Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Nghệ nhân Nguyễn Duy An bên bức tranh “Thiên tải Nhất thì”
Điều đặc biệt của bức tranh này không chỉ ở chất liệu, sự công phu, cầu kỳ trong sáng tạo, mà đặc biệt là ở ý tưởng và nội dung thâm sâu đặc sắc mà các nghệ nhân và các nhà văn hóa lớn của đất nước đã tâm huyết gửi vào.
Bức tranh do Doanh nghiệp Mỹ nghệ đồng tam khí Duy An thực hiện, được làm từ cách đây 3 năm do những nghệ nhân tài hoa và có kinh nghiệm lâu năm trong nghề của Làng nghề chạm bạc Đồng Xâm, Thái Bình – làng nghề truyền thống ra đời cách đây 600 năm, từng nức tiếng gần xa bởi những tinh hoa được cô đọng trong từng sản phẩm mang độ tinh xảo cao. Góp sức cùng các nghệ nhân trong việc sáng tạo bức tranh còn có 2 nhân vật văn hóa đặc biệt, đó là Giáo sư Vũ Khiêu - Anh hùng Lao động thời đổi mới, nhà trí thức lớn của dân tộc và Nhà thư pháp số một Việt Nam - "Long thành lão nhân" (Ông già thành Thăng Long) Nguyễn Văn Bách.
“Tam khí” là 3 loại kim khí: đồng đỏ, vàng và bạc. Với 3 chất liệu này, người thợ thủ công dùng để khảm lên bề mặt đồ bằng đồng những hoa văn hoặc tranh ảnh, sau đó sử dụng nước màu để tạo màu sắc cho sản phẩm theo ý muốn. Đồ đồng tam khí rất giá trị và hấp dẫn bởi màu sắc nhã nhặn nhưng sang trọng, đặc biệt nó ẩn chứa sự linh thiêng, huyền bí và trở thành trung gian truyền lời cầu nguyện của con người đến đấng thần linh. Vì thế, đồng đã trở thành chất liệu cao cấp để chế tác đồ thờ cúng từ ngàn đời nay. Với việc chọn chất liệu đồng tam khí để sáng tạo bức tranh, các nghệ nhân Làng nghề Đồng Xâm mong ước sáng tạo một tác phẩm đặc sắc, độc đáo, vừa mang ý nghĩa tâm linh; vừa giàu tính thẩm mỹ với những đường nét tinh xảo, sắc nét; lại vừa có chất liệu bền lâu, tiện lợi trong bảo quản và gìn giữ.
Bức tranh “Thiên tải Nhất thì” nói về việc dời kinh đô từ Hoa Lư và sự linh diệu của thế "Rồng cuộn Hổ ngồi" của đất Thăng Long, qua đó nói lên khát vọng xây dựng đất nước giàu mạnh, thịnh vượng và mong muốn hòa bình, hữu nghị của dân tộc Việt Nam. Bố cục của bức tranh gồm 2 phần, phần đầu là hình ảnh vị vua anh minh Lý Công Uẩn đang dẫn đầu đoàn thuyền dời kinh đô từ Hoa Lư về Thăng Long – đánh dấu cột mốc lịch sử trọng đại của đất nước, bắt đầu thời kỳ mới của Thăng Long – Hà Nội. Phần hai là các hình ảnh tiêu biểu, linh thiêng của nền văn hoá Thăng Long – Hà Nội. Đó là hình ảnh sông Hồng - “dòng sông mẹ” của đất nước Việt Nam - không chỉ mang nặng phù sa bồi đắp châu thổ rộng lớn, dòng sông hùng vĩ này đã phát xuất nền văn minh sông Hồng rực rỡ mà nhiều nhà khảo cổ, sử học vẫn đang say mê lần giở các trầm tích thâm sâu. Đó là hình ảnh vùng núi cổ Ba Vì - ngọn núi tổ của nước Đại Việt, với ba ngọn tâm linh lừng danh từ vạn cổ là đỉnh Vua, đỉnh Tản Viên, đỉnh Ngọc Hoa. Đây là nơi ngự trị muôn đời của thần Tản Viên (tức Sơn Tinh) canh giữ cho cả vùng đồng bằng Bắc Bộ, một trong “tứ bất tử” theo tín ngưỡng của người Việt.
Chính giữa bức tranh là dòng chữ thư pháp chạm vàng: “Thiên tải Nhất thì”- nghĩa là nghìn năm một thuở, tức 1.000 năm mới có một lần kỷ niệm ngày Chiếu Dời đô và đó là duy nhất. Hai bên là đôi câu đối "Hổ cứ long bàn thiên thiết hiểm/ Nhân khang vật phụ địa trung linh" (tạm dịch: Thế đất rồng cuộn, hổ ngồi, con người luôn khoẻ mạnh, mọi vật đầy đủ/ Nhờ có đất linh thiêng mà hun đúc lên sự thịnh vượng). Điều đặc biệt là tất cả các chữ này đều được rút ra từ “Chiếu dời đô” của Vua Lý Thái Tổ 1.000 năm trước. Đây là tác phẩm mà "Long thành lão nhân" Nguyễn Văn Bách đã bao nhiêu năm bỏ công sức và tâm huyết để thảo ra. Thêm một điều quý giá khác của bức tranh là bút tích đề tựa của Giáo sư Vũ Khiêu: "Chào mừng Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến anh hùng và hòa bình hữu nghị" - thể hiện rõ khát vọng và mong ước ngàn đời của dân tộc Việt Nam.
Điểm xuyết trên bức tranh là những hình ảnh, họa tiết cầu kỳ, tinh xảo chạm bạc, dát vàng. Thiên nhiên và con người đã hòa hợp, tạo nên một bức tranh phong cảnh hữu tình hoàn mỹ, có lẽ ai được chiêm ngưỡng độc đáo này cũng phải trầm trồ với vẻ đẹp thần kỳ, huyền ảo của nó... Các nghệ nhân đã phát huy được những tinh tuý nghề nghiệp của tổ tiên thể hiện những nét đặc sắc, sinh động của nghệ thuật khảm tam khí Việt Nam: Từ những nét chạm khắc tinh tế, vi diệu để định vị các họa tiết một cách chuẩn xác và hài hòa về sắc màu, đến nghệ thuật phối kết những loại kim loại quý trên đồ đồng, kỹ thuật gắn vàng, bạc vào những mẫu đã đục làm thành tác phẩm hoàn thiện như đã định... Màu nền trên sản phẩm biến đổi theo thời gian (thuật ngữ trong nghề gọi là xuống màu) khiến bức tranh đồng tam khí càng thêm cổ kính.
Theo Giáo sư Vũ Khiêu, bức tranh cơ bản đảm bảo được các giá trị về mặt mỹ thuật, lịch sử và văn hoá, đồng thời thể hiện được lòng nhiệt thành của những người nghệ nhân trong làng nghề cổ. Hà Nội cần có kế hoạch cho việc trưng bày tác phẩm này cho nhân dân và du khách đến chiêm ngưỡng trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Không nói về số tiền rất lớn đã bỏ ra, cũng không quan tâm về kỷ lục mà bức tranh đã tạo lập, mong muốn của nghệ nhân Nguyễn Duy An – chủ nhân bức tranh – cùng những người đã làm nên tác phẩm là qua việc trưng bày tại Thủ đô trong dịp Đại lễ Nghìn năm, bức tranh thể hiện được lòng tự hào dân tộc, góp phần quảng bá hình ảnh quê hương, đất nước và con người Việt Nam và tôn vinh văn hoá Thăng Long- Hà Nội với bạn bè quốc tế.
Tác phẩm nghệ thuật "Thiên tải Nhất thì" sẽ được trưng bày và tham dự cuộc thi Hội làng nghề Việt Nam trong khuôn khổ các hoạt động quốc gia chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.