Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Nhiều vụ việc, được người dân lên tiếng thông qua MXH với tư cách là chủ thể của xã hội đã góp phần tạo nên những thay đổi tích cực. Vai trò của MXH được phát huy nhờ tiện ích kết nối đông đảo và tiếng nói công dân ngày càng mạnh mẽ.
Khi điểm lại những sự kiện nổi bật xuất hiện trên MXH khiến dư luận xôn xao rồi báo chí chính thống mới vào cuộc để đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng, nhiều người ví von MXH giờ đây như một “trang báo cá nhân” mà ai ai cũng có thể làm công việc của một nhà báo.
Với chức năng kết nối rất rộng và rất nhanh, MXH đang đóng vai trò bổ sung tức thời một hiện thực xã hội cần thiết nhưng còn thiếu vắng trên những trang báo chính thống mà vì nhiều lý do đã không kịp hoặc không thể chuyển tải đến cho bạn đọc của mình.
Hãy nhớ lại khi Hà Nội quyết định thay 6.700 cây xanh, những thông tin và bình luận đầu tiên của người dân không phải xuất hiện trên báo chí mà là trên MXH. Phong trào cộng đồng “6.700 người vì 6.700 cây xanh” ngay lập tức ra đời và đi từ MXH lên mặt báo chính thống, trở thành một sự kiện lớn khiến cả nước phải theo dõi và tạo ra một “sức ép” không hề nhỏ đối với nhà chức trách dẫn đến việc ngưng chặt hạ cây xanh.
Nếu như trước đây những vụ việc liên quan đến môi trường sống như vụ Vedan xả thải xuống sông Thị Vải ( Đồng Nai) khiến dư luận quan tâm nhờ phản ánh của báo chí thì giờ đây chính những người đọc báo - công dân lại đem những thông tin về việc lấp sông Đồng Nai đến với dư luận, thông qua công cụ MXH. Hoặc, những phản ứng khác nhau về vụ kiện của một doanh nghiệp đòi trả lại cho công chúng con đường bộ lên núi Bà Nà, bị hư hỏng do xây dựng cáp treo.
Từ khi MXH ra đời và trở nên phổ biến, khái niệm “tranh luận” bỗng xuất hiện và dễ dàng được chấp nhận trong cộng đồng, ít nhất là cộng đồng MXH (một cộng đồng không nhỏ). Đủ mọi vấn đề, từ giải trí, văn hóa, kinh tế, chính trị... đều được bàn cãi một cách công khai. Không còn nhiều rào cản vô hình khiến người ta phải quá e dè mỗi khi muốn bày tỏ suy nghĩ của mình như trước đây.
Không ai ngờ rằng chính quyền tỉnh An Giang phải có ngày tổ chức họp báo xin lỗi và rút lại những quyết định xử phạt của mình đối với những người đã lên MXH “chê” ông chủ tịch tỉnh có vẻ mặt “kênh kiệu”. Bản thân ông chủ tịch Vương Bình Thạnh cũng thừa nhận mình phải lên MXH để đọc những nhận xét về bản thân và chịu rất nhiều “sức ép” từ chính MXH. Sức ép đó, có lúc là một bài- báo-công dân, có khi là ý kiến phân tích yếu tố pháp lý, hay chỉ là thái độ quyết liệt ủng hộ cái đúng trong xã hội được nhiều người đồng tình; có lúc chỉ là một từ khóa mang đầy màu sắc châm biếm, kiểu như “bụi đường Chương Mỹ” trong vụ các luật sư bị “ai đó” tấn công bằng bạo lực trong khi hành nghề.
Hôm giữa tháng cuối cùng của năm nay, khi diễn ra phiên xử vụ án cưỡng đoạt tài sản (con ruồi trong chai nước ngọt của Tân Hiệp Phát) dẫn đến kết quả bị cáo Võ Văn Minh lãnh án 7 năm tù, trên MXH lập tức dấy lên một cuộc tranh luận với nhiều quan điểm. Số đông không hoàn toàn phủ nhận hành vi vi phạm pháp luật của anh Võ Văn Minh. Nhưng cũng rất đông người trên MXH đã không giấu sự chê trách cách hành xử “quá sức thiếu thấu tình đạt lý”, thậm chí “gài bẫy” của Tân Hiệp Phát. Dư luận hình thành hai xu hướng hành xử với doanh nghiệp: tẩy chay và ủng hộ. Trong vòng một năm, tính đến khi vụ án đưa ra xét xử, đại diện Tân Hiệp Phát cho biết công ty bị thiệt hại 2.000 tỉ đồng. Chưa thể kiểm chứng tính xác thực của con số mà Tân Hiệp Phát đưa ra, nhưng đã có thể hình dung phần nào đến sức-nặng-kết-nối của người tiêu dùng trên MXH.
Tốc độ và bình diện lan truyền rất lớn của MXH cũng được Chính phủ nhận thấy và vào quý cuối cùng của năm 2015, Chính phủ đã quyết định kết nối thông tin với người dân thông qua công cụ MXH. Chính quyền Hà Nội cũng bắt đầu tham gia “cuộc chơi” hữu ích này. Bên cạnh những báo cáo, chỉ thị văn bản “đơn tuyến”, giờ đây các nhà quản lý còn thêm một kênh thông tin, không chỉ để phổ biến chủ trương chính sách mà còn có thể nhận biết nhanh nhất thái độ, suy nghĩ của công chúng.
MXH không chỉ giúp cho người dân một phương cách lưu chuyển thông tin, suy nghĩ cá nhân mà còn tạo ra những áp lực không hề nhỏ cho nhà cầm quyền. Mặc dù, “đối diện trực tuyến” với người dân không phải lúc nào cũng dễ chịu; mặc dù ở đâu đó trong bộ máy chính quyền cũng còn e ngại tính chất “rất nguy hiểm” của MXH (đến mức một số cơ quan nhà nước ra công văn cấm nhân viên tham gia bày tỏ quan điểm trên MXH).
Mặc dù vậy, thì trong năm 2015 này, cũng chính báo chí chính thống lại vào cuộc, phản ánh đến độc giả những công văn xâm phạm tự do cá nhân đó. Và, những phản ánh này chưa hề bị ngăn chặn từ các cơ quan chức năng. Nhìn lại từng đó sự việc mới thấy, MXH thật ra không hề làm thay việc của báo chí mà ngược lại, trong những trường hợp đặc biệt cả hai phương tiện này bổ sung cho nhau, giúp cho không gian xã hội dân sự được nới rộng.
MXH, đúng như chức năng của nó, đem lại cho người sử dụng một không gian hoạt động “ảo” nhưng những tác động tích cực của nó lại không hề ảo chút nào. Hiện tượng đó thật đáng mừng cho tiến bộ xã hội.