Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

6 bí quyết xử lý khi nhân viên từ chức

(10:55:25 AM 23/02/2016)
(Tin Môi Trường) - Đừng giận dữ hay tỏ vẻ thất vọng ngay cả khi bạn và nhân viên rất thân thiết. Hãy thông cảm và để nhân viên của bạn ra đi với một tâm trạng thoải mái nhất.

6 bí quyết xử lý khi nhân viên từ chức


Có thế nói ra Tết, từ khoảng tháng 3 đến tháng 5 là mùa cao điểm của “nhảy việc”. Thực tế theo tâm lý chung, nhiều người có ý định thay đổi công việc sau kỳ nghỉ Tết. Bạn sẽ xử lý như thế nào nếu bất ngờ nhận được đơn từ chức của nhân viên? Tham khảo 6 cách ứng xử thông minh sau.

Bình tĩnh, đừng giận dữ

Từ chức hay thôi việc không bao giờ là một quyết định dễ dàng đối với bất kỳ ai. Có rất nhiều lý do đằng sau đó và chắc chắn nhân viên của bạn đã dành rất nhiều thời gian suy nghĩ về điều này. Vì vậy đừng giận dữ hay tỏ vẻ thất vọng ngay cả khi bạn và nhân viên rất thân thiết. Thông cảm và để nhân viên của bạn ra đi với một tâm trạng thoải mái nhất.

Đừng cố gắng giữ chân họ bằng tiền

Dù bất cứ lý do (thực sự) của quyết định từ chức là gì, đừng bao giờ cố nài nỉ hay thuyết phục họ ở lại bằng cách này hay cách khác. Rất nhiều người chọn cách tăng lương nhưng đây hoàn toàn không phải là phương án tốt. Tiền có thể giữ chân nhân viên một lúc, không phải mãi mãi. Rất nhiều nhân viên chọn quyết định ở lại vì được tăng lương nhưng chỉ sau một thời gian ngắn họ vẫn không hài lòng với công việc và tiếc nuối vì đã bỏ mất những cơ hội việc làm mới. Sự mệt mỏi, chán nản trong công việc chỉ khiến chất lượng công việc giảm sút.

Xem đây là cơ hội tuyển dụng những tài năng mới

Sau một thời gian làm việc, nhân viên (ngay cả những người xuất sắc nhất) thường giảm dần tâm lý hứng thú và mới mẻ với công việc, với công ty. Điều này phần nào ảnh hưởng đến khả năng sáng tạo, tinh thần máu lửa đối với những việc mà mình đang làm. Trái lại, những nhân viên mới là những người có cái nhìn mới mẻ và tràn đầy hứng thú. Thay vì suy nghĩ rằng bạn đang mất đi một nhân viên, hãy xem đây là cơ hội để tuyển dụng thêm những tài năng mới với lòng nhiệt huyết.

Duy trì mối quan hệ với nhân viên

Hơn hết, những nhân viên đã từng làm việc ở công ty là nguồn nhân lực tự do tốt nhất mà bạn có thể tận dụng. Tùy theo tính chất công việc, bạn có thể tuyển dụng họ làm việc bán thời gian hoặc theo dự án trong tương lai. Vì vậy, đừng qua cầu rút ván mà hãy tiếp tục duy trì mối quan hệ với nhân viên ngay cả khi họ không còn làm việc nữa.

Đừng để những lời ra tiếng vào tiếp diễn

Không thể tránh khỏi những lời ra tiếng vào khi một nhân viên từ chức. Đừng bao giờ làm ngơ mặc kệ mà hãy dập tắt chúng bằng nhiều cách khác nhau. Hơn ai hết, bạn là người có vai trò tránh cho “những điều chẳng hay ho” này có thể tiếp diễn thông qua những lời chúc mừng nhân viên vì đã tìm được cơ hội việc làm mới, tri ân những cống hiến của họ trong suốt thời gian làm việc tại công ty,…

Đánh giá về phong cách lãnh đạo của bạn


Theo nhiều khảo sát, hơn 70% lý do quyết định từ chức là vì sếp/cấp trên. Trong nhiều tình huống cả hai phía nhân viên và sếp đều là người có lỗi trong một mối quan hệ công việc không hiệu quả. Trước khi nhân viên rời khỏi công ty, hãy dành thời gian sắp xếp một cuộc trò chuyện với nhân viên để cùng nhau đánh giá cả về hiệu quả làm việc của họ cũng như phong cách lãnh đạo của bạn. Những ý kiến đánh giá của họ sẽ giúp bạn trở thành một quản lý tốt hơn trong tương lai.

Nguồn: HR Insider / VietnamWorks