Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Trên 2.000 ha sắn tại Tây Ninh bị mối cắn phá

(19:13:39 PM 20/02/2016)
(Tin Môi Trường) - Từ đầu mùa khô đến đến nay (tháng 11/2015), trên địa bàn xã Thạnh Đông, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh có trên 2.000 ha sắn từ 9-10 tháng tuổi bị mối cắn phá, gây thiệt hại nặng cho bà con nông dân.


Trên 2.000 ha sắn tại Tây Ninh bị mối cắn phá -Ảnh: TL


Một số vùng trồng sắn tập trung tại các ấp Thạnh Quới, Thạnh Nghĩa (xã Thạnh Đông), bị mối cắn phá nặng nề. Chúng bu đen từ dưới gốc lên thân cây với chiều cao khoảng 20-30 cm, ăn hết củ, vỏ cây, làm cho cây sắn bị đứt gốc, ngã rạp, thối củ; cây sắn bị gãy đỗ, chết dần.


Ông Đoàn Văn Hiếu, ở ấp Thạnh Quới, xã Thạnh Đông có 87/117 ha sắn, được trồng vào vụ Hè Thu, đến nay đã 9 tháng tuổi, cây sắn bắt đầu có củ non, đã bị mối cắn phá gần 10% diện tích. Tại đây, nhiều khoảnh sắn bị mối tấn công đứt gốc, ngã rạp xuống đất, đào lên thấy củ bị mối ăn, gốc và củ sắn bị thối đen. Ông Hiếu cho biết, hơn một tháng nay, theo sự hướng dẫn của cán bộ bảo vệ thực vật, ông đã rải, phun xịt trên 1 tấn thuốc đặc trị với nhiều chủng loại để diệt trừ mối, nhưng 10 đến 20 ngày sau, đàn mối khác lại đùn lên ăn tiếp.


Ông Nguyễn Văn Hồng, Chi cục phó, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Tây Ninh cho biết, sau khi phát hiện loài côn trùng (mối) lây nhiễm trên cây sắn của ông Đoàn Văn Hiếu tại ấp Thạnh Quới, xã Thạnh Đông, huyện Tân Châu và các hộ dân lân cận, ngành chuyên môn đã lấy mẫu đưa xuống Trung tâm kiểm định vùng II (TP.Hồ Chí Minh) phân tích, xác định xem loại mối nào để có biện pháp phòng trừ có hiệu quả.


Theo ông Hồng, hiện nay mối có một số loại: Loại mối ăn xác bã thực vật khô, loại mối ăn xác bã thực vật tươi, loại mối ăn xác bã hữu cơ bị phân hủy...Trước đây nhiều diện tích cây sắn trên địa bàn tỉnh cũng bị mối ăn, chủ yếu ở những hom giống dưới đất đã bị mục, gây hại không đáng kể. Nhưng hiện tượng mối cắn phá trên cây sắn như hiện nay là bất bình thường. Chi cục Bảo vệ thực vật Tây Ninh cũng đang đưa xuống vùng sắn bị nhiễm bệnh nhiều loại thuốc đặc trị mối có gốc Cholopyrifos, Diazinon để rãi, xịt điều trị thử nghiệm; đồng thời cũng đang kết hợp với trường Đại học Nông lâm Cần Thơ sử dụng nấm xanh để phun xịt, gây hiệu ứng lây lan để tiêu diệt tận gốc loại mối gây hại này.


Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Tây Ninh cũng khuyến cáo nông dân, sau khi thu hoạch sắn vụ Hè Thu này, nhất là những vùng có mối tấn công, nên gom cây giống, vệ sinh đồng ruộng bằng cách đốt bỏ để diệt trừ tận gốc mối; kế đến là khi làm đất để trồng lại sắn cho vụ sau, cần rãi vôi, cày lấp, phơi ải trong thời gian ít nhất nữa tháng, để diệt trừ mối và các loại côn trùng gây hại khác đang tồn tại dưới mặt đất.

Lê Đức Hoảnh