Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
>> Giải Fields – Gần gũi Việt Nam từ thưở nào
Bài 2: Nơi làm thay đổi quan niệm
Alexandre Grothendieck, Giải thưởng Fields 1966, là một trong những nhà toán học được nhắc đến nhiều nhất của thế kỷ 20. Một số bạn gần gũi với ông cho rằng Việt Nam chính là một trong những nguyên nhân làm thay đổi quan niệm của Grothendieck.
Dấu ấn trong toán học
Grothendieck là một trong những nhà toán học được nhắc đến nhiều nhất của thế kỷ 20. Dĩ nhiên người ta nhắc đến ông trước hết vì những đóng góp to lớn của ông cho toán học, nhưng cũng vì ông là một con người với thiên tài kì lạ, cá tính kì lạ.
Grothendieck đã làm một cuộc cách mạng thực sự trong toán học. Ông để lại dấu ấn của mình trong mọi lĩnh vực của toán học hiện đại. Người ta có thể nhận ra ảnh hưởng của Grothendieck ngay cả khi không thấy trích dẫn định lí cụ thể nào của ông. Điều này cũng giống như ảnh hưởng của Picasso đến thẩm mĩ của thời đại chúng ta, mà nhiều khi ta không tự biết.
Thật khó hình dung được rằng, rất nhiều tư tưởng lớn của toán học chỉ xuất hiện trong một cái đầu, và chỉ trong khoảng 10 năm. Điều xuyên suốt trong toàn bộ sự nghiệp của Grothendieck chính là cố gắng của ông nhằm thống nhất toàn bộ toán học, xoá nhoà ranh giới giữa hình học, đại số, số học, giải tích.
Tư tưởng đó của Grothendieck có ảnh hưởng lớn trong sự phát triển của toán học hiện đại, và được thể hiện trong nhiều công trình của nhiều nhà toán học được giải thưởng Fields sau ông như Deligne, Drinfeld, Kontsevich, Voevodsky, Lafforgue, Ngô Bảo Châu.
Grothendieck đột ngột rời bỏ Viện Nghiên cứu Khoa học Cao cấp (IHES) ở Pháp – một trong những viện nghiên cứu khoa học lớn nhất thế giới và, nói chung, rời bỏ toán học năm 1970, vào thời kì thiên tài của ông đang ở đỉnh cao, làm xôn xao giới toán học.
Cho đến tận bây giờ, người ta vẫn không thật hiểu rõ tại sao. Nhiều người cho rằng ông không đồng ý với việc IHES nhận một số tiền tài trợ của các cơ quan quân sự (vào thời điểm đó, số tiền này là vào khoảng 3,5% ngân sách của IHES).
Ông là người luôn có những quan điểm riêng của mình, và có thể là như nhiều người quan niệm, ông khá ngây thơ về chính trị. Giáo sư Louis Michel kể lại, có một lần, ông chỉ cho Grothendieck xem bản thông báo về một hội nghị quốc tế mà Grothendieck được mời làm báo cáo viên chính.
Việt Nam, nơi làm thay đổi suy nghĩ
Vậy mà con người có vẻ như ngây thơ về chính trị, không biết NATO là gì, đã đến thăm và giảng bài tại Việt Nam trong thời gian chiến tranh. Một số người bạn gần gũi với ông, như giáo sư Pierre Cartier, cho rằng Việt Nam chính là một trong những nguyên nhân làm thay đổi quan niệm của Grothendieck. Nhìn thấy những gì chiến tranh mang lại cho loài người, Grothendieck nghi ngờ về ý nghĩa của khoa học. Ông cho rằng khoa học đã bị lợi dụng để làm hại loài người.
Chuyến thăm Việt Nam của ông đã gây một tiếng vang lớn trong cộng đồng toán học quốc tế. Khi đến Việt nam (năm 1967), ông đọc bài giảng về đại số đồng điều tại Hà Nội. Thường thì GS Tạ Quang Bửu (lúc đó là Bộ trưởng Bộ Đại học & Trung học Chuyên nghiệp) hoặc GS Đoàn Quỳnh phiên dịch cho ông.
Người ta thật sự kinh ngạc vì sự bình tĩnh của ông. Các bài giảng của ông thường bị ngắt quãng vì những lần máy bay Mỹ bắn phá thành phố. Vậy mà ông, người đến từ một đất nước từ lâu không có chiến tranh, không hề tỏ ra mảy may lo sợ. Nhưng rồi thì các bài giảng của ông cũng phải chuyển lên khu sơ tán vì không thể nào giảng bài khi mà buổi học bị ngắt quãng hàng chục lần vì máy bay.
Tại khu sơ tán, có một hình ảnh về ông mà không bao giờ tôi quên. Có một lần, tôi thấy ông cởi trần ngồi đọc sách, cái áo ướt màu "phòng không" (tên gọi của màu cỏ úa thời chiến tranh) vắt trên bụi sim. Hỏi ra mới biết, ông giành toàn bộ va li của mình để mang theo sách vở sang tặng các nhà toán học Việt Nam. Ông chỉ có bộ quần áo duy nhất mặc trên người. Vậy nên, mỗi lần giặt, ông phải chờ quần áo khô để mặc lại chứ không có quần áo để thay.
Bài 3: Tồn tại một nền toán học Việt Nam
Alexandre Grothendieck đã công bố định lí của mình trong bài viết về chuyến thăm Việt Nam và được lưu hành rất rộng rãi thời đó ở các trường đại học phương Tây: "Tồn tại một nền toán học Việt Nam".