Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
>>Những dự án đang "bóp chết" vịnh Nha Trang
Ông Trương Kỉnh, Trưởng BQL Vịnh Nha Trang
* Phóng viên: Dự án Nha Trang Sao đã đổ đất lấn vịnh Nha Trang gần 23.000 m2. Ông nghĩ gì về điều này?
- Ông Trương Kỉnh: Chúng tôi từng khuyến cáo dự án này sẽ gây tổn thất về tài nguyên, môi trường, hệ sinh thái biển. UBND tỉnh cần giao một cơ quan chức năng cụ thể giám sát dự án. Bây giờ cứ phê duyệt xong là cho nhà đầu tư làm, đến khi có chuyện xảy ra mới đi kiểm tra, giám sát; chẳng khác nào cơ quan nhà nước cứ phải chạy theo doanh nghiệp.
Không phải riêng dự án này đâu, ở vịnh Nha Trang còn có những dự án khác nữa. Tôi đã làm ở Ban Quản lý (BQL) vịnh Nha Trang hơn 10 năm nên thấy rõ. Trước đây, BQL vịnh Nha Trang đã kiến nghị và đề xuất việc quản lý các công trình này với UBND tỉnh nhưng không được tiếp thu và cũng không đưa ra quy định nào. Thật đáng tiếc!
* Như ông nói, còn nhiều dự án nữa đang lấp, lấn vịnh?
- Ví dụ như Focus Travel, Ana Marina. Những dự án này chúng tôi đã cảnh báo lâu rồi, rằng phải có người giám sát.
* Ông cảm thấy thế nào khi vịnh Nha Trang đang bị “băm nát” như thế?
- Anh nên hỏi người ra quyết định ấy. Hỏi xem họ có đau lòng hay không. Chúng tôi là cơ quan cấp dưới làm sao trả lời. Tôi chấp nhận việc con người tác động vào thiên nhiên để mang lại lợi ích thiết thực nhưng không phải là đánh đổi tất cả. Muốn vậy phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc tác động vào thiên nhiên, chứ không thể để buông trôi như thế được.
* Với chức năng của mình, tại sao BQL vịnh Nha Trang lại để việc ấy xảy ra?
- Bây giờ nói BQL vịnh Nha Trang nhưng được giao đầy đủ chức năng và nhiệm vụ quản lý hay không, cần truy đến cùng cái đó. Quyết định thành lập BQL vịnh Nha Trang với chức năng, nhiệm vụ như thế nào? Chức năng, nhiệm vụ đó được thực thi ra sao? Có đầy đủ quyền hạn để thực thi nhiệm vụ đó hay không? Đó mới là cái quan trọng. Chứ ở đây giống như là giao trên giấy rồi sau đó họ lại không có thẩm quyền gì thì làm sao mà thực hiện nhiệm vụ. Về việc này, BQL vịnh Nha Trang đã nói rất nhiều, đã trình bày quan điểm trong rất nhiều cuộc họp nhưng không được giải quyết thì biết làm sao. Gọi là BQL vịnh Nha Trang nhưng không có chức năng quản lý!
* Vậy chức năng của BQL là gì mà không quản lý?
- Tham mưu, giúp cho UBND TP Nha Trang quản lý, bảo tồn các giá trị của vịnh Nha Trang. Gọi là tham mưu thôi, không phải là cơ quan quyết định. Nhưng cái quