Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Để cây keo lai bám đất dài lâu trên vùng U Minh Hạ

(19:30:20 PM 20/02/2016)
(Tin Môi Trường) - Vùng đất U Minh Hạ từ xưa đã nổi tiếng giàu sản vật, nhưng đời sống kinh tế địa phương vẫn mãi trong cái vòng lẩn quẩn là vùng trũng nghèo. Bởi sản vật mang nhiều giá trị đặc trưng địa phương hơn là kinh tế, còn đời sống người dân bao đời vẫn gắn liền dưới tán tràm – loại cây một năm chẳng sinh lợi bao nhiêu.

Bước ngoặt kinh tế của địa phương bắt đầu khi cây keo lai được phép trồng vào những năm 2009. Hiệu quả kinh tế đã rõ nhưng người dân vẫn rất lo lắng keo lai rất có thể lại rơi vào vòng lẩn quẩn “được mùa mất giá” giống như nhiều sản phẩm nông nghiệp khác.
 

Để cây keo lai bám đất dài lâu trên vùng U Minh Hạ

Người dân xã Khánh Thuận, huyện U Minh, tận dụng bờ xáng trồng keo lai cải thiện -Ảnh: Cà Mau Online


* Bước ngoặt đổi mới

Năm 2009, tỉnh Cà Mau được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép bổ sung thêm cây keo lai trồng trong vùng rừng sản xuất lâm phần rừng tràm. Ngay sau đó, một số doanh nghiệp trên địa bàn đã thuê đất cùng một số hộ gia đình trên lâm phần đi đầu trồng keo lai, nhằm rút ngắn chu kỳ thu hoạch và tăng hiệu quả kinh tế.

Theo thống kê, năm 2014, diện tích keo lai của vùng U Minh Hạ vào khoảng 4.000 ha thì đến nay đã tăng lên khoảng 6.600 ha. Giá trị mỗi héc-ta keo lai mang lại cao gấp nhiều lần và lấn át hẳn cây tràm. Khoảng thời gian để trồng keo lai chỉ 4-5 năm sẽ cho thu hoạch, mỗi héc-ta cho sản lượng khoảng 200-250 m3 gỗ. Giá bán 1.000 đồng/kg, kèm theo phụ phẩm (cành, nhánh bán 500 đồng/kg) bình quân mỗi héc-ta cho tổng thu khoảng 200 triệu đồng.

Ông Huỳnh Ngọc Cung, Trưởng ấp Vồ Dơi, huyện Trần Văn Thời cho biết, địa phương có 863 ha, thì có đến hơn 130 ha đất canh tác bị nhiễm phèn nặng dẫn đến chỉ canh tác 1 vụ lúa nhưng hiệu quả không cao. Chỉ 1/3 diện tích ở đây là có thể canh tác lúa 2 vụ. Do đó, cây keo lai đang là niềm hy vọng mới của bà con. Tại ấp 15, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, khoảng hai năm nay, diện tích keo lai tăng từng ngày. Đến nay, diện tích trồng keo thâm canh của địa phương đã hơn 50 ha.

Trước đây gia đình anh Quách Văn Hải chỉ trồng keo lai quanh vườn nhà. Đến năm 2010, khi có chủ trương cho triển khai, gia đình anh đã thu hoạch nhanh hơn 2 ha rừng tràm truyền thống, đưa cơ giới vào lên liếp trồng keo lai. Sau năm năm, diện tích keo lai giờ đã cho thu hoạch với nguồn thu gần nửa tỷ đồng, sau khi trừ chi phí vẫn còn lãi khoảng 300 triệu đồng.

Toàn lâm phần U Minh Hạ hiện có trên 70.000 ha; trong đó diện tích có rừng trên 38.000 ha, tập trung ở ba huyện U Minh, Thới Bình và Trần Văn Thời với trên 5.000 hộ dân đang sinh sống dưới tán rừng. Việc đưa cây keo lai vào danh mục cây trồng chính trên đất rừng vùng U Minh Hạ tạo nên đột phá mới trong vấn đề sản xuất rừng kinh tế, góp phần quan trọng xóa nghèo địa phương.

Ông Lê Văn Sử, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau cho biết, loại cây này không chỉ rút ngắn chu kỳ kinh doanh, trồng rừng, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao mà còn góp phần cân bằng, làm phong phú thêm nguồn tài nguyên rừng U Minh Hạ. Thời gian tới, Cà Mau sẽ phát triển trồng keo lai ở những vùng thích hợp trên lâm phần rừng tràm gắn với chế biến lâm sản xuất khẩu, tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho bà con địa phương. Cà Mau vừa công bố quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng đến năm 2020. Theo đó, địa phương sẽ giữ ổn định diện tích là 114.305 ha, đất rừng đặc dụng 24.905 ha, đất rừng phòng hộ 27.196 ha, đất rừng sản xuất 62.204 ha. Vùng U Minh Hạ sẽ phát triển trồng rừng thâm canh từ 18.000-20.000 ha; trong đó keo lai, keo lá tràm chiếm khoảng 60%.

Thực tế tại Công ty TNHH MTV lâm nghiệp U Minh Hạ và một số hộ dân đi đầu đã chứng minh, trồng keo lai lợi nhuận gấp khoảng bốn lần tràm quảng canh, hơn hai lần tràm thâm canh. Cây keo lai đang là định hướng thoát nghèo của miệt rừng U Minh hạ, giúp cư dân nhận đất trồng rừng và giữ rừng sống được với rừng, có cuộc sống ổn định hơn.

* Cần trợ lực


Tuy số lượng keo lai tại địa phương đã tăng mạnh, nhưng chủ yếu là mới trồng, chưa đến chu kỳ khai thác. Trong khi đó, thương lái các tỉnh đang đổ xô xuống thu mua, dẫn đến cung không đủ cầu. Một bộ phận người dân đến kỳ thu hoạch thì vui mừng vì được giá, người có keo lai chưa đến tuổi khai thác thì tiếc rẻ. Nhiều người không trồng vì thiếu vốn đầu tư thì chỉ biết ngậm ngùi.

Ông Nguyễn Văn Liêu, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Phích, cho biết, giá trị của cây keo lai đã được khẳng định. Đây là loại cây rất dễ trồng, ai cũng muốn tham gia. Địa phương cũng khuyến khích trồng để thay đổi diện mạo kinh tế địa phương thiếu vốn đang là bài toán khó phải giải.

“Để đầu tư trồng mỗi héc-ta keo lai mất khoảng 35-40 triệu đồng. Trong đó, tiền kê liếp đã chiếm hơn phân nửa, còn lại là tiền giống cùng công trồng trọt... Khi được trồng keo lai thay thế tràm vào rừng sản xuất, gia đình không có tiền để lên liếp hết toàn bộ diện tích nên chỉ cải tạo bờ bao xung quanh để trồng thử, nhưng vừa qua đã cho thu hoạch hơn 30 triệu đồng. Trong khi đó, với toàn bộ diện tích còn lại của hơn 2 ha tràm thì cao lắm cũng chỉ cho thu nhập khoảng 40 triệu đồng”, ông Lâm Văn Đoàn, ngụ huyện Trần Văn Thời chia sẻ.

Dù thấy được hiệu quả từ cây keo lai là rất lớn, nhưng gia đình ông Đoàn cũng như nhiều hộ dân nơi đây cố gắng lắm vẫn chỉ chuyển đổi một phần. Nếu đầu tư cải tạo cho 2,5 ha đất cũng phải tốn từ 60– 70 triệu đồng, nhưng đa phần người dân ở đây đều thuộc diện nghèo thì đó là số tiền quá lớn. Nếu không có sự giúp sức từ các ngành chức năng thì người dân khó lòng nắm bắt được cơ hội để thoát nghèo.

Trong khi đó, một số hộ dân đã đầu tư trồng thì lại lo lắng, không biết đến khi thu hoạch giá có còn được như hiện nay, hay lại rơi vào cảnh “được mùa mất giá” như những nông sản khác. “Gia đình tôi trồng gần 10ha keo lai đã được hai năm nay, hiện keo phát triển rất tốt, dự tính đến năm thứ tư đã có thể thu hoạch. Điều tôi sợ nhất bây giờ là mô hình đang phát triển mạnh, người dân ai nấy đều tranh thủ trồng đến lúc đó giá lại giảm. Thời gian trồng cây lại tính bằng năm, không ai biết trước được những biến động của thị trường sẽ như thế nào, tới đó đôi khi lại không bán được như củ gừng, cây mía… thì nông dân như tôi không biết tính sao”, ông Nguyễn Hoàng Tia, ngụ huyện U Minh lo ngại.

Ông Trần Văn Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ cho biết Công ty sẽ triển khai trong dân trồng rừng thâm canh đại trà, nhằm nâng cao giá trị kinh tế lâm nghiệp, mặt khác còn là giải pháp tốt để phòng chống cháy rừng. Công ty sẽ kết hợp với các ngân hàng hỗ trợ bà con có vốn tái trồng rừng theo phương pháp thâm canh.

Một số chuyên gia kinh tế nhận xét, sở dĩ người dân sống dưới tán rừng còn nghèo là vì bấy lâu nay cơ chế quản lý còn chồng chéo, chưa phân định rõ ràng giữa rừng bảo tồn và rừng kinh tế dẫn đến việc thiếu hỗ trợ, đầu tư. Hệ lụy là cả một vùng đất rừng rộng lớn chỉ mới dừng lại ở mức tiềm năng, còn người dân nơi đây thì cứ loay hoay để tìm sinh kế. Giờ đây, người dân dưới tán rừng U Minh Hạ đã có hướng đi, hy vọng các ngành chức năng liên quan có sự đầu tư, hỗ trợ hợp lý cùng cơ chế tạo đầu ra ổn định thì người dân nơi đây mới có cơ hội vươn lên thoát nghèo bền vững.

Huỳnh Thế Anh