Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
>> Mộng du đêm trăng tròn và những chuyện kỳ lạ ở VN
Một nam y tá, anh Lee Hadwin, đã trở thành họa sĩ trong khi ngủ.
Từ những phút thăng hoa khi mộng du…
Các bác sĩ nhận định, người bị chứng mộng du thường hoạt động rất bản năng, không bị sự sợ hãi, lo lắng kiềm tỏa. Do đó, họ có thể làm nhiều việc rất mạo hiểm nhưng cũng rất khéo léo, thậm chí là khiến người khác kinh ngạc. Và khi tỉnh dậy, bản thân họ không thể làm lại những việc mình đã làm.
BS Ngô Thanh Hồi, Giám đốc Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương cho biết: “Tôi từng chứng kiến những bệnh nhân mắc bệnh động kinh, khi gặp mộng du, họ đã thoắt một cái nhảy qua bức tường rất cao của bệnh viện. Khi tỉnh dậy, các bác sĩ đề nghị thực hiện lại cú nhảy đó thì bệnh nhân chịu, rúm ró lại. Cố lắm họ cũng chỉ nhảy lên bằng 2/3 chiều cao của bức tường đó. Hoặc có những bệnh nhân, trong cơn mộng du, đã gồng hết sức, dùng hai tay kéo 2 song sắt dãn ra, chui đầu qua và chạy trốn khỏi bệnh viện. Đến lúc tỉnh dậy, các bác sĩ bảo thực hiện lại hành vi đó, thì bệnh nhân dùng hết sức, uốn 1 thanh sắt thôi, để thẳng lại như cũ, thì họ lại không làm được”.
Trường hợp BS Hồi nhớ mãi là một người lính bị bệnh động kinh. Trong một lần điều trị, anh đã gặp chứng mộng du, và hành động khiến người khác phải trố mắt ra nhìn.
“Đang ngủ, anh này bỗng hét lên một tiếng rồi chạy ra xe cứu thương đang đỗ ngoài sân, nhảy lên lái, chạy ra đường. Gặp một khúc cua ngoặt 90 độ, anh vẫn lái với tốc độ rất cao, khiến xe nghiêng hẳn, đi bằng hai bánh. Rồi anh này tiếp tục lái xe lao thẳng, mồm hét như bị ảo mộng là đang đuổi theo giặc. Sau này, đường lượn đó không một tài xế cao thủ nào có thể thực hiện lại” – BS Hồi vừa tả vừa nghiêng người diễn lại cảnh chiếc xe cứu thương thực hiện cú cua ngoạn mục. Rất may thời điểm đó ít người, nên cú cướp xe và lái như lụa đó không làm tổn thương thêm một người nào nữa.
Thế giới cũng từng ghi nhận một nam y tá vẽ rất đẹp trong khi mộng du. Đó là anh Lee Hadwin, Mỹ. Anh này bị chứng mộng du từ năm lên 4 tuổi và bắt đầu vẽ trong giấc ngủ từ tuổi thiếu niên. Anh đã tạo ra hàng loạt tác phẩm nghệ thuật lạ mắt và hấp dẫn, ở trên những đồ vật xung quanh mình như quần áo, tường nhà, khăn trải bàn… Nhưng anh không hề nhớ mình đã vẽ những bức tranh đó như thế nào. Anh cũng rất ngạc nhiên bởi khi thức, anh không có chút sở thích nào đối với môn nghệ thuật này. Sau khi nghe người nhà kể lại, anh đã ý thức chuẩn bị các vật liệu vẽ tranh trước khi đi ngủ, để không làm hỏng các đồ dùng khác.
Một số người trong khi mộng du đã dịch thuật rất cừ, xén cỏ trong vườn một cách khéo léo hoặc gửi email tới bạn bè với những ký tự lạ lùng. Họ đã sống hoàn toàn là một con người khác.
Người mộng du hành động không ý thức, nên sẵn sàng phá bỏ những gì cản trở mình. Người thân chỉ nên theo dõi từ xa, tránh hành động đột ngột gây nên những tai nạn không đáng có. Ảnh minh họa nguồn Internet
… đến các thảm họa do ý thức “đi ngủ”
Người mắc chứng mộng du, khi làm việc gì đó rất quyết tâm và sẵn sàng phá bỏ các vật cản trên đường đi của họ. Chính vì vậy, với người bị mộng du, người thân chỉ nên đi theo để giúp đỡ khi họ gặp tình huống nguy hiểm, chứ không nên can thiệp hoặc thức tỉnh họ đột ngột.
“Tôi từng gặp 1 trường hợp bị kết án tử hình vì đâm vợ 9 nhát kéo vào ngực. Người vợ chết thảm còn anh này chịu án tử hình. Nhưng tại phiên tòa, bị cáo này một mực kêu không nhớ, hoàn toàn không biết gì. Lúc đó, tôi được mời đến để tham gia giám định pháp y. Bằng khoa học, điện não đồ, tôi phát hiện ra anh này bị cơn động kinh và có chứng mộng du. Sau này, mặc dù thoát án tử hình nhưng anh ta cũng phải đi chữa trị thời gian dài” - BS Hồi cho biết.
Cũng có một người chồng đã phải ép đưa vợ đến bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương khám vì bà vợ một mực không chịu tin mình có bệnh kỳ lạ đó. Đó là khi đêm xuống, khi ngủ say, bà vợ lại đứng lên, xuống bếp, dọn dẹp, nấu nướng. Có khi, bà bật bếp ga lên nấu rồi cứ thế chui vào chăn ngủ tiếp. Người chồng đã nhiều lần hoảng hốt vì tưởng cháy nhà, khi mùi khét vì cháy từ nồi cá, nồi thịt bốc lên tứ tán trong nhà. Nếu không tỉnh ngủ, chắc có ngày làm bạn với thần Hỏa, tai họa đến khi nào không hay.
Một tai nạn thảm khốc nữa mà người mộng du gây ra, được ghi nhận đến nay, là trường hợp một người đàn ông Canada, tên là Ken Parks, vì mộng du đã ra khỏi nhà vào năm 1987. Anh lên xe của mình, lái 23 km tới nhà cha mẹ vợ và lẻn vào, bóp cổ, đâm chết bố mẹ vợ, rạch tay mình, rồi quay trở về nhà, ngủ tiếp. Sáng mai khi anh tỉnh giấc, cũng là lúc cảnh sát đến tìm. Trên người anh vẫn còn vết máu. Tuy vậy, anh này vẫn không tin mình đã làm việc tày đình thế. Nhóm điều tra đã nghiên cứu và đưa ra kết luận Ken Parks đã phạm tội trong khi “đang ngủ” vì mọi hành động của anh là không có ý thức.
Như vậy, trong lúc mộng du, những sức mạnh bản năng nhất của con người đã được phát huy. Những bản năng này, khi con người tỉnh táo, ý thức đã kiềm chế lại, tạo ra sự sợ hãi, lo lắng khiến con người không thế hành động dũng mãnh hoặc quyết liệt như khi mộng du. Do vậy, đối diện với người bị chứng mộng du, người thân không nên cản trở mà nên đi theo họ, giữ một khoảng cách nhất định để đảm bảo an toàn của bệnh nhân.
Ngoài ra, hiện nay, thuốc chữa động kinh đã rất tốt, nếu thấy người thân có những biểu hiện thường xuyên của chứng mộng du, người thân cần đưa đi khám vì đó có thể là một trong những triệu chứng của bệnh động kinh.
Bài 3: Rối loạn nhịp thức ngủ: căn bệnh thời hiện đại