Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Cỡi voi du lịch
Hợp tác xã thành lập cách đây hơn 5 năm, với số vốn ban đầu 550 triệu đồng và 22 con voi nhà của 24 xã viên là đồng bào dân tộc M’nông của buôn Jun và trên địa bàn huyện Lắk. Nếu tính với giá bình quân như hiện nay, mỗi con voi nhà từ 200 đến 250 triệu đồng/ con thì tổng giá trị đàn voi nhà của hợp tác xã gần 5 tỷ đồng. Ban đầu cũng có nhiều hộ gia đình hồ nghi việc đưa voi vào làm ăn hợp tác xã , sợ rằng đàn voi thành tài sản “cha chung không ai khóc”, thế nhưng qua thực tế kinh doanh, voi vẫn là tài sản riêng của từng hộ xã viên, voi tham gia như một phương tiện sản xuất.
Sản phẩm “du lịch trên lưng voi” ra đời đã thu hút ngày càng đông khách du lịch đến với Buôn Jun, đến với huyện Lắk, nhất là khách du lịch nước ngoài. Đặc biệt, khách đến tham quan du lịch tại buôn Jun, tại huyện Lắk không có cảnh tranh giành, ép khách du lịch đi voi của nhà này, người kia, giá lên cao ngất ngưỡng, hoặc không có cảnh đeo bám, xin tiền khách...
Chủ nhiệm Hợp tác xã cho biết, mõi tháng, đơn vị đón, phục vụ từ 1.000 đến 1.500 lượt khách du lịch, trong đó có trên 50% là khách nước ngoài. Điều khá thú vị là đoàn khách nào đến cũng đặt tour “” cưỡi voi” đi tham quan các danh lam thắng cảnh của huyện Lắk như cưỡi voi đi dọc hồ Lắk, thăm thú buôn làng đồng bào dân tộc M’nông bản địa buôn Jun, buôn Liêng, thác 3 tầng, Biệt điện Bảo Đại, thăm rừng đặc dụng Nam Ka...
Có lúc gặp đoàn khách đông, hợp tác xã lại huy động cả “đoàn quân” voi nhà đi phục vụ. Cứ một tour du lịch cưỡi voi, với thời gian từ 1 đến 1,5 tiếng đồng hồ, chủ voi thu được 200.000 đến 250.000 đồng và bình quân mỗi con voi mang lại thu nhập cho chủ voi (hộ xã viên) mỗi tháng từ 6 đến 8 triệu đồng, còn đối với hợp tác xã thì thu ít hơn chỉ chiếm khoảng 25 đến 30% so với chủ voi. Anh Y Pa Ri, xã viên của hợp tác xã cho biết, nhờ đưa voi vào làm ăn với hợp tác xã nên mới có nguồn thu cao và ổn định, chứ chưa vào làm ăn tập thể, thu nhập không bao nhiêu, có lúc được lúc không, trong khi đó, công chăm sóc, thức ăn cho voi lúc này tốn kém lắm.
Do làm ăn có hiệu quả, nên nhiều hộ gia đình đã bắt đầu đầu tư vốn mua thêm voi để đưa vào hợp tác xã kinh doanh du lịch. Để đảm bảo sức khoẻ cho đàn voi, hợp tác xã quy định (có sự đồng tình cao của bà con xã viên), mỗi con voi chỉ được phép phục vụ khách tham quan không quá 6 tiếng trong một ngày, khi voi ốm đau, bệnh tật, hợp tác xã hỗ trợ kinh phí để các chủ voi đứng ra chăm sóc, phục hồi sức khoẻ cho voi.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, hầu hết đàn voi nhà làm du lịch của Hợp tác xã Du lịch Buôn Jun đều đã cao tuổi (từ 40 đến 60 tuổi), Hợp tác xã cũng như bà con xã viên đều lo ngại rằng, 10 – 15 năm nữa liệu có còn đàn voi nhà này nữa hay không, nếu như các ngành chức năng, chính quyền địa phương không làm tốt công tác bảo tốn, tạo điều kiện cho đàn voi nhà sinh sản.
Được biết, ngoài sản phẩm du lịch cưỡi voi, Hợp tác xã Buôn Jun còn có các sản phẩm du lịch khác như diễn tấu cồng chiêng, lưu trú trong các căn nhà dài của đồng bào dân tộc M’nông bản địa, đi thuyền độc mộc trên hồ Lắk, thăm làng nghề truyền thống...thu hút ngày càng đông khách du lịch trong, ngoài nước.