Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Ông Nguyễn Thành Phong khảo sát kênh ô nhiễm nhất Sài Gòn

(21:14:57 PM 19/02/2016)
(Tin Môi Trường) - Chủ tịch UBND TP HCM chỉ đạo, công tác di dời trong dự án Cải thiện môi trường nước giai đoạn 3 phải đảm bảo đời sống người dân được cải thiện, tốt hơn khi sống trên kênh rạch.

Ông Nguyễn Thành Phong khảo sát kênh ô nhiễm nhất Sài Gòn
Đoàn lãnh đạo TP HCM và đại diện JICA khảo sát tuyến kênh Đôi, kênh Tẻ. Ảnh: Trường Nguyên.

 

Sáng 19/2, Chủ tịch UNBD TP HCM Nguyễn Thành Phong cùng lãnh đạo các Sở, ngành và đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) có buổi đi khảo sát lưu vực dự án Cải thiện môi trường nước TP giai đoạn 3 tại đoạn kênh Đôi, kênh Tẻ - một trong những tuyến kênh bẩn và hôi thối vẫn còn tồn tại của TP.

Trong chuyến khảo sát, ông Mori Mutsaya - Trưởng văn phòng đại diện JICA Việt Nam đã trao đổi với Chủ tịch TP Nguyễn Thành Phong về nhiều vấn đề. Trong đó, ông quan tâm nhất là công tác giải phóng mặt bằng, di dời người dân đến nơi ở mới để ổn định cuộc sống.

Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP HCM, cho biết giai đoạn 1 của dự án cải tạo tuyến kênh Bến Nghé, một phần Tàu Hủ với chiều dài gần 7 km đã hoàn chỉnh. Giai đoạn 2 chỉnh trang tuyến kênh Tàu Hủ đến bến Phú Định với diện tích 2.600 ha, phát triển tiếp hệ thống cống nước mưa ở khu vực Hàng Bàng để giải quyết ngập úng đang được đẩy nhanh tiến độ.

Khi hoàn thành 2 giai đoạn này sẽ giải quyết tình trạng ngập nước, ô nhiễm môi trường và đảm bảo cảnh quan. Dự án di dời và tái định cư hơn 10.000 hộ dân lấn chiếm, sống ven kênh rạch Tàu Hủ - Bến Nghé.

Giai đoạn 3 sẽ cải tạo toàn bộ tuyến kênh Đôi - kênh Tẻ (dài 13,5 km) để hoàn chỉnh khả năng thoát nước, phát triển giao thông đường thủy và đảm bảo vệ sinh môi trường; xây dựng 40 km cống bao thu hồi toàn bộ nước thải của 600 ha khu vực phía Nam và 200 ha của huyện Bình Chánh. Công trình này di dời khoảng 5.600 hộ dân sống ven kênh.

Ông Phúc cho biết, tổng vốn đầu tư dự kiến của giai đoạn này khoảng 13.700 tỷ đồng (khoảng 76 tỷ yen). Theo đề xuất, phía JICA sẽ hỗ trợ phần vốn ODA với khoảng 8.700 tỷ đồng (50 tỷ yen) và phía TP sẽ giải quyết phần chi phí còn lại. Trong đó, 4.500 tỷ sẽ dùng trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.


Ông Nguyễn Thành Phong khảo sát kênh ô nhiễm nhất Sài Gòn
Đoạn kênh Đôi qua khu vực bến Phú Định nằm trong dự án Cải thiện môi trường nước TP giai đoạn 3.  Ảnh: Trường Nguyên.

 

Ông Trần Trọng Tuấn - Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM cho biết dự án này được người dân đồng tình. Tuy nhiên, nhiều hộ hiện nay nếu nhận được đền bù sẽ không mua được nhà thương mại. Do vậy để triển khai dự án, TP phải có quỹ nhà ở phù hợp để tái định cư cho người dân.

Ông đề xuất, để đáp ứng tái định cư của dự án thì phải có nhà ở thương mại và nhà ở xã hội. Trong đó, nhà thương mại trên địa bàn quận 4 và 8 có nhiều dự án đang triển khai với giá trung bình, đáp ứng được cho những hộ khá. Đối với người được bồi thường ít, nghèo có thể mua hoặc thuê nhà ở xã hội giá rẻ, chỉ cần trả trước 20% và sau đó có thể trả góp tùy theo khả năng.

Theo ông Mori Mutsaya, TP hiện nay khoảng 10 triệu dân và khi dân số càng tăng thì công tác thi công sẽ ngày càng đắt đỏ, do đó phải triển khai dự án càng sớm càng tốt. Liên quan đến vấn đề tài chính, ông Mori cho biết sẽ có đánh giá kỹ hơn sau khi có kế hoạch, phương án chi tiết.

"Yêu cầu của những người dân Nhật Bản trả thuế (người dân trả thuế có quyền kiểm soát nguồn ODA) trong việc giải phóng mặt bằng và tái định rất khắt khe, nên buộc JICA phải có tiêu chuẩn cao hơn trong vấn đề này. Do đó, với những dự án yêu cầu di dời hộ dân lớn, với dự án này là hơn 5.600 hộ, thì buộc chúng tôi phải phỏng vấn… từng gia đình”, ông Mori nói.

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong nhận xét, dự án Cải thiện môi trường nước triển khai vừa qua đã có những hiệu quả thiết thực đối với cuộc sống người dân TP. "Dự án sẽ giúp cải thiện môi trường, sau đó là chống giảm ngập và chỉnh trang đô thị. Điều này sẽ giúp nâng cao đời sống người dân TP", ông Phong phát biểu. 

Theo ông Phong, vấn đề tái định cư luôn là sự quan tâm hàng đầu đối với các dự án. Sau di dời, phải đảm bảo đời sống người dân tốt hơn nơi ở cũ. "Do vậy, tôi muốn Giám đốc Sở Xây dựng và Chủ tịch UBND quận 8 có thông tin, giải pháp cụ thể cho đại diện JICA biết. Giao Sở xây dựng và chính quyền quận 4, 8 có phương án xây dựng quỹ nhà tái định cư cho người dân, đảm bảo đời sống của họ tốt hơn khi sống ven kênh rạch”, Chủ tịch Phong nhấn mạnh.

 

Ông Nguyễn Thành Phong khảo sát kênh ô nhiễm nhất Sài Gòn
Chủ tịch UBND TP HCM tại buổi làm việc với đại diện JICA. Ảnh: Trường Nguyên.


Tuyến kênh Đôi - kênh Tẻ bắt đầu từ cửa sông dưới cầu Tân Thuận đi qua các quận 4, 5, 6, 8, 7, 8 và 11 dài khoảng 20 km. Hiện 2 tuyến kênh này vẫn còn hàng nghìn nhà dân lấn chiếm làm nơi ở, đa số rất sập xệ, nhếch nhác không đảm bảo vệ sinh môi trường.

Theo thống kê của UBND quận 8, hiện có khoảng 1.000 hộ dân vẫn còn sử dụng nhà vệ sinh lộ thiên, thải chất thải trực tiếp xuống kênh rạch. Nhiều đoạn ứ đọng nhiều rác, chủ yếu là rác sinh hoạt bốc mùi hôi trong thời gian dài. Có đoạn bị bùn đất bồi đắp thành gò.

Ngoài ra, đoạn kênh Tàu Hủ từ cầu Nguyễn Văn Cừ chạy dọc theo đại lộ Võ Văn Kiệt hướng về quốc lộ 1 vẫn còn tình trạng ô nhiễm nặng, có màu đen đặc hôi thối.

Theo Zing