Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Kênh Tẻ là một trong các tuyến kênh nằm trong dự án cải tạo kênh rạch của TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa
Kênh Đôi, kênh Tẻ là hai tuyến kênh trong dự án cải tạo các tuyến kênh của TP. Đứng trên cầu Chữ Y, cầu Nguyễn Tri Phương... bắc ngang dòng kênh Đôi có thể quan sát thấy hai bên dòng kênh vẫn còn hàng ngàn nóc nhà tạm lô nhô được chống bằng cừ tràm. Những căn nhà “hai mặt tiền” này một nửa nằm trên bờ, một nửa chênh vênh trên mặt kênh.
Nước dơ thành
nước sạch
Nghe tin dự án cải tạo kênh sắp thi công, những người dân ở đây vui mừng. Họ cho biết đã mòn mỏi mong chờ một dự án từ lâu lắm rồi. Nhà nằm bên dòng kênh Đôi, ông Phan Văn Tửng (71 tuổi, ngụ đường Nguyễn Duy, P.2, Q.8) nói năm thế hệ gia đình ông đã sống ở căn nhà này và đến nay là 40 năm. Phần căn nhà nhô ra trên mép kênh không biết đã bao nhiêu lần sửa chữa, thay cừ tràm.
“Tui trông dự án nhanh làm để dòng kênh hết nhếch nhác. Có tiền đền bù giải tỏa, tui ra ngoại ô mua miếng đất, cất nhà cấp 4 để yên tâm sinh sống, làm ăn” - ông Tửng tâm sự.
Còn ông Trần Văn Chảng (82 tuổi, ngụ Q.8) - người dân sống bên dòng kênh Đôi - cho biết do lòng kênh khá rộng và ô nhiễm, người dân sống hai bên bờ kênh ai cũng mong muốn dự án sớm thi công để trả lại vẻ đẹp cho TP và họ được lên bờ để yên tâm làm ăn.
Ông Lương Minh Phúc - giám đốc Ban quản lý đầu tư công trình giao thông đô thị TP.HCM - cho biết đến nay chỉ duy nhất có dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM giai đoạn 1 đã xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng công suất 141.000 m3/ngày.
Đây là nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đầu tiên biến nước dơ thành nước sạch, đưa trở lại dòng sông, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Theo đó, toàn bộ nước thải ở các hộ dân Q.1, Q.5 đã được đưa vào tuyến cống bao, không còn đổ ra kênh Bến Nghé, kênh Tàu Hủ.
Để xử lý triệt để nước sinh hoạt không còn đổ ra kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM giai đoạn 2 sẽ triển khai tiếp lắp đặt 30km tuyến cống bao thu gom nước thải của các hộ dân trên nhiều tuyến đường ở Q.4, Q.8 đưa về Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng.
Khi đó mới xử lý triệt để nước thải không còn đổ ra kênh Tàu Hủ, kênh Bến Nghé. Theo đó, dự án sẽ đầu tư xây dựng nâng công suất nhà máy xử lý nước thải lên gần 470.000 m3/ngày, tức gấp ba lần công suất hiện nay.
Bên cạnh việc thu gom nước thải, dự án còn nạo vét, khơi thông dòng chảy nhằm tăng khả năng chống ngập cho các quận và vùng trung tâm TP. Ông Phúc cho biết trong giai đoạn 1 đã thực hiện nạo vét bùn đất ở kênh Tàu Hủ, kênh Bến Nghé có khối lượng khoảng 550.000m3, đến giai đoạn 2 (từ nay đến năm 2020) tiếp tục nạo vét kênh Tàu Hủ, kênh Ngang số 1, 2, 3 và giai đoạn 3 thực hiện nạo vét kênh Đôi, kênh Tẻ. Lúc này các dòng kênh thông thoáng, trong sạch và còn tăng khả năng chống ngập nước khi trời mưa.
Cần 20 năm khôi phục
Theo các chuyên gia môi trường và quy hoạch đô thị, việc khôi phục một dòng kênh phải mất hơn 20 năm vì cần có kinh phí đầu tư và nhất là kinh phí đền bù giải tỏa lớn. Cụ thể, dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè bằng vốn vay ngân sách được triển khai từ năm 1993 đến 2000, TP đã chi 1.600 tỉ đồng đầu tư xây dựng và đền bù giải tỏa 6.200 hộ dân, nạo vét khoảng 260.000m3 bùn đất.
Bắt đầu năm 2003 triển khai dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn mới bằng vốn ODA (gồm vốn vay Ngân hàng Thế giới và vốn vay ngân sách), với tổng vốn đầu tư dự án 8.600 tỉ đồng, đã nạo vét khoảng 1 triệu m3 bùn đất. Tuy nhiên, dự án chỉ mới dừng lại ở chỗ cải tạo dòng kênh, bơm nước thải ra sông Sài Gòn và nhờ nước từ sông Sài Gòn “thau rửa” một phần, đưa nước đỡ ô nhiễm hơn trở lại dòng kênh.
Đầu năm 2015, dự án vệ sinh môi trường TP giai đoạn 2 được Ngân hàng Thế giới ký kết hiệp định cho vay 450 triệu USD, đó là chưa kể vốn đối ứng từ ngân sách 90 triệu USD. Theo lãnh đạo Ban quản lý dự án vệ sinh môi trường TP, đầu năm nay triển khai thi công và đến năm 2020 hoàn thành sẽ đáp ứng được yêu cầu hoàn chỉnh hệ thống thu gom và xử lý nước thải thuộc lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và quận 2, nguồn nước thải sẽ được đưa về nhà máy xử lý đạt tiêu chuẩn loại A trước khi đổ ra sông Sài Gòn.
Để rút ngắn thời gian cải tạo dòng kênh đen thành dòng kênh trong xanh, Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP đã kiến nghị TP cần sớm triển khai dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM giai đoạn 3.
Theo ông Lương Minh Phúc, nếu thuận lợi thì dự án giai đoạn 3 sẽ thi công cùng lúc với dự án giai đoạn 2. Dự kiến đến năm 2022 sẽ hoàn thành toàn bộ việc cải tạo nâng cấp các tuyến kênh Đôi, kênh Tẻ, kênh Tàu Hủ và kênh Bến Nghé.
“Như vậy sẽ giải quyết được tình trạng ngập nước trên các tuyến đường, các dòng kênh trên không còn ô nhiễm, ngành vận tải và du lịch đường thủy phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân” - ông Phúc nói.
* Ông Nguyễn Quốc Thái - giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị TP.HCM: Đề xuất nhà hàng, quán ăn xử lý nước thải
Hiện các văn bản pháp luật chưa có quy định nào về việc xử lý nước thải ở hộ dân. Do chưa có quy định đó nên dẫn đến tình trạng nước thải từ các quán ăn, nhà hàng tự nhiên đổ ra hệ thống thoát nước. UBND TP đã có văn bản chỉ đạo hợp nhất Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước, Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị trở thành một đầu mối xử lý thoát nước.
Bên cạnh đó, cấp thẩm quyền cũng yêu cầu hợp nhất các đơn vị dịch vụ công ích xử lý thoát nước ở các quận huyện về chung một đầu mối trên. Như vậy đến lúc sẽ kiến nghị cấp thẩm quyền có quy định các nhà hàng, quán ăn phải xử lý nước thải trước khi đưa vào hệ thống thoát nước do TP quản lý.