Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Người dân xã Cam Thịnh Tây, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa vét nước dưới con suối để sử dụng Ảnh: KỲ NAM
Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, xâm nhập mặn tại khu vực Nam Bộ, trong đó có TP HCM, năm nay đến sớm, xâm nhập sâu trên diện rộng và có thể kéo dài đến hết mùa khô. Tình hình này ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho hàng triệu người và gây bất lợi đối với sản xuất.
Khoan giếng lấy nước cầm cự
Mực nước sông Mêkông đang xuống thấp từng ngày. Do nằm ở hạ nguồn nên tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở Kiên Giang dự báo gay gắt hơn trong mùa khô năm nay. Hiện tại, dù chỉ mới vào mùa khô nhưng tình hình thiếu nước ngọt đã xảy ra ở nhiều nơi trong tỉnh Kiên Giang, đặc biệt là ở huyện U Minh Thượng và xã đảo.
TS Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Kiên Giang, cho biết tỉnh đang cần khoảng 50 tỉ đồng để xây hồ chứa cấp nước sinh hoạt và một phần cho sản xuất ở U Minh Thượng nhưng chưa biết lấy đâu ra kinh phí. “Đối với các xã đảo, chúng tôi đã đề xuất với UBND tỉnh phương án hỗ trợ chi phí vận chuyển hoặc bằng tiền cho dân mua nước, mua thùng để chứa nước trong mùa khô” - TS Nhựt nói.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hữu Hoài Phương, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước tỉnh Kiên Giang, 2 hồ chứa của công ty đang cung cấp 550.000 m3/ngày đêm. Tuy nhiên, cách nay hơn một tuần, đơn vị không thể lấy được nước ngọt vào hồ chứa do mặn xâm nhập. “Tình trạng này diễn ra quá sớm so với cùng kỳ nhiều năm trước, từ 2-3 tháng” - ông Phương nhận định.
Cũng theo ông Phương, để đối phó, Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước tỉnh Kiên Giang đang gấp rút đầu tư khoan 16 giếng mới với tổng kinh phí khoảng 6,4 tỉ đồng. Khi hoàn thành, số giếng này sẽ cung cấp thêm khoảng 16.000-20.000 m3 nước/ngày đêm, có thể cầm cự được khoảng 20-25 ngày.
Hứng từng giọt nước máy
Trong những ngày qua, tình trạng thiếu nước sinh hoạt khiến người dân 3 huyện ven biển tỉnh Bến Tre là Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú rơi vào cảnh khốn đốn. Trên khắp các tuyến đường ở xã Đại Hòa Lộc, Thạnh Phước (Bình Đại), xã An Điền, Giao Thạnh, Thạnh Hải... (huyện Thạnh Phú), hằng ngày có rất nhiều xe máy cày chở nước đến bán cho bà con.
“Chúng tôi rất vất vả mới mua được nước, dù giá khá cao, từ 60.000-80.000 đồng/m3” - anh Trần Văn Trầm (ngụ xã Thạnh Hải) than thở. Được biết 3 huyện vùng ven biển tỉnh Bến Tre này đã có 17 nhà máy nước, công suất từ 5-330 m3/giờ nhưng chỉ phục vụ nước sinh hoạt cho khoảng 40% dân số.
Gần 1.000 hộ dân 2 xã Bình Đông, Bình Xuân của thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang cũng rơi vào cảnh tương tự. Anh Châu Văn Hiếu (ấp Cộng Lạc, xã Bình Đông, thị xã Gò Công) cho biết nhiều ngày qua, nguồn nước máy bị ngưng trệ, gia đình anh phải thức trắng để canh lấy nước nhưng không phải lúc nào cũng có.
Ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, xác nhận xã Bình Đông và Bình Xuân đang khốn đốn vì thiếu nước sinh hoạt. Trước tình hình trên, UBND tỉnh Tiền Giang trích 4,5 tỉ đồng để làm đường ống kéo nước sạch và khoan giếng bổ sung nguồn nước sinh hoạt cho người dân nơi đây. UBND tỉnh yêu cầu Công ty TNHH MTV Cấp nước sinh hoạt nông thôn Tiền Giang phải có giải pháp chở nước hoặc tăng công suất bơm để cấp nước cho người dân trong thời gian sớm nhất.
“Không ai chấp nhận được việc người dân có đồng hồ nước mà phải đi đổi nước mấy chục ngàn đồng/m3 như vậy, phải có biện pháp ứng phó ngay” - ông Hưởng nhấn mạnh.
Miền Trung, Tây Nguyên: Sông “chết“, giếng cạn
Trong khi đó, từ cuối năm 2014 đến nay, hiện tượng El Nino đã gây hạn hán khốc liệt ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Chỉ tính riêng năm 2015, ở 2 khu vực này đã có gần 40.000 ha lúa phải dừng sản xuất do thiếu nước; 122.000 ha cây hoa màu, công nghiệp bị thiệt hại vì nắng hạn; hàng trăm ngàn người bị thiếu nước sinh hoạt, gia súc thiếu nước uống.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Khánh Hòa, toàn tỉnh đang đối mặt với tình trạng hạn nặng. Ở vụ đông - xuân này, tỉnh Khánh Hòa có hơn 2.600 ha đất ở phía Bắc tỉnh không sản xuất được và vụ hè - thu tới có nguy cơ mất trắng từ 70%-80% diện tích.
Tại Đắk Nông, theo ông Đỗ Ngọc Duyên, Giám đốc Sở NN-PTNT, nhiều ao, hồ, sông, suối đã cạn nước, kéo theo mực nước ngầm giảm sút nghiêm trọng. Chỉ tính riêng huyện Cư Jút đã có 5 hồ có dung tích lớn xuống mức “chết“. Theo dự báo, nếu đến giữa tháng 3-2016, trời không có mưa thì trên địa bàn tỉnh có khoảng 20.000 ha cà phê không có nước tưới.
Theo dự báo của Bộ NN-PTNT, tại Nam Trung Bộ, dự kiến hạn hán còn kéo dài đến hết tháng 8-2016. Cùng với Khánh Hòa, tỉnh Ninh Thuận có gần 5.800 ha không thể sản xuất trong vụ đông xuân; số diện tích này sẽ tăng gần gấp đôi trong vụ hè thu tới. Trong khi đó, tại Bình Thuận, diện tích đất không thể gieo cấy khoảng 20.000 ha. Qua khảo sát tại 3 tỉnh nói trên, có trên 100.000 người dân thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.
Tại các tỉnh Tây Nguyên, dự kiến đến giữa tháng 3-2016, diện tích cây trồng bị thiếu nước của tỉnh Đắk Lắk là 70.000 ha, Đắk Nông 22.000 ha, Kon Tum 5.000 ha, Lâm Đồng 45.000 ha, Gia Lai 3.005 ha...
TP HCM: Khi cần thiết sẽ vận hành trạm nước ngầm
Theo Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO), tình hình xâm nhập mặn sẽ tác động trực tiếp đến việc khai thác nguồn nước từ sông Đồng Nai và sông Sài Gòn - 2 nguồn cung cấp nước ngọt chính cho TP. Hiện SAWACO đã phối hợp với các đơn vị liên quan lên phương án nhằm chủ động ứng phó với tình hình trên. Cụ thể, SAWACO tăng cường giám sát chất lượng nước tại các trạm thu nước thô, kiểm tra kỹ độ mặn ở từng khu vực và từng thời điểm để đưa ra giải pháp ứng phó kịp thời khi chất lượng nguồn nước biến động. Trong những ngày nước bị nhiễm mặn, SAWACO sẽ phối hợp với các đơn vị quản lý hồ chứa đầu nguồn (hồ Trị An, hồ Dầu Tiếng) xả nước xuống hạ nguồn để bảo đảm chất lượng nguồn nước được ổn định. “Chúng tôi còn tính tới phương án vận hành các trạm giếng ngầm trong trường hợp khẩn cấp để bảo đảm việc cấp nước được ổn định. Hiện những trạm giếng ngầm này không khai thác để hạn chế việc sử dụng nước ngầm theo chủ trương của TP HCM” - đại diện SAWACO cho biết thêm.