Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Làm gì để giảm bớt đau cổ?

(01:23:21 AM 03/01/2016)
(Tin Môi Trường) - Gần đây tôi hay bị đau cổ. Tôi phải làm gì để giảm bớt tình trạng này. Nguyễn Thị Thùy (Long An)

Làm gì để giảm bớt đau cổ?
Ảnh mang tính minh họa


Về mặt vị trí giải phẫu, đau cổ được xác định là đau sau cổ gáy từ đường gáy trên lan xuống vai đến mỏm gai đốt sống ngực 1, lan ra hai bên đến vùng trên gai và phía trước, có thể đến vùng trên đòn, thường ít gặp hơn đau lưng.

Phần lớn các trường hợp đau cổ có thể điều trị nội khoa thời gian ngắn. Tuy nhiên, một số trường hợp đi kèm với triệu chứng cần phải thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán tích cực hơn, như đau cổ kèm theo dấu thần kinh khu trú tiến triển (đau có yếu hay dị cảm tay hoặc chân); đau cổ đi kèm với các triệu chứng sụt cân nhiều, ói, sốt.

Giới chuyên môn chia đau cổ làm hai loại: cấp tính và mạn tính.

Đau cổ cấp: Thường do tổn thương cân cơ và dây chằng, xuất hiện do tổn thương sau chấn thương hoặc do căng dãn cơ quá mức như ngủ nằm sai tư thế, khuân vác các vật nặng. Phần lớn các tổn thương nhỏ của cân cơ dây chằng sẽ lành trong khoảng vài ngày đến vài tuần. Có thể kết hợp điều trị với chườm nóng hoặc lạnh, vật lý trị liệu giúp giảm đau trong quá trình lành các tổn thương cân cơ.

Đau cổ mạn tính: Những trường hợp đau cổ kéo dài hơn hai tuần thường đi kèm các dấu hiệu báo động như đau lan về một tay kèm theo các triệu chứng tê và dị cảm. Khi có những triệu chứng biểu hiện do các tổn thương thực thể, cần phải thực hiện các cận lâm sàng chuyên biệt để chẩn đoán.

Nguyên nhân đau thường do đầu để lâu ở một tư thế, ví dụ như khi lái xe hay làm việc trên máy tính. Các trường hợp đau cổ lan xuống tay có đi kèm với tê và dị cảm ở tay tăng dần theo thời gian, thường liên quan đến bệnh lý thoát vị đĩa đệm cổ. Phần lớn các trường hợp đáp ứng với điều trị nội khoa. Thời gian điều trị nội khoa trung bình từ 6 đến 12 tuần, nếu không đáp ứng có thể xét đến chỉ định phẫu thuật.

Còn có nguyên nhân đau cổ có liên quan đến hoạt động và tư thế đầu cổ. Đau thường xuất hiện từ từ trong nhiều năm, liên quan đến các hoạt động gắng sức dồn dọc trục cột sống, gặp trong nhóm bệnh lý hẹp lỗ liên hợp cột sống cổ; liên quan đến hoạt động vụng về của tay, đau lan xuống tay, giảm khả năng phối hợp vận động tay và chân, giảm khả năng thực hiện các động tác tinh vi, thường xuất hiện chậm và tăng dần theo thời gian; tổn thương bệnh lý do chèn ép tủy. Việc điều trị nội khoa đôi khi có thể giúp giảm đau, tuy nhiên, điều trị phẫu thuật được ưu tiên khi có chèn ép tủy

Đau cổ xuất hiện thay đổi trong ngày: thường xuất hiện vào sáng sớm khi thức dậy và có thể giảm dần trong ngày, người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn sau một vài cử động cổ; cũng có thể xuất hiện khi thay đổi thời tiết và thường liên quan đến nhóm bệnh viêm khớp xương.

Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác như: chấn thương; viêm màng não; ung thư…

Hiện cũng có nhiều phương pháp chẩn đoán đau cổ như: X-quang; chụp cắt lớp; chụp cộng hưởng từ; chụp tủy sống… Đa số sẽ khỏi dần với điều trị tại nhà. Tuy nhiên, nếu đau cổ nặng do chấn thương, ví dụ sau tai nạn xe cộ, người lao đầu từ trên cao xuống, không duỗi được tay chân, kèm đau đầu, tê bì, cảm giác kiến bò, yếu tay chân thì phải đi khám ngay để được can thiệp và điều trị đúng.

TS-BS Nguyễn Minh Anh (BV Đại học Y Dược TP.HCM)