Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Bị lừa vì chiêu lương cao

(19:41:06 PM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - Từ tháng 12-2009, Công ty TNHH tư vấn Nhân Sự Việt tiến hành thu tiền đưa người lao động đi Nhật làm việc. Đến nay có hàng trăm nạn nhân, mỗi người đã giao cho ông Nguyễn Văn Tiến - giám đốc công ty trên - 700 -1.200 USD. Nhưng giấc mơ đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang Nhật của họ đang trở nên xa vời vì ông Tiến đã ôm tiền biến mất.

 

lao dong

Các nạn nhân bị lừa xem lại những hợp đồng đi lao động tại Nhật Bản với Công ty TNHH tư vấn Nhân Sự Việt (251/1 Nguyễn Văn Trỗi, P.10, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) khi tìm đến chi nhánh của văn phòng công ty đòi tiền sáng 15-9 - Ảnh: Minh Đức

 

Sáng 15-9, khi tới văn phòng của Công ty TNHH tư vấn Nhân Sự Việt tại Q.Phú Nhuận (TP.HCM) nhưng không có giám đốc Nguyễn Văn Tiến, tất cả nạn nhân chia thành ba nhóm gửi tường trình tố cáo ông này tại Công an phường 10 (Q.Phú Nhuận), Công an phường Đa Kao và phường Bến Nghé (Q.1). Đó là ba phường có địa điểm hoạt động của Công ty TNHH Nhân Sự Việt.

 

“Mồi” lừa đảo

 

Theo các nạn nhân, ông Tiến khoe công ty ông có nhiều đối tác là các tập đoàn lớn ở Nhật Bản. Khi ký kết hợp đồng với Công ty Nhân Sự Việt họ sẽ được các tập đoàn lớn bảo lãnh qua Nhật làm việc theo dạng lao động. Trong hợp đồng lao động ký kết giữa hai bên, phần đối tác được ông Tiến đưa ra toàn là những tập đoàn lớn như: Aso Group, Toyota, Sumitomo... Hợp đồng cam kết tùy theo quyết định và yêu cầu của phía Nhật Bản, được phía đối tác Nhật và Công ty Nhân Sự Việt xem xét, ký từ 1-3 năm dựa vào trình độ, năng lực, tác phong, đạo đức của người lao động. Hầu hết hợp đồng ghi lĩnh vực làm việc là những ngành rất hấp dẫn như điện tử, cơ khí.

 

Nhiều người cho biết từ tháng 12-2009 đến nay, qua giới thiệu với nhau, có khoảng 200 người lao động đã ký hợp đồng và nộp tiền cho giám đốc Tiến. Tất cả lao động ký hợp đồng và đóng tiền cho ông Tiến từng tu nghiệp ba năm ở Nhật về.

 

Theo luật của Nhật, những ai đã tu nghiệp về rồi thì không được trở lại lao động ở Nhật (trừ khi có sự bảo lãnh theo dạng công ty mẹ, công ty con với nhu cầu đào tạo nhân lực).

 

Anh Lê Tấn Lộc, một nạn nhân, nói: “Chúng tôi cũng biết nguyên tắc là tu nghiệp ở Nhật Bản về rồi sẽ không được trở lại đó làm việc. Nhưng khi gặp ông Tiến, ông ấy bảo các tập đoàn đối tác của Công ty Nhân Sự Việt ở Nhật đủ khả năng bảo lãnh chúng tôi qua lần hai, vì vậy chúng tôi mới tin tưởng giao tiền, ai ngờ ông ấy nhận tiền rồi biệt tăm luôn”.

 

Qua tiếp xúc với 50 nạn nhân của ông Tiến, hầu hết đều cho biết do thấy thu nhập ở Nhật quá cao, công việc cũng không nặng nhọc nên cố đi bằng mọi giá. Còn giám đốc Tiến thì đưa ra “miếng mồi” qua Nhật làm việc năm đầu lương 80.000 yen/tháng (khoảng 18 triệu đồng) và tăng tối thiểu 10% các năm kế tiếp. Chính vì vậy mà nhiều người lao động đã bị sụp bẫy.

 

Đối tác “ma”

 

Theo một cán bộ Cục Quản lý lao động ngoài nước - Bộ LĐ-TB&XH, thường các công ty, xí nghiệp hay tập đoàn phía Nhật Bản muốn tuyển lao động Việt Nam đều làm việc qua các nghiệp đoàn ở Nhật, sau đó các nghiệp đoàn sẽ làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp XKLĐ ở Việt Nam, hoặc thông qua các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến XKLĐ. Theo vị này, các đối tác mà Công ty Nhân Sự Việt đưa ra chỉ là những đối tác “ma” họ tự ghi vào để lừa người lao động cả tin.

 

Ông Nguyễn Xuân Vui, tổng giám đốc doanh nghiệp XKLĐ Airseco, cho biết thêm các công ty phía Nhật mỗi lần ký đơn hàng tuyển dụng cũng không quá 20 lao động và thường do họ trực tiếp thẩm định. Việc tuyển một lúc gần cả trăm người như vậy rõ ràng là một đơn hàng ảo. Nhật Bản có chính sách bảo vệ quyền lợi người lao động rất tốt, nên không có chuyện họ giao cho một đối tác không có chức năng để tuyển lao động cho họ. Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng cho biết việc tuyển dụng lao động, ký hợp đồng, thu tiền phải là những doanh nghiệp có giấy phép lao động do Bộ LĐ-TB&XH cấp. Trong khi đó, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết Công ty Nhân Sự Việt không có chức năng XKLĐ.

 

Khó xử lý

Theo thông tin cung cấp từ người lao động, giám đốc Nguyễn Văn Tiến có nhiều văn phòng chi nhánh làm việc. Không chỉ ở đường Nguyễn Văn Trỗi, Q.Phú Nhuận mà trước đây ông Tiến còn thuê văn phòng ở đường Nguyễn Đình Chiểu, Võ Thị Sáu và trụ sở chính được ghi địa chỉ ở một chung cư thuộc khu K300 tại Q.Tân Bình.

 

Khi biết được giám đốc Tiến bỏ trốn, các lao động đã chia thành nhiều nhóm truy tìm nhưng bóng dáng vị giám đốc lừa vẫn bặt tăm. Trụ sở chính ở khu K300 Q.Tân Bình là một căn hộ chung cư do một gia đình khác ở. Tìm tới nhà ông Tiến tại huyện Củ Chi, gia đình ông Tiến đóng cửa không cho vào và cho biết ông Tiến đã lâu không về nhà. Hiện nay, các nạn nhân mong muốn lấy lại tiền và giám đốc Tiến bị pháp luật xử lý. Theo ông Đào Công Hải - cục phó Cục Quản lý lao động ngoài nước, những vụ việc như trên người lao động chỉ có thể đến nhờ công an.

 

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, nội dung vụ lừa đảo có liên quan đến XKLĐ nhưng do một công ty không có chức năng XKLĐ thực hiện nên không nằm trong diện quản lý và xử lý vi phạm của cục. Tương tự, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cũng không thể tiếp nhận, xử lý vụ việc cũng vì lý do đã nêu.

HỒ VĂN/TTO