ!

 

Đi tiếp, đến cửa sông thứ ba góp nước cho hồ Ba Bể, sông Chợ Lèng, tôi đã nghĩ đến câu “thương hải tang điền” trong tích cổ (biển xanh biến thành bãi trồng dâu). Hun hút ruộng nương, hun hút nhà cửa, anh cán bộ làm ở Ba Bể 20 năm kể, hồi anh mới nhận công tác, toàn bộ bờ bãi, đất đai, nhà cửa này... còn là của mặt hồ. Bây giờ, mỗi năm lưỡi đất khổng lồ này “liếm” ra hồ hàng chục mét. Bãi bồi đến đâu, bà con cắm cọc xí phần cập rập chuẩn bị mùa vụ đến đó.

 

Theo công trình kể trên do PGS Phú làm chủ nhiệm: Trong 20 năm, kể từ năm 1969 đến năm 1989, hồ Ba Bể bị lấp từ 4 hướng bờ khác nhau, diện tích bị lấp lên tới 15ha. Chỉ tính riêng năm 2002, theo đo đạc, lượng bùn bồi lấp hồ đã lên tới hơn 42 vạn mét khối, có hướng “tấn công lấp hồ”, bãi bồi đã ăn ra mặt hồ tới 60m. Đáy hồ bị bùn làm cho “nâng cao” lên tới 30cm. Đáng cảnh báo hơn nữa: Từ năm 1989 đến năm khảo sát 2002, tốc độ bồi lấp kia tăng đến 2,7 lần so với quãng thời gian khảo sát trong 20 năm trước đó - do phá rừng càng ngày càng bạo liệt hơn. Và, theo đó thì: Chỉ bằng ba phép tính, có thể thấy, 80 năm nữa, hồ Ba Bể sẽ biến mất. Khi ấy, điển tích “bãi biển nương dâu” sẽ được cụ thể hoá như sau: Ba cái biển - bể (Ba Bể) biến thành một cái nương trồng ngô hoặc dâu!

 

Phạm Thị Thao Giang/ Báo Lao Động