Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Bộ trưởng Cao Đức Phát cùng lãnh đạo tỉnh Kiên Giang khảo sát thực tế lúa bị nhiễm mặn tại huyện An Biên (Kiên Giang) - Ảnh: K.Nam
Hội nghị phòng chống hạn, xâm nhập mặn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp lắng nghe các báo cáo thực trạng hạn, xâm nhập mặn, những thiệt hại ban đầu… của nhiều vùng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng tình hình năm nay là năm đặc biệt và ông cho biết với những gì ông được báo cáo là đặc biệt trong gần 100 năm.
Theo đó, mặn xâm nhập sớm hơn, xảy ra từ tháng 12-2015, đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng nề cho một số địa phương cho dù đã có những biện pháp ứng phó.
Ông Phát đặc biệt lưu ý điều quan trọng hơn là tình hình nói trên sẽ diễn biến nghiêm trọng, ảnh hưởng nghiêm trọng hơn nữa đến sản xuất và đời sống của người dân hầu hết các địa phương đồng bằng sông Cửu Long.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết theo Luật phòng chống thiên tai, hạn là một trong 19 loại thiên tai phải xử lí, đồng thời đưa ra lưu ý như vậy để nhấn mạnh rằng cần phải tập trung ứng phó với thiên tai chứ không phải là ứng phó như đối với một sự kiện bình thường.
Gợi mở một số giải pháp ngắn hạn, trước mắt, theo bộ trưởng, cần ứng phó khẩn cấp để bảo vệ diện tích lúa đông xuân đang ở trên đồng. Có mấy chục nghìn hecta đã chết, nếu không ứng phó kịp thời sẽ còn nhiều diện tích nữa bị ảnh hưởng, như vùng Gò Công (Tiền Giang) có hàng chục nghìn hecta đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Bộ trưởng cũng lưu ý bảo vệ lúa đông xuân là công việc cấp bách trong trước mắt nhưng quan trong hơn, các địa phương cần tính toán kỹ lưỡng cho vụ hè thu.
Đưa ra một số nhận định và những lí giải cho tình hình căng thẳng, nóng bỏng nói trên, bộ trưởng Cao Đức Phát nói đây là tình huống thiên tai nhưng có lí do sâu xa, có lí do tác động của con người vào dòng chảy trên sông Mê Kông, đã làm thay đổi vĩnh viễn một phần chế độ dòng chảy.
Đồng thời sự thay đổi đó tác động nghiêm trọng hơn trong bối cảnh một El-nino xảy ra khốc liệt nhất trong lịch sử.
“Cấp bách ứng phó với trước mắt nhưng cần tính toán cho tầm nhìn trong tương lai. Có thể hôm nay chưa giải đáp hết nhưng sẽ có những nhìn nhận, thống nhất các đường hướng để đối phó với tình huống tương tự, có thể xảy ra nhiều hơn, khốc liệt hơn” - bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.
Hội nghị phòng chống hạn, xâm nhập mặn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, được bắt đầu vào sáng 17-2 tại TP Cần Thơ.
Những cánh đồng lúa chết trắng tại huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang). Ảnh: K.Nam
Ông Trương Văn Quý, ngụ ấp Vĩnh Phong, Vĩnh Thuận bên cánh đồng 0,5 ha thiệt hại 100% của mình. Ảnh: K.Nam