Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Khô hạn gay gắt trên diện rộng
Theo Đài Khí tượng thủy văn Trà Vinh, hiện nước mặn tại sông Tiền và sông Hậu đã lấn sâu vào các tuyến kênh thủy lợi đầu mối hơn 60 km, độ mặn tại các cửa cống như: Cái Hóp, Rạch Rum, Cần Chông, Láng Thé, Tân Dinh... độ mặn đã lên đến từ 5,9 – 7,8‰.
Ngay từ đầu vụ, để đảm bảo sản xuất vụ Đông Xuân, ngành nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo vận hành đóng – mở cửa cống thủy lợi, theo dõi độ mặn nước để ngăn mặn, trữ ngọt. Tuy vậy, do thời tiết nắng nóng, độ mặn tăng nhanh, không thể tiếp ngọt vào các kênh nội đồng nên hiện tại trên địa bàn các huyện Cầu Ngang, Trà Cú có hơn 50% diện tích lúa Đông Xuân, với gần 9.000 ha nằm trong tình trạng thiếu nước trầm trọng.
Ông Thạch Sô Phanh, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú cho biết, trong hơn 11.700 ha lúa Đông Xuân của huyện đã có 6.400 ha đang bị khô hạn do điều kiện đất gò cao không thể tiếp nước ngọt từ kênh thủy nội đồng bị cạn kiệt; trong đó có khoảng 3.420 ha lúa tại các xã Phước Hưng, Long Hiệp, Ngọc Biên, Hàm Giang nằm trong tình trạng bị khô hạn trầm trọng, cần có nước ngọt để cứu lúa.
Ông Lê Văn Phi, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Ngang cho biết, trên địa bàn huyện đã có trên 2.500 ha/5.200 lúa Đông Xuân đang chờ nước. Do địa bàn huyện nằm cuối nguồn sông Hậu, các cống đầu mối Rạch Rum, Cần Chông buộc phải đóng cửa vì nước mặn nên tình hình tiếp nước ngọt về các kênh nội đồng để bơm tát cứu lúa Đông Xuân rất khó khăn.
Theo ông Lê Phước Dũng, Chi cục Phó Chi cục Thủy lợi thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, để khắc phục tình trạng thiếu nước, khô hạn diện tích lúa Đông Xuân, ngành đang chỉ đạo phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn các huyện kết hợp cùng các địa phương tiến hành nhanh nạo vét các tuyến kênh cấp 3 để nâng cao mực nước trên kênh. Đối với các vùng sâu, gò cao, thực hiện phương án đắp ngăn dòng kênh nội đồng theo từng cánh đồng, sau đó bơm nước từ các kênh cấp II vào kênh nội đồng rồi bơm chuyền lên đồng cứu lúa.
Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác các công trình thủy lợi Trà Vinh được giao nhiệm vụ theo dõi 24/24 giờ về độ mặn tại cửa công đầu mối. Tận dụng những ngày nước dâng cao (15 và 30 Âm lịch) vào lúc thủy triều đỉnh triều xuống thấp xuất hiện nước ngọt, công ty sẽ mở ngoài cửa cống tiếp nước vào nội đồng, đảm bảo đủ nguồn nước ngọt cho nông dân sản xuất hiệu quả vụ Đông Xuân./.
Trong khi đó, tại tỉnh Bạc Liêu hiện lúa Đông Xuân đang bị nhiễm bệnh và mặn xâm nhập gần 10.000 ha; trong đó có hơn 6.870 ha lúa nhiễm rầy cần phòng trừ. Nước mặn hiện đã xâm nhập sâu vào nội đồng của vùng phía Bắc de dọa đến trà lúa Đông xuân. Nước mặn rò rỉ tại các cống Cả Vĩnh, Nước Mặn và Sóc Đồn đã xâm nhập vào địa bàn xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi), có nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất lúa trên địa bàn xã. Thêm vào đó, nguồn nước ngọt từ sông Hậu về qua trục Quản Lộ - Phụng Hiệp giảm mạnh nên khả năng thiếu nước cuối vụ là rất lớn.
Ông Lê Quí Thủy, Trưởng Phòng Kế hoạch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trước tình hình trên, Sở đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2015 - 2016 trình UBND tỉnh phê duyệt.
Về sản xuất nông nghiệp ở vùng Bắc quốc lộ (QL) 1A, việc điều tiết nguồn nước mặn, ngọt phục vụ sản xuất dự báo sẽ rất căng thẳng. Trong bối cảnh mặn xâm nhập sâu vào các cửa sông, mực nước trên trục kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp đang hạ thấp nên nước mặn từ Bạc Liêu sẽ xâm nhập lên địa bàn tỉnh Sóc Trăng vào khoảng cuối tháng 3/2016. Nếu hạn chế điều tiết nước mặn sẽ xảy ra nguy cơ thiếu nước mặn cho 67.000ha nuôi tôm ở tiểu vùng chuyển đổi sản xuất, nhất là khu vực Thị xã Giá Rai. Còn nếu điều tiết đủ nước mặn để nuôi tôm thì tiểu vùng chuyển đổi sẽ có nguy cơ mặn xâm nhập sâu vượt Ngã Năm (Sóc Trăng). Từ đó, xâm nhập vào vùng sản xuất lúa đông xuân của Sóc Trăng và 46.500ha lúa của Bạc Liêu. Mặt khác, nước mặn sẽ làm ảnh hưởng gần 9.000ha lúa đông xuân ở tam giác Ninh Quới (huyện Hồng Dân) vào cuối tháng 2/2016.
Đối với sản xuất lúa, chỉ đạo các địa phương tập trung gia cố bờ bao để giữ nước, tích cực bơm trữ nước ngọt lên ruộng. Rút ngắn lịch thời vụ bằng cách sử dụng giống lúa ngắn ngày và áp dụng biệp pháp tưới nước tiết kiệm.
Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi từ nguồn vốn cấp bù thủy lợi phí năm 2015. Kiểm tra lại toàn bộ hệ thống cống và xây dựng kế hoạch đắp đập ngăn mặn. Phát động nhân dân tu bổ, gia cố bờ bao, ao đầm, nạo vét kênh mương nội đồng, trữ nước chống hạn, chống xâm nhập mặn….