Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Thủ đô Kathmandu của Nepal hoang tàn sau động đất. Ảnh: AP
Vào ngày "định mệnh" 25/4, trận động đất kinh hoàng 7,8 độ Richter xảy ra tại Nepal đã giết chết hơn 8.800 người. Hơn 900.000 tòa nhà bị phá hủy, hư hại nghiêm trọng và động đất còn gây ra lở tuyết giết chết 19 người đang leo núi Everest.
Làng Kerauja, huyện Gorkha, Nepal bị san phẳng hoàn toàn sau động đất. Ảnh: AFP
Khoảng một triệu trẻ em Nepal phải nghỉ học do trường học bị sụp đổ hoàn toàn. Ba tuần sau, Nepal tiếp tục hứng chịu trận dư chấn mạnh 7,3 độ Richter, khiến việc tái thiết đất nước gặp nhiều khó khăn hơn.
Theo Worldvision.org, mùa đông này, ước tính khoảng 400.000 người dân Nepal ở khu vực miền núi vẫn còn sống trong những căn nhà tạm bợ dựng lại sau động đất và cần các nhu yếu cuộc sống như chăn, nhiên liệu hay lò sưởi. Đây là trận động đất gây chết người nhiều nhất trong lịch sử Nepal.
Người bố cho con ngồi trên vai khi băng qua con đường ngập lụt ở thành phố Chennai, Ấn Độ. Ảnh: Reuters
Những trận mưa như xối xả vào đầu tháng 12 tại thành phố Chennai thuộc miền nam Ấn Độ gây ra lũ lụt tồi tệ nhất trong 100 năm qua tại nước này. Cư dân thành phố Chennai - thủ phủ bang Tamil Nadu phải mang đồ đạc trên đầu và lội đi trong nước lũ dâng tới ngực. Toàn bộ khu định cư ven sông bị nước cuốn trôi.
Người dân dắt xe chết máy trên đường phố Chennai, Ấn Độ trong trận ngập lụt lịch sử. Ảnh: Reuters
Báo cáo cho biết có ít nhất 379 người thiệt mạng, gồm 54 người ở bang lân cận Andhra Pradesh, nơi lũ lụt cũng đã phá hủy 100 hecta cây trồng và hoa màu gây thiệt hại ước tính đến 190 triệu USD.
Người dân Ấn Độ trong vùng lũ Chennai nhận cứu trợ thực phẩm. Ảnh: Reuters
Người dân Ấn Độ vật vã dưới cái nắng như thiêu đốt. Ảnh: AP
Trước khi lũ lụt hoành hành ở Ấn Độ, người dân nước này phải hứng chịu đợt nắng nóng kéo dài trong tháng 5, nhiệt độ có lúc vượt 47 độ C khiến hơn 1.800 người tử vong, chủ yếu tại hai bang Andhra Pradesh và Telangan.
Nắng gắt tại Ấn Độ đến nỗi làm nhựa đường tan chảy. Ảnh: Independent
Các nhà khoa học tại Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết biến đổi khí hậu dường như là nguyên nhân chính dẫn đến đợt nóng kinh hoàng nêu trên. Nắng nóng đến nỗi làm nhựa đường tan chảy, còn người dân thì không dám ra đường.
Bức ảnh nhìn từ trên không ngày 3/8 cho thấy vùng Sagaing, Myanmar bị ngập lụt nghiêm trọng do ảnh hưởng siêu bão Kormen. Ảnh: AFP
Hồi tháng 8, siêu bão Kormen tràn qua vịnh Bengal gây lốc xoáy, mưa lớn và sạt lở đất, giết chết hàng trăm người tại các nước châu Á như Myanmar, Bangladesh và Ấn Độ, hàng triệu người phải sơ tán khẩn cấp.
Myanmar là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với hơn 100 người thiệt mạng và 400.000 người phải sơ tán.
Người dân kết bè bơi trên đường ngập lũ ở vùng Sagaing, Myanmar. Ảnh: AFP
Một nhà thờ ở huyện Nsanje, Malawi ngập chìm trong lũ lụt. Ảnh: UNICEF
Mưa lũ bất thường vào những ngày cuối tháng một đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 200 người và khiến hàng ngàn người bị ảnh hưởng tại hai quốc gia Malawi và Mozambique. Nhiều hộ gia đình mất nhà cửa, vật nuôi, đường giao thông và hệ thống hạ tầng bị phá hủy. Nước lũ dâng cao đã cô lập tỉnh Zambezia của Mozambique khiến công tác cứu trợ cứu nạn vô cùng khó khăn.
Một bé gái đi ngang qua xác hai con nai chết khát ở Ethiopia. Ảnh: Save The Children UK
Thiếu mưa kéo dài kết hợp với tác động từ hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino đã đẩy Ethiopia vào tình trạng báo động về lương thực. Chính phủ Ethiopia cho hay trong tháng 10 có đến 8,2 triệu người cần được cứu trợ lương thực do hạn hán hoành hành làm mất mùa và gia súc chết hàng loạt.
Ngành nông nghiệp bị thiệt hại nghiêm trọng, ảnh hưởng tới 85% lực lượng lao động của quốc gia này. Người dân phải đi bộ 3 - 4 giờ mỗi ngày để lấy nước uống và ngay cả nguồn nước hiếm hoi này cũng đang bị đe dọa.
Nông dân Ethiopia than thở vì hạn hán kéo dài đe dọa an ninh lương thực. Ảnh: WFP
Văn phòng Liên Hợp Quốc về điều phối các vấn đề nhân đạo (UNOCHA) cho biết có đến 350.000 trẻ em Ethiopia bị suy dinh dưỡng nặng. Chính phủ Ethiopia tính toán cần tới 237 triệu USD trong quý 1/2016 để ổn định an ninh lương thực trong nước.