Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Những giải pháp đa mục tiêu đối phó với hạn hán ở Ninh Thuận
* Những mô hình ứng phó với hạn hán
Theo thống kê của UBND tỉnh Ninh Thuận, tổng diện tích đất hoang mạc của tỉnh lên tới 41.021 ha, chiếm 12,21% diện tích đất tự nhiên. Tình trạng sa mạc hóa vẫn tiếp tục gia tăng do tác động của biến đổi khí hậu nên lượng mưa hàng năm giảm nghiêm trọng, dẫn tới hạn hán ngày càng gay gắt, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và các hoạt động dân sinh, kinh tế của địa phương.
Theo ông Bùi Anh Tuấn, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Thuận: Để phòng ngừa và giảm nhẹ hậu quả sa mạc hóa, Ninh Thuận triển khai nhiều giải pháp mang lại hiệu quả cho việc phòng chống sa mạc hóa, cân bằng hệ sinh thái vùng khô hạn, tạo được vành đai rừng phòng hộ giữ nước, vừa tăng thu nhập cho người dân địa phương. Tiêu biểu là mô hình “Trồng rừng bằng giống cây Trôm, rừng cây Neem trên núi đá kết hợp chăn nuôi dưới tán rừng tại huyện Ninh Phước, huyện Thuận Bắc”. Mô hình này tạo được vành đai rừng phòng hộ, tăng khả năng giữ nước, chống xói mòn, nâng cao độ che phủ của rừng. Đồng thời giảm thiểu thiệt hại do lũ, sạt lở đất, bảo vệ các công trình hạ lưu, điều hòa khí hậu và phát triển sinh kế bền vững cho người dân địa phương.
Mô hình “Tái tạo nguồn nước bằng kỹ thuật giữ nước quy mô nhỏ, bền vững tại Chà Bang, huyện Thuận Nam”. Từ mô hình cho thấy khi tổng lượng mưa trên 60mm/ngày, tổng thể tích của tất cả các rãnh tại khu vực thí điểm được bổ sung xấp xỉ 29.000m3 nước ngầm; khi tổng lượng mưa tích lũy đạt 500mm, mực nước ngầm tăng trung bình 0,12m/ngày, cho đến khi đạt đến mực nước ngầm tối đa với mức tăng 4,7m. Nhờ đó đã góp phần quan trọng trong việc chống xói mòn, lại lưu giữ được lượng nước mưa đáng kể. Đồng thời bổ sung được lượng nước ngầm và tăng độ ẩm cho đất, giúp tăng năng suất cây trồng, vật nuôi và giảm nhẹ tác động lũ lụt, xói mòn đất và hạn hán.
Còn mô hình “Xây dựng đập dâng quy mô nhỏ trên suối tại Phước Diêm, huyện Thuận Nam” bước đầu đã cung cấp được nước sinh hoạt cho khu du lịch và sản xuất của người dân sở tại. Đây là khu vực thường xuyên thiếu nước, nhất là vào mùa khô hàng năm. Kể từ khi xây đập dâng trên suối, nguồn nước đã đủ cung cấp quanh năm cho người dân trong vùng. Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Thuận còn triển khai mô hình sản xuất rau màu trên vùng đất cát ven biển theo hướng hữu cơ bền vững, hạn chế ô nhiễm môi trường; mô hình lai tạo giống mới, tái tạo nguồn cỏ, cải tạo chuồng trại, trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn cho chăn nuôi nhằm thay đổi phương thức chăn nuôi theo hướng tập trung, có kiểm soát, hạn chế chăn thả tự do, góp phần phòng chống sa mạc hóa và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ngoài ra tỉnh đã phối hợp với Quỹ môi trường toàn cầu thực hiện 2 mô hình rất hiệu quả ở vùng khô hạn huyện Ninh Phước. Đó là mô hình trình diễn ngăn ngừa và hạn chế thoái hóa đất và hoang mạc hóa do chăn thả tự do; mô hình trình diễn cộng đồng kết hợp ứng dụng các biện pháp truyền thống và khoa học kỹ thuật mới nhằm khai thác, bảo vệ đất và nước, góp phần phòng chống sa mạc hóa tại xã Phước Hải, huyện Ninh Phước.
* Phát triển hệ thống thủy lâm kết hợp
Ông Trương Đức Trí, Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho rằng, qua nghiên cứu về địa hình, điều kiện khí tượng thủy văn, chế độ dòng chảy; cơ cấu sản xuất, chăn nuôi và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Ninh Thuận, cùng với kết quả mang lại của các mô hình ứng phó với hạn hán đã thực hiện trên địa bàn địa phương. Giải pháp tổng thể, bền vững mang tính đa mục tiêu nhằm ứng phó hiệu quả với tình trạng hạn hán, thiếu nước tại vùng đất này là đầu tư xây dựng hệ thống thủy lâm kết hợp.
Theo đó, việc xây dựng các đập dâng sẽ tạo ao chứa nước ở các sông suối, kết hợp trồng rừng và tái tạo rừng là giải pháp tối ưu tích nước cho mùa khô hạn, làm tăng lượng nước ngầm, tăng độ ẩm cho đất, giúp phục hồi thảm thực vật, nâng độ cho phủ của rừng, phát triển chăn nuôi và trồng trọt, tạo sinh kế bền vững cho người dân. Thực tế cho thấy trong 12 năm (1998-2010), Ninh Thuận đã giao khoán 619.000 lượt ha rừng các loại (bình quân mỗi năm giao khoán gần 52.000 ha rừng phòng hộ đầu nguồn, ven biển và đặc dụng) cho người dân, góp phần tăng thu nhập ổn định cho họ từ việc nhận kinh phí bảo vệ rừng cũng như các thu nhập khác từ việc giữ rừng gắn với trồng trọt chăn nuôi dưới tán rừng...
Từ ích lợi đó đã thu hút không ít hộ dân tham gia quản lý và bảo vệ rừng, nhiều mô hình được hưởng lợi như mô hình trồng rừng phòng hộ bằng cây Trôm trên núi đá hay mô hình trồng cây Neem, kết hợp bảo vệ và chăn nuôi gia súc có sừng dưới tán rừng...đã và đang mang lại thu nhập cho mỗi hộ từ vài chục đến trăm triệu đồng/ha/năm.
Vì vậy, mô hình hệ thống thủy lâm kết hợp có thể triển khai ở các khu vực khác nhau trong tỉnh, tương ứng với từng điều kiện địa hình, địa chất, chế độ mưa và dòng chảy khác nhau. Cụ thể ở vùng núi cao thượng nguồn sông suối nên xây dựng các đập dâng có kết cấu bê tông hoặc đá hộc, xây nối với các đầu mỏm đá tạo thành các ao chứa nước treo bậc thang trên sườn núi. Các đập loại này có tác dụng làm chậm dòng chảy trên suối, còn các ao chứa nước bổ sung đáng kể cho lượng nước ngầm. Xung quanh đập dâng và các thung lũng dọc suối sẽ trồng rừng phòng hộ.
Vùng đất có độ dốc lớn và đồi trọc nên tận dụng tối đa vật liệu tại chỗ để thi công, như rọ thép xếp đá hộc, cuội, sỏi, đồng thời trồng và phục hồi rừng phòng hộ. Ở vùng đất có độ dốc trung bình từ 5-20% có lạch suối cắt ngang, sẽ xây dựng hệ thống mương theo đường đồng mức cắt ngang dòng chảy mặt và lưu trữ dòng chảy mặt vào lòng mương. Trên bờ mương trồng vành đai cây xanh hạn chế xói mòn, vừa bổ sung nước mặt, nước ngầm. Khoảng đất giữa các con mương và vành đai cây rừng có thể trồng cây công nghiệp, cây lâu năm và cây ăn quả.
Riêng vùng đồng bằng đồi cát, cồn cát ven biển ở Ninh Thuận, các chuyên gia khuyến cáo xây dựng các hồ chứa nước ngầm bằng cách đào các hào sâu trải vải chống thấm trước khi lấp cát để giữ nước ngầm. Khi mực nước ngầm dâng cao mới tiến hành trồng cây công nghiệp ngắn ngày.