Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
>> Giải Fields - Gần gũi Việt Nam tự thuở nào (kỳ 2)
“Một khi chiến tranh kết thúc, họ (Việt Nam) sẽ có một đội ngũ có phẩm chất và chuyên môn cao, cần thiết cho việc tái thiết đất nước”, Alexandre Grothendieck.
Khó có thể liệt kê hết những gì mà Alexandre Grothendieck đã mang lại cho toán học. Grothendieck góp phần làm cho Viện Nghiên cứu Khoa học Cao cấp (IHES) ở Pháp thực sự trở thành một trong những trung tâm lớn nhất của toán học thế giới. Ở viện này, từ ngày thành lập đến nay, có 10 người là giáo sư chính thức (professeur permanent) nhưng có tới 7 người đoạt giải Fields, gồm: Alexandre Grothendieck, René Thom, Jean Bourgain, Alain Connes, Pierre Deligne, Maxim Kontsevich, và Laurent Laforgue.
Từ sau năm 1993, Grothendieck không còn địa chỉ bưu điện nữa, không ai có thể liên lạc với ông, ngoại trừ một số bạn gần gũi. Ông sống trong một căn nhà nhỏ bên sườn dãy Pyrénées.
Trong rất nhiều năm, ông không phải là công dân của một quốc gia nào, và đi khắp nơi trên thế giới với tấm hộ chiếu của Liên Hợp Quốc. Xuất thân trong một gia đình Do Thái giáo truyền thống, Grothendieck được những người kháng chiến theo đạo Tin Lành che chở và cuối cùng, ông quan tâm nhiều đến Phật giáo. Ông luôn sống theo những nguyên tắc của riêng mình, và nhiều khi tỏ ra thất vọng trước cuộc sống.
Cuộc đời Grothendieck đầy vinh quang, đầy bi kịch, mang đậm chất tiểu thuyết, mà trong một bài viết nhỏ không thể nào nói hết được.
Ngạc nhiên một Việt Nam
Trong thời gian ông ở Việt Nam, mỗi tuần ông đều nhịn ăn ngày thứ Sáu. Khi các nhà toán học Pháp biết chuyện, họ đều ngạc nhiên vì không thấy ông có thói quen đó khi ở Pháp. Theo lời ông nói, chuyến đi Việt Nam làm ông thật sự ngạc nhiên, ở một đất nước ngày đêm phải đối đầu với cuộc chiến tranh ác liệt bậc nhất trong lịch sử, người ta vẫn dạy toán, học toán, và biết đến những thành tựu hiện đại nhất của toán học! Từ sự ngạc nhiên đó, ông đã công bố định lí của mình trong bài viết về chuyến thăm Việt Nam (được lưu hành rất rộng rãi thời đó ở các trường đại học phương Tây): “Tồn tại một nền toán học Việt Nam”.
Định lí trên đây của Grothendieck đã làm thế giới toán học biết đến nền toán học Việt Nam trong chiến tranh. Chuyến đi của Grothendieck đã mở đầu cho một loạt chuyến đi thăm và giảng bài của nhiều nhà toán học lớn đến Việt Nam, trong đó, nhiều nhất vẫn là các nhà toán học Pháp như: L. Schwartz, A. Martineau, P. Cartier, B. Malgrange, Y. Amice...
Có thể nói, chuyến đi của Grothendieck là một cột mốc quan trọng trong lịch sử hợp tác khoa học giữa các nhà toán học Việt Nam và các nhà toán học Pháp.
Những ngày đầu tiên trong chuyến thăm Việt Nam, ông giảng bài ở Hà Nội. Nhưng đến một ngày, có một quả rocket nổ chỉ cách nơi ông giảng bài khoảng 100-200m, và Bộ trưởng Tạ Quang Bửu lệnh phải dời nơi giảng bài lên khu sơ tán của Trường Đại học Tổng hợp, huyện Đại Từ, Thái Nguyên. Grothendieck đón nhận tin này với một vẻ thích thú rõ rệt, vì được bước vào một chuyến phiêu lưu.
