Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Phái Nam Phi không biết Tê giác hiện có ở Vinpearl Safari Phú Quốc lấy ở đâu ra ...Ảnh: Zing
Nam Phi không biết…
Trước đó, trả lời BBC về việc có số lượng lớn tê giác được đưa lên máy bay hay vận chuyển ra khỏi Nam Phi đến Việt Nam, bà Loraine Liebenberg, từ Tổ chức Save Our Rhino tại Nam Phi, cho biết: "Tôi vừa kiểm tra và được biết Bộ Môi trường Nam Phi (DEA) chưa cấp bất cứ giấy phép nào chuyển tê giác đến Việt Nam. Mọi tê giác muốn được xuất khẩu hay đưa ra nước ngoài đều phải có giấy phép do DEA cấp".
Bà nói về một trường hợp tương tự: "Trước đây, từng có một tổ chức muốn đưa 80 con tê giác đến Úc trong vòng bốn năm. Họ gặp cực kỳ nhiều khó khăn để có thể kiếm được con số đó. Ở Nam Phi chỉ có một chủ nuôi tê giác tư nhân có số lượng tê giác nhiều đến vậy là John Hume. John Hume có khoảng 1.800 con tê giác."
Bà cho biết: "Cuối cùng có sáu con tê giác được kiểm định để tới Úc, nhưng họ vẫn chưa lấy được giấy phép."
Bà Loraine Liebenberg cũng nói thêm "Những con tê giác phải được huấn luyện để chịu ở trong lồng di chuyển, và thời gian kiểm định thường rất dài."
Các chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại về việc nhiều loài thú là loài đang bị đe doạ hoặc sắp tuyệt chủng của châu Phi được vận chuyển tới hòn đảo nhỏ ở Việt Nam. Chuyên gia cũng đặt dấu hỏi là liệu có tình trạng tê giác chết trong số hơn 100 con thú mà Vingroup thông báo bị chết.
Nếu có tê giác chết thì theo Safari Phú Quốc sẽ phải báo thông tin với cơ quan chức năng, sừng của các con tê giác cần phải được đánh số lại. “Sẽ là vấn đề nếu số tê giác chết và số sừng lại rời khỏi Vinpearl,” tiến sĩ Jose Depre của IARF nói.
ông Jose Depre, đại diện của IARF cho biết theo các quy định hàng không hiện hành thì các tê giác kích cỡ lớn chỉ nên chuyên chở 4-5 con/máy bay để giữ nguyên vẹn được sừng và đảm bảo an toàn. Với 100 con tê giác, phía Safari Phú Quốc sẽ cần khoảng 20 chuyến bay cho việc vận chuyển. Theo thông cáo báo chí công bố, Safari đã tổ chức 10 chuyến chuyên cơ chở thú trước khi khai trương hôm 24/12.
“Điều tôi lo lắng là nếu Safari Phú Quốc chỉ vận chuyển một số nhỏ tê giác thì nguồn tê giác còn lại là từ đâu tới”, ông nói.
...Và phía Việt Nam càng không rõ những con tê giác có trong hình này từ đâu tới ! - Ảnh: Zing
…Việt Nam cũng không hay
Theo Zing, chiều 22/2, ông Vương Tiến Mạnh, phó giám đốc CITES, cơ quan hướng dẫn và giám sát các hoạt động nuôi thú hoang dã khẳng định “Phú Quốc safari chưa hề được cấp phép nhập khẩu tê giác, dù bên này có ý định”. Ông cho biết “việc này còn phụ thuộc vào đối tác bạn (phía Nam Phi).”
Hiện chưa rõ là số tê giác mà safari ở Phú Quốc có được là từ nguồn nào. Trước đó, một số bức ảnh mà phía safari cung cấp có hình ảnh của các loài tê giác đen và trắng đi lại trong vườn thú.
Theo ông Mạnh, các tê giác có thể là do safari Phú Quốc “mượn, trao đổi từ số tê giác có sẵn, ở các vườn thú trong nước đã được cấp phép từ trước.”
Theo ông Mạnh thì từ trước Tết Nguyên đán, CITES cũng đã có văn bản yêu cầu Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kiên Giang và safari Phú Quốc báo cáo về tình trạng thú được nhập về, và tỷ lệ chết, nhưng vẫn chưa có trả lời. Về con số cụ thể từng loài hiện chưa có số liệu chính xác và CITES hiện đang tổng hợp số liệu.
Tuy nhiên, theo công bố hôm khai trương, safari Phú Quốc có tới 3.000 cá thể thú.
Cùng ngày, một lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NNPTNT cũng xác nhận con số hơn 100 cá thể chết. Ông cho biết: Tổng cục đang chờ báo cáo của Kiên Giang và doanh nghiệp về tình hình này. Riêng với việc nhập khẩu động vật do Cites quản lý, phía Cites sẽ có tổng hợp báo cáo.
Lãnh đạo này cho biết thêm tình hình nuôi nhốt được đánh giá là tốt. Tuy nhiên, cơ quan này chưa có kế hoạch kiểm tra tại safari này vì không được vào. Đây là nơi của doanh nghiệp nuôi nên vào không dễ, phải có kế hoạch. Vì vậy, việc quản lý phân cấp trách nhiệm cho địa phương, cụ thể là Sở NN&PTNT cùng Chi cục Kiểm lâm Kiên Giang chịu trách nhiệm.
Ông Dave Neale, giám đốc phúc lợi động vật của tổ chức Animals Asia nhận định trên BBC: "Chuyện thú chết và trốn thoát khỏi vườn thú nếu là sự thực thì có thể hiểu là do ‘mục tiêu lợi nhuận’ khiến người ta nuôi quá nhiều thú và quá sớm”. “Dường như nhà quản lý đã thúc ép mọi sự cho kịp ngày khánh thành trong lúc vườn thú chưa sẵn sàng là môi trường thích hợp cho nhiều loài động vật nhập khẩu”.
“Nếu việc kinh doanh vườn thú được tiến hành bởi các công ty, cá nhân đặt lợi nhuận lên hàng đầu trước yếu tố phúc lợi động vật, bảo tồn thiên nhiên, các con vật sẽ được coi là hàng dùng một lần và có thể dễ dàng thay thế”, ông Neale nói.