Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Lúa chết tại huyện Gò Công Đông, Tiền Giang
Ông Nguyễn Văn Kê ở ấp 3 xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang cũng như hàng trăm hộ dân khác ở địa phương này rất xót xa khi chứng kiến thửa ruộng của mình đang bị cháy do thiếu nước. Ông Kê cho biết, 2 ha lúa Đông Xuân của gia đình hơn 20 ngày tuổi đã bị “chết đứng” do hết nguồn nước ngọt. Năm nay, nước mặn đến sớm hơn 1 tháng nên nhiều ruộng lúa ở vùng này bị thiệt hại nặng. Ông Kê cho biết, mỗi ha lúa bị chết sẽ bị thiệt hại khoảng 10 triệu đồng cho tiền giống, chi phí làm đất, bơm nước, bón phân…
Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh Tiền Giang hiện có khoảng 700 ha lúa đã bị chết vì thiếu nước ngọt, tập trung ở các xã ven biển, cuối nguồn thuộc huyện Gò Công Đông như: Tân Phước, Kiểng Phước, Gia Thuận, thị trấn Vàm Láng, Phước Trung… Ngoài ra, còn có hàng nghìn ha lúa Đông Xuân ở các huyện Gò Công Tây, Thị xã Gò Công có nguy cơ giảm năng suất do hạn, mặn.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do nước mặn năm nay đến sớm hơn trung bình các năm trước 2 tháng; trong khi đó nhiều nông dân gieo sạ trễ lịch thời vụ, hệ thống kênh mương nội đồng bị bồi lắng, chưa đồng bộ để đủ cấp nước vào mùa khô. Ông Nguyễn Thanh Thảo, chủ tịch UBND xã Kiểnh Phước (huyện Gò Công Đông) cho rằng: “năm nay lúa chết rất nặng nề do thiếu nước, xã đang tập trung bơm chuyền 2 cấp cho bà con cứu lúa. Đối với diện tích lúa bị thiệt hại đã thống kế báo về huyện để xin hỗ trợ”.
Trước thực trạng này, tỉnh Tiền Giang đã và đang triển khai các biện pháp rất khả thi và quyết liệt để cứu lúa. Ngoài việc làm thủy lợi nông đồng, khai thông dòng chảy, tỉnh Tiền Giang đầu tư hơn 4,2 tỷ đồng lắp đặt hệ thống bơm hướng trục đứng tại cống Xuân Hòa (thuộc xã Hòa Định, huyện Chợ Gạo) gồm 32 ống. Nhờ có hệ thống bơm này giúp cống Xuân Hòa vừa lấy nước từ sông Tiền vào khi triều dâng và bơm nước ngọt vào khi triều cạn. Mỗi ngày/ đêm, cống Xuân Hòa cung ứng vào hệ thống kênh mương thủy lợi toàn vùng ngọt hóa Gò Công, tỉnh Tiền Giang thêm 900.000 mét khối nước có độ mặn dưới 1 phần ngàn, đế cứu lúa.
Ông Trần Minh Quan, Tổng Giám đốc, Công tyTNHH Một thành viên khai thác thủy lợi tỉnh Tiền Giang cho biết: đơn vị đã huy động gần 100 cán bộ, nhân viên làm công tác chống hạn mặn tại cống Xuân Hòa và 55 cống đập khác để ngăn mặn, trữ ngọt. Hiện nay, anh em rất bận rộn “ ngủ không trọn giấc” để canh lấy nước vào kênh. Riêng vị lãnh đạo công ty này trong dịp tết cổ truyền cũng không được nghỉ mà phải sát cánh cùng anh em chống hạn.
Nhờ giải pháp đưa nước ngọt từ sông Tiền vào đã góp phần làm cho phần lớn tuyến kênh trục chính đi qua cánh đồng các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông và Thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang có một lượng nước cần thiết cho cây lúa. Tỉnh Tiền Giang còn có chủ trương hỗ trợ kinh phí cho hơn 370 điểm bơm nước chuyền 2 cấp từ kênh trục chính lên kênh cấp 2, cấp 3 để giúp nông dân bơm nước vào ruộng cứu lúa. Ông Hồ Văn Hùng, nông dân ấp Bờ Kinh Trên xã Bình Ân, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang cho biết: bà con rất phấn khởi và biết ơn các ngành chức năng đã đem nước ngọt về để cứu lúa đang “khát”. Nếu không có cống Xuân Hòa thì nhiều diện tích lúa sẽ bị cháy.
Kênh nội đồng cạn nước
Theo dự tính của ngành chuyên môn, nếu cống Xuân Hòa có nước ngọt lấy vào từ nay đến hết tháng 2 này thì số diện tích lúa ở các huyện phía Đông của tỉnh Tiền Giang sẽ giảm thiệt hại. Ông Trần Hoàng Bá, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết: Giải pháp thiết yếu để cứu lúa là đưa nước ngọt vào kênh Xuân Hòa và hệ thống thủy lợi vùng ngọt hóa Gò Công dài khoảng 50km. Trong công tác chống hạn mặn này tỉnh lo kinh phí hết, huyện sẽ ứng trước sau đó quyết toán lại. Tỉnh tập trung lo nước vào kênh Xuân Hòa, sau đó giao huyện lo bơm chuyền hai cấp, để giảm chi phí cho nông dân. Về vật chất, phương tiện, nhân lực cho công tác chống hạn hiện nay đảm bảo, chỉ lo ngại nước mặn dâng cao. Vì khi nước sông Tiền có độ mặn hơn 2 phần ngàn thì các cống sẽ đóng kín cửa để ngăn mặn.
Tuy nhiên đều cần được quan tâm ở tỉnh Tiền Giang là hệ thống kênh mương nội đồng ở vùng ngọt hóa Gò Công đang bị bồi lắng, lục bình, cò rác um tùm gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Nếu địa phương không có phương án khắc phục thì công tác đối phó với hạn, mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp thời gian tới sẽ còn tiếp tục gặp khó khăn.