Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Năm 2016, phấn đấu xử lý dứt điểm chất cấm trong chăn nuôi
Ông Phạm Tiến Dũng cũng cho biết, qua thanh tra cho thấy, rất nhiều thủ đoạn đưa chất cấm vào chăn nuôi như trộn sẵn trong thức ăn, bán kèm theo thức ăn, thương lái ép người chăn nuôi phải sử dụng chất cấm… Thanh tra Bộ đã tìm trọng điểm để thanh tra nhưng đây là trận đấu vẫn rất cam go. Qua kiểm tra tại các lò mổ phát hiện thấy, tỷ lệ tồn dư chất cấm có trường hợp vượt 431 lần, tức là vừa cho gia súc ăn chất cấm đã đưa ngay vào giết mổ. Không chỉ có Vàng-O, Bộ đã kịp thời đưa ra danh sách các loại phẩm màu chỉ được phép sử dụng trong công nghiệp, không được sử dụng trong chăn nuôi, thực phẩm.
Tuy nhiên, ông Phạm Tiến Dũng thừa nhận, sự vào cuộc trong công tác thanh tra vẫn còn chậm, vẫn có vụ việc không xử lý dứt điểm.
Năm 2015, Thanh tra Bộ đã tăng 71% các đoàn thanh tra so với kế hoạch. Các đoàn thanh tra tập trung vào việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kiểm dịch động vật, thực vật; các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, chất xử lý cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản; hoạt động chứng nhận, thử nghiệm, công bố chất lượng phân bón.
Ông Đào Văn Thanh, Phó Chánh thanh tra Bộ đánh giá, công tác thanh tra chuyên ngành đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Các cuộc thanh tra chuyên ngành trước đây thường thanh tra theo kế hoạch nay chuyển sang chủ yếu thanh tra đột xuất. Xác định rõ đối tượng thanh tra trọng tâm, các đoàn thanh tra chuyên ngành đã có sự phối hợp với lực lượng công an như A86, C46, C49 để phát huy thế mạnh của các bên, từ khâu trinh sát, triển khai đến xử lý vi phạm.
Bởi vậy, năm 2015, Thanh tra Bộ đã kết luận thanh tra kiến nghị thu hồi 11,5 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2014. Đặc biệt, qua quá trình thanh tra đã có 3 viên chức “buộc thôi việc” do có sai phạm về chuyên môn, nghiệp vụ trong chứng nhận hợp quy phân bón.
Vụ thanh tra điển hình như qua thanh tra dự án “Nâng cao chất lượng, an toàn các sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học” thu hồi 3,38 tỷ đồng; Thanh tra công tác quản lý đầu tư xây dựng dự án đầu tư xây dựng công trình cơ sở hạ tầng và hệ thống thủy lợi, cấp thoát nước mặn, lợ, ngọt phục vụ nuôi trồng thủy sản khu vực Đầm Nại, Ninh hải, Ninh Thuận thu hồi 2,92 tỷ đồng; Thanh tra dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (LIFSAP) thu hội 2,77 tỷ đồng...
Ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ, năm 2016, công tác thanh tra chuyên ngành sẽ tập trung vào lĩnh vực, hoạt động mà thanh tra chuyên ngành của các tổng cục, cục triển khai không hiệu quả. Đoàn cũng tập trung tổ chức các đoàn thành tra để xử lý dứt điểm việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và sử dụng kháng sinh cấm theo hình thức thanh tra đột xuất. Tập trung kiểm tra chất cấm trong thủy sản, kháng sinh cấm, chất cải tạo môi trường cấm để nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu đảm bảo an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước. Tập trung vào các tổ chức thử nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định, chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy… bởi nếu các đơn vị này làm không tốt vô hình đã tiếp tay cho sai phạm. Tuy nhiên, nếu chỉ thanh tra Bộ vào cuộc thì vẫn không thể làm hết được, phải tạo sự chuyển biến ở địa phương. Năm 2016, sẽ tập trung về công tác chỉ đạo quản lý nhà nước để địa phương vào cuộc, ông Nguyễn Văn Việt cho hay.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn đánh giá, Thanh tra Bộ đã tạo được sự chuyển biến trong một số lĩnh vực nhạy cảm như chấn chỉnh trong việc kiểm nghiệm phân bón; nâng cao quản lý chất lượng nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm, điển hình như chất cấm. Đây sẽ vẫn là những vấn đề trọng tâm của thanh tra trong năm 2016 và bằng mọi cách phải tạo ra sự chuyển biến.
Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, cần rà soát lại các đơn thư khuyếu nại, tố cáo. Các đơn thứ đó thuộc lĩnh vực nào, vì sao nhiều đơn, đã giải quyết được bao nhiêu vụ, bao nhiêu đơn kéo dài… “Không lấy việc tăng đơn thư làm thành tích. Liệu có phải trong đó có việc xử lý ở các cấp không thỏa đáng”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn chỉ ra.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn góp ý, thanh tra theo kế hoạch nên thanh tra toàn diện nhằm phát hiện những vấn đề về cơ chế chính sách, đánh giá thực tiễn và đề ra cơ chế chính sách. Nên dành 40-30% nguồn lực và gắn với giải quyết các đơn thư khuyếu nại, tố cáo cho thanh tra đột xuất.