Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Để truyền thuyết không biến mất

(14:21:36 PM 15/02/2016)
(Tin Môi Trường) - Bò biển là một loài thú sống dưới nước, có số lượng phong phú nhất trong bộ Hải Ngưu (Serinia), phân bố ở vùng biển ven bờ nhiệt đới và cận nhiệt đới. Chúng có tốc độ bơi tương đối chậm, tốc độ sinh sản thấp, sống trong vùng biển chịu nhiều tác động của con nguời như đánh cá, du lịch biển đảo nên số lượng của chúng đang bị giảm sút nhanh chóng.

>>Đi tìm truyền thuyết giữa đại dương: Mỏi mắt tìm nàng tiên cá

 

Hiện bò biển được Tổ chức Bảo tồn thế giới (IUCN) xếp vào các loài động vật có nguy cơ bị tuyệt chủng toàn cầu.

 

Để truyền thuyết không biến mất


Ở vùng biển Việt Nam, bò biển phân bố ở nhiều vùng nước ven bờ từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, nhưng đến nay chỉ còn ghi nhận ở hai khu vực chính là Côn Đảo và Phú Quốc. Mặc dù số lượng bò biển ở nước ta không nhiều nhưng vai trò của chúng trong hệ sinh thái biển và đời sống các cộng đồng cư dân vùng ven biển là rất quan trọng.


* Bò biển có phải là thần dược?


Theo Tiến sỹ Võ Văn Quang, Trưởng phòng Nguồn lợi thủy sinh, Viện Hải dương học (Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), bò biển là loài động vật ăn các loài cỏ biển, tuổi thọ tối đa là 70 năm nhưng phần lớn chúng chết ở tuổi trẻ hơn. Bò biển là loài có tuổi thọ cao nhưng tỉ lệ sinh thấp có nghĩa là việc tăng số lượng cá thể ở các quần thể của chúng cũng rất thấp. Bên cạnh đó, do sống trong vùng nước ven bờ có độ sâu không lớn, nơi kiếm ăn là các bãi cỏ biển nên chịu tác động lớn và thường xuyên bởi hoạt động phát triển kinh tế của con người như đánh bắt hải sản với cường độ cao, phát triển du lịch biển đảo… Những yếu tố này tác động lên tỉ lệ sống sót của bò biển. Ngoài ra, ngư dân ở nhiều khu vực còn có tập quán khai thác bò biển để làm thực phẩm, dầu hay thuốc chữa bệnh cũng làm cho hàng trăm bò biển bị đánh bắt hàng năm trên thế giới. Mặc dù vậy, chưa có một nghiên cứu khoa học nào chứng minh bò biển là thần dược chữa bách bệnh.


“Thông tin về việc Dugong chữa nhiều bệnh hay đem lại may mắn cho người sở hữu chỉ là lời đồn thổi vô căn cứ của một bộ phận người dân”, ông Nguyễn Hồng Cường, Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Phú Quốc cũng khẳng định như vậy.

 

Để truyền thuyết không biến mất
Mô hình 3 mẹ con Dugong trên cát của một CLB Bảo tồn biển - Ảnh: Hoàng Trung


* Bảo vệ nàng tiên cá của đại dương


Theo Tiến sỹ Võ Văn Quang, việc cấp thiết hiện nay để bảo vệ loài bò biển quý hiếm chính là phải áp dụng các công ước về bảo tồn đa dạng sinh học mà Việt Nam đã ký kết như Công ước về buôn bán các loài động thực vật hoang dã có nguy cơ bị tuyệt chủng (CITES), Công ước RAMSAR về bảo vệ các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, Công ước về đa dạng sinh học (CBD) đối với bò biển. Bên cạnh đó, người dân Việt Nam cần phải nhận thức được rằng, bò biển là thành phần không thể thiếu trong hệ sinh thái biển và môi trường sống, bởi vậy cần thiết phải bảo vệ những loài sinh vật có nguy cơ bị tuyệt chủng trong đời sống hoang dã. Mỗi chúng ta cần góp phần duy trì một môi trường sống lành mạnh và có văn hóa trong hiện tại và tương lai. Tiến sỹ Quang cho rằng, bò biển không chỉ là một loài động vật quý hiếm, mà còn có ý nghĩa văn hóa trong đời sống xã hội. Do đó, việc bảo vệ bò biển còn là bảo tồn di sản văn hóa.


Việc xác lập các khu vực cấm đánh bắt thủy sản ở các vùng có bò biển sinh sống và khuyến khích các hoạt động kinh tế ít tác động đến hệ sinh thái và môi trường như nghề thủ công mỹ nghệ, du lịch sinh thái cũng cần được các cấp, các ngành triển khai nhanh chóng, từ đó nâng cao nhận thức cộng đồng, phổ biến các thông tin cần thiết về bảo tồn bò biển đến các cộng đồng dân cư ở các khu vực có bò biển sinh sống.


Về phía địa phương nơi có vùng biển “nàng tiên cá” sinh sống, ông Cường cũng cho rằng, cần có sự phối hợp hành động của liên ngành nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý những hành vi đánh bắt, thu gom, buôn bán loài Dugong. Bên cạnh đó, để công tác truyền thông nâng cao nhận thức người dân đối với việc bảo vệ loài động vật quý hiếm này cũng cần có sự chỉ đạo sát sao của chính quyền địa phương, từ đó những hành động bảo vệ Dugong mới thực sự có ý nghĩa và thiết thực.


“Để truyền thuyết không biến mất và "nàng tiên cá" mãi sống trong lòng đại dương, điều này phụ thuộc rất lớn vào từng suy nghĩ và hành động của mỗi con người chúng ta”, Tiến sỹ Võ Văn Quang nói.

Thu Phương