Sau đây là một vài đoạn trích trong báo cáo nổi tiếng của ông về chuyến thăm Việt Nam.
...Đợt ném bom đáng kể nhất xảy ra vào ngày 17-11, hai ngày trước khi chúng tôi về nông thôn. Bài giảng của tôi bị ngắt quãng ba lần vì còi báo động, và khi đó chúng tôi xuống hầm trú ẩn. Có điều có thể là kỳ lạ với những người mới đến, là sự bình thản, dường như không hề có gì xẩy ra, của những người ở đây khi nghe còi báo động, một việc đã trở thành thường nhật.
Trong một cuộc ném bom vào thứ Sáu, một chùm bom bi nổ chậm phát nổ ở nơi sơ tán của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, và giết chết hai giảng viên toán của trường.
Grothendieck mô tả những khó khăn trong cuộc sống và khoa học của những nhà toán học Việt Nam thời sơ tán:
Cuộc sống ở đây thật là nguyên thủy. Mỗi giảng viên, cán bộ của trường, cũng như sinh viên, đều sống trong những ngôi nhà tranh, vách nứa, cửa sổ mở toang, mặt đất thì nóng như thiêu. Vì không có điện nên họ dùng đèn dầu hỏa. Khi trời trong, các máy bay địch thường bay qua khu vực trường, và đôi khi trút số bom còn lại một cách ngẫu nhiên trước khi trở về căn cứ, làm bị thương và giết chết nhiều dân thường.
Trong một đất nước mà do hoàn cảnh có rất ít mối quan hệ với bên ngoài thì thật là khó khăn cho những nhà toán học còn ít kinh nghiệm khi phải định hướng giữa nhiều hướng nghiên cứu khác nhau, khi phải phân biệt cái gì hay cái gì không.
Nâng cao trình độ văn hóa - Việt Nam đã thành công
Grothendieck bày tỏ sự ngạc nhiên của ông khi gặp một cộng đồng toán học tích cực tại Hà Nội:
Có thể phát biểu một mệnh đề đặc biệt kỳ lạ đầu tiên là tồn tại một nền toán học xứng đáng mang tên Bắc Việt Nam. Trong cuộc chiến tranh tàn khốc 1946-1954, những cố gắng của giáo dục là hướng đến việc xóa nạn mù chữ cho quảng đại nông dân, một cố gắng đã đạt mục đích vào những năm sau đó. Cho đến năm 1958 thì nạn mù chữ thực tế là đã bị xóa bỏ.
Công việc tiếp theo là gửi thanh niên đến các trường đại học của các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là Liên Xô. Trong số khoảng 100 giảng viên toán của Đại học Tổng hợp Hà Nội và Đại học Sư phạm Hà Nội, khoảng 30 người đã được cử ra nước ngoài từ 4 đến 6 năm để học tập. Nói chung họ đạt được trình độ phó tiến sĩ của Liên Xô.
Cuối cùng, Grothendieck kết luận lạc quan:
Cần thúc đẩy nghiên cứu học học lý thuyết (song song với phát triển các khoa học ứng dụng) ngay từ bây giờ, mà không đợi đến khi có một tương lai tốt hơn.
Và thông qua những cố gắng vô tiền khoáng hậu trong lịch sử, vượt qua tất cả, họ (Việt Nam - ND) đã thành công trong việc nâng cao trình độ văn hóa và chuyên môn của công dân nước mình, ngay cả khi đất nước của họ bị tàn phá nặng nề bởi một cường quốc công nghiệp lớn nhất thế giới. Họ biết rằng, một khi chiến tranh kết thúc, họ sẽ có một đội ngũ có phẩm chất và chuyên môn cao, cần thiết cho việc tái thiết đất nước.