Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Toàn cảnh hội thảo ngày 8 tháng 1 năm 2016
Hội thảo với sự chủ trì của hiệu trưởng nhà trường TS. Nguyễn Quang Hà, TS. Nguyễn văn Bài- Trưởng khoa TN&MT và sự góp mặt của đại diện Tổng cục QLĐĐ - Bộ TN&MT; đại diện Sở TN&MT các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn; Phòng TN&MT các cấp huyện; đại diện các cơ sở đào tạo ngành QLĐĐ; chuyên gia, nhà khoa học có liên quan, đại diện cựu sinh viên tiêu biểu, trưởng khoa chuyên môn thuộc trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang và các cơ quan truyền thông báo chí.
Với mục tiêu rà soát, đánh giá toàn diện chương trình đào tạo ngành QLĐĐ của khoa TN&MT, Đại học Nông - Lâm Bắc Giang; cũng như xin ý kiến các chuyên gia, các nhà quản lý, cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp và sinh viên đã ra trường về những bất cập trong việc bố trí chương trình, những khoảng trống về kiến thức so với yêu cầu thực tiễn… nhằm kịp thời điều chỉnh chương trình, nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội.
Phát biểu tại hội nghị, TS. Nguyễn Quang Hà cho biết: Trên tinh thần “thu gọn - chuyên sâu - kỹ năng” và “kỳ vọng về đầu ra”, định hướng số 1 được nhà trường luôn chú trọng hiện nay là: Đào tạo sinh viên ra trường xin được việc làm; trình độ năng lực đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn. Về thực hiện, đổi mới chương trình đào tạo là nhiệm vụ thường xuyên với nhiều vấn đề cần thảo luận, trường và khoa sẽ tích cực rà soát lại chương trình hiện có, xem thừa gì, thiếu gì để từ đó phân tích, sắp xếp, bổ sung, đổi mới lại chương trình giảng dạy sao cho hợp lý. Đặc biệt, ông Hà nhấn mạnh: “Định hướng của Trường là phát triển trở thành trường đại học ứng dụng, chứ không phải trường đại học nghiên cứu”.
Hiệu trưởng nhà trường TS. Nguyễn Quang Hà phát biểu
Cũng tại hội nghị, TS. Khương Mạnh Hà- Phó trưởng Khoa TN&MT (ĐH Nông - Lâm Bắc Giang) đã trình bày Báo cáo kết quả 20 năm đào tạo ngành QLĐĐ: Trong công tác đào tạo, khoa TN&MT với đội ngũ giảng viên yêu nghề, có chuyên môn (tiến sĩ: 03 người, nghiên cứu sinh: 02 người, thạc sĩ: 17 người, đại học: 03 người); cơ sở vật chất hoàn thiện với trang thiết bị hiện đại, phục vụ đắc lực cho việc học tập và thực hành của sinh viên. Cho đến nay, trải qua chặng đường 20 năm xây dựng, phát triển, không ngừng nỗ lực phấn đấu, trường đã đào tạo và trang bị kiến thức cơ bản đầy đủ cho hàng trăm sinh viên, cũng như nâng cao năng lực cho rất nhiều cán bộ địa chính theo địa chỉ cho các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Ninh Bình, Nghệ An, Đồng Tháp. Sinh viên ra trường được các cơ quan sử dụng lao động đánh giá cao, đáp ứng yêu cầu công việc; đã và đang đảm nhiệm nhiều vị trí công tác QLĐĐ tại các cấp ở nhiều địa phương.
Trong nghiên cứu khoa học, nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học tiêu biểu phù hợp với thực tiễn như: Đo đạc, thành lập bản đồ địa chính cho các xã của tỉnh Lạng Sơn; xây dựng quy hoạch sử đụng đất cho các huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Lạng Giang, Yên Thế - Việt Yên (Bắc Giang)… Các chương trình hợp tác đào tạo kết hợp sản xuất với các cơ quan và địa phương trong cả nước, ví dụ như điều tra rừng, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, đo đạc bản đồ, đào tạo ngắn hạn nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ địa chính cấp xã.
Dựa trên tình hình thực tế, trường nhận định: Nhu cầu cán bộ chuyên môn về TN&MT thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước trong những năm tới cần khoảng 2 vạn đến 3 vạn người. Ở các cấp địa phương trong vài ba năm tới cần bổ sung khoảng 1,5 vạn cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn cho các lĩnh vực QLĐĐ. Đó là cơ hội song cũng là những thách thức cho khoa nói riêng và nhà trường nói chung. Đặc biệt, khi các hệ thống giáo dục khác đang mở rộng, tình trạng tuyển sinh ngày càng khó khăn hơn; nguồn tuyển sinh chủ yếu từ các vùng nông thôn, con em nông dân nghèo, hạn chế về cả trình độ văn hóa, điều kiện và năng lực tài chính… Đây là một thách thức cho việc nâng cao chất lượng đào tạo.
TS. Khương Mạnh Hà- Phó trưởng Khoa TN&MT (ĐH Nông - Lâm Bắc Giang) đã trình bày Báo cáo kết quả 20 năm đào tạo ngành QLĐĐ
Cũng trong buổi hội thảo, các vị khách mời đại diện cho các cơ quan QLĐĐ, các doanh nghiệp sử dụng lao động, những người làm công tác giảng dạy ngành QLĐĐ đã có buổi gặp gỡ, thảo luận, đưa ra đóng góp những ý kiến để nhà trường, cũng như khoa TN&MT hoàn thiện, nâng cao hiệu quả, đổi mới chương trình đào tạo. TS. Đào Đức Mẫn - Đại diện Tổng Cục QLĐĐ cho rằng, khoa TN&MT cần phải tiếp tục rút gọn khối lượng chương trình đại cương, tăng thời lượng chuyên ngành, đổi tên các môn học cho đúng bản chất… để phù hợp với thực tiễn giai đoạn “khai thác phát huy tiềm năng” của ngành QLĐĐ hiện nay.
Anh Trần Thế Tâm - cựu sinh viên của trường, hiện đang công tác tại một cơ quan QLĐĐ cũng góp ý:” Nhà trường nên ứng dụng Công nghệ thông tin nhiều hơn. Về luật, cần cụ thể và cập nhật liên tục theo các bộ luật và thông tư mới nhất của nhà nước, tăng cường đào tạo Trắc địa như Công nghệ thông tin, ứng dụng đo đạc để sinh viên ra trường có thêm nhiều sự lựa chọn trong công việc”.
Từ những ý kiến đóng góp nhà trường rút ra được những vấn đề chính: Tăng kỹ năng, giảm số môn, tập trung tăng thời lượng thực hành; xác định chắc chắn lại mục tiêu đầu ra; quản lý tốt dạy nghề thực hành; chú trọng các chuyên đề chuyên sâu; đổi tên một số môn học đồng nghĩa với việc thay đổi nội dung sao cho phù hợp với tính liên thông của các ngành học và bậc học giữa các trường đào tạo cùng chuyên ngành; bổ sung thêm một số môn học về tài chính, đất đai và chú trọng phát triển kỹ năng mềm để trong sinh viên được phá triển toàn diện.