Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Cần sớm thực hiện chi trả tiền trồng rừng cho người dân Sơn La

(10:52:43 AM 03/01/2016)
(Tin Môi Trường) - Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng (còn gọi là Dự án 661) được triển khai từ năm 1998 đến 2010. Theo quy định, trong 3 năm tiếp theo sau khi dự án kết thúc, người dân tiếp tục tham gia chăm sóc, bảo vệ rừng và họ sẽ nhận được phần kinh phí chi trả từ Nhà nước.

Tuy nhiên, tại tỉnh Sơn La, từ khi dự án kết thúc đến nay, người dân vẫn thực hiện việc bảo vệ rừng mà không được hưởng chế độ, chính sách chi trả theo quy định. Đến nay, số diện tích rừng của người dân tham gia bảo vệ trong diện chưa được thanh toán là trên 4.300ha, với tổng số tiền trên 14 tỷ đồng.

 

Cần sớm thực hiện chi trả tiền trồng rừng cho người dân Sơn La

Vợ chồng anh Bàn Văn Phú, dân tộc Dao, thôn Làng Chẩu 1, xã Thắng Quân (Yên Sơn) chăm sóc rừng trồng của gia đình.


Vượt con đường với những dốc núi cheo leo và trơn trượt, chúng tôi tìm đến căn lán nhỏ của ông Lò Văn Hộn ở cánh rừng Phiêng Mựt, xã Mường Giôn, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La. Năm 2010, ông đã cùng bà con trong bản gùi từng cây giống dưới chân núi lên đây trồng. Thế nhưng, năm 2010 cũng chính là năm mà dự án 661 kết thúc, do đó tiền công chăm sóc bảo vệ rừng từ năm 2010 đến 2013 của ông và gần 400 hộ dân ở đây vẫn chưa được nhận một đồng nào. Ông Hộn cho biết, riêng gia đình ông đã trồng gần 14ha rừng, tính ra số tiền chưa được thanh toán là 42 triệu đồng. Đây là số tiền rất lớn đối với những hộ nghèo như gia đình ông.


Từ năm 2010, người dân bản Phiêng Mựt, xã Mường Giôn đã tham gia trồng hơn 300ha rừng. Sau 5 năm, những cánh rừng đã vươn cao trên 3 mét, được đánh giá tỷ lệ sống gần 90%. Để phục vụ việc trồng rừng, gần như toàn bộ đất sản xuất trước kia vốn để trồng ngô, trồng lúa người dân đã chuyển sang trồng cây lâm nghiệp, vì thế thu nhập chính cũng chỉ trông chờ vào khoản thanh toán chăm sóc bảo vệ này. Đến nay, số tiền chăm sóc, bảo vệ rừng của bản tính ra đã lên đến hơn 940 triệu đồng. Ông Lường Văn Châu, Trưởng bản Phiêng Mựt bày tỏ, bà con trong bản chờ đợi được thanh toán số tiền này từ năm 2013, nhưng đến nay đã quá nhiều năm mà vẫn chưa được chi trả. Người dân mong muốn các cấp chính quyền sớm có giải pháp để trả tiền chăm sóc rừng, để họ trang trải cuộc sống và tiếp tục giữ rừng.


Cùng chung tình trạng trên, người dân ở bản Hua Lương, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La cũng đang từng ngày mong mỏi được nhận tiền chăm sóc, bảo vệ rừng. Theo Trưởng bản Hua Lương Phá A Chống thì diện tích rừng bà con trồng từ năm 2010 đến 2013 của dự án 661 chuyển tiếp là gần 242ha, đến nay số tiền chưa thanh toán là 810 triệu đồng. Trong khi đó, bà con ở đây chỉ có một diện tích nhỏ trồng ngô và lúa, còn lại chủ yếu vẫn sống ở đây dựa vào trồng rừng. Vì thế, nếu không có tiền thanh toán cho người dân thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của họ.


Ông Hoàng Văn Quyền, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mường Giôn, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La cho biết, việc bà con nhân dân các bản vùng cao, vùng sâu vùng xa của tỉnh Sơn La chưa được thanh toán tiền công chăm sóc bảo vệ rừng từ "dự án 661 chuyển tiếp" đã được bà con đã kiến nghị lên Chi cục Lâm nghiệp và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La. Người dân mong muốn các cơ quan có thẩm quyền sớm vào cuộc , để kịp thời trả cho từng năm một, từ đó giúp người dân nâng cao đời sống vật chất và ổn định tâm lý . Bởi, đ ây là khoản tiền rất quan trọng đối với người dân ở vùng cao, v ới các hộ dân này, khi đã tham gia trồng rừng thì cả gia đình chỉ trông chờ vào khoản thu nhập từ rừng mà hầu như không có thu nhập nào khác.


Theo kiểm tra, rà soát của Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Sơn La, hiện số diện tích rừng của Dự án 661 trong diện chưa được thanh toán là trên 4.300ha, với tổng số tiền trên 14 tỷ đồng. Ông Vũ Đức Thuận, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Sơn La cho biết, khi kết thúc dự án 661 năm 2010 thì Nhà nước chưa bố trí kinh phí cho những năm chuyển tiếp của dự án này, trong đó có tiền chăm sóc, tiền cây giống từ năm 2011 đến 2013. Trong thời gian vừa qua, sau khi có phản ánh từ người dân, Chi cục Lâm nghiệp đã có văn bản gửi Uỷ ban nhân tỉnh Sơn La để kiến nghị với các Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để bố trí nguồn vốn chi trả cho các hộ dân. Tuy nhiên, đến nay nguồn kinh phí này chưa được đáp ứng, do cơ chế quản lý, phân bổ vốn của Nhà nước là tập trung cho các dự án mới mà không bố trí cho dự án chuyển tiếp. Trong thời gian tới, Chi cục Lâm nghiệp tiếp tục kiến nghị lên các bộ, ngành Trung ương để bố trí chi trả cho dân nguồn kinh phí này.
 

Lê Hữu Quyết