Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Mở đầu cuộc trao đổi về đề tài xả rác nơi công cộng, bà Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận 4, TP HCM), nói nhà trường thường xuyên dạy học sinh bỏ rác đúng nơi quy định, nhặt rác nếu thấy rơi vãi và trẻ thường tuân thủ khá tốt.
Người lớn không làm gương
“Tuy nhiên, tôi từng nhiều lần chứng kiến phụ huynh đưa con đi học, đến cổng trường dừng lại ăn sáng và khi ăn xong, thay vì bỏ những vỏ hộp xôi, hộp bánh vào thùng rác thì họ vứt ngay tại chỗ. Trẻ con hay bắt chước người lớn lại hay quên, cần người lớn nhắc nhở. Có một thực tế là dù nhà trường căn dặn rất kỹ, treo những tấm biển, khẩu hiệu trong trường để tập thói quen cho học sinh nhưng khi về nhà hoặc ra đường, phụ huynh thản nhiên xả rác nơi công cộng thì rất khó hình thành ý thức cho học sinh” - bà Hà nói.
Một hiệu trưởng trường THCS ở TP HCM kể tại Nhật Bản, tất cả học sinh, giáo viên đều phải tự lau dọn bàn làm việc, bàn học. Học sinh ở Nhật còn có thói quen mang theo túi đựng rác khi ra khỏi nhà, nếu thấy rác thì nhặt cho vào túi, bỏ vào thùng rác như một việc làm hết sức bình thường. Học sinh Việt Nam chưa có thói quen này, thậm chí ai có hành động này còn bị kỳ thị.
Tạo hệ ý thức mới
Một chuyên gia ngành khoa học môi trường, Trường ĐH KHXH&NV TP HCM cho rằng hành vi xả rác của người Việt không phải chỉ là ý thức, thói quen mà còn nhiều yếu tố khác chi phối như việc kiểm soát chính thức, phi chính thức, do quy hoạch, kiến trúc... tại Việt Nam có quá nhiều vô lý và bất cập. Trong khi ở nhiều quốc gia trên thế giới, hành vi xả rác bừa bãi lập tức bị xử phạt, bị kỳ thị, tẩy chay… thì ở Việt Nam ngược lại. Quy định xử phạt đã có nhưng hầu như chỉ áp dụng với các hành vi chôn lấp chất thải nguy hại, gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, những chất thải tưởng nhỏ như tờ rơi, vỏ hộp sữa, túi ni-lông… tích tụ lại cũng gây ô nhiễm, mất mỹ quan. Mặt khác, trong một đám đông mà người xả rác không hề bị nhắc nhở, xem là chuyện bình thường thì không bao giờ thói quen xấu bị triệt tiêu. “Tại nhiều khu du lịch, nhiều tuyến đường, ở ngay các TP lớn nhưng tìm mỏi mắt không thấy thùng rác, không có nhà vệ sinh công cộng thì rõ ràng quy hoạch có vấn đề. Không ít quốc gia trên thế giới lấy tiêu chí có nhiều nhà vệ sinh công cộng sạch, đẹp để đánh giá một quốc gia hiện đại, phát triển” - vị này cho biết.
Còn theo TS Võ Văn Nam - giảng viên Khoa Tâm lý Giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP HCM - muốn thay đổi thói quen xả rác bừa bãi, việc đầu tiên là phải tạo ra hệ ý thức mới. Muốn vậy, cần nhiều giải pháp và hành động. Chẳng hạn như cung cấp thông tin, kiến thức đến mọi tầng lớp, ở mọi nơi mọi lúc. Khi người ta hiểu đúng, hiểu đủ sẽ dần làm đúng. Ngoài ra, cần có những quy định, chế tài hợp lý, ràng buộc để người dân không thể không làm. Đặc biệt, cần khích lệ, khen thưởng những ai có hành vi đúng đắn, lúc đó người dân sẽ vui vẻ làm nhiều hơn, dần dần hình thành thói quen.
Công nhân Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận Thủ Đức quét rác trong đêm Ảnh: Sỹ Đông
Công nhân vệ sinh: “Rất buồn!”
Bà Huỳnh Ngọc Niệm (công nhân Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận Thủ Đức), người có hơn 20 năm làm nghề quét rác, cho biết khối lượng rác mỗi năm mỗi tăng. Đêm giao thừa là nỗi ám ảnh của công nhân vệ sinh vì rác la liệt từ các hàng quán vỉa hè, những người bán hoa Tết ế đập dập cả chậu lẫn hoa đầy lề đường. Đêm giao thừa vừa qua, bà Niệm và đồng nghiệp phải làm đến hơn 4 giờ sáng.
Chị Đỗ Thị Kim Hồng có hơn 7 năm quét rác tâm sự: “Ba năm nay, công ty có kế hoạch quét rác trên tuyến Quốc lộ 13 thì cũng là lúc người dân vứt rác ra đường nhiều hơn. Trước đây, họ dọn dẹp trước nhà sạch sẽ còn bây giờ có công nhân vệ sinh, họ mặc sức tống rác ra giữa đường. Rồi các quán ăn, nhà hàng trên vỉa hè và cả người dân đổ rác xuống miệng cống. Chúng tôi phải moi từng bao ni-lông, hộp xốp…để nước mưa có thể thoát được. Thật sự rất buồn!”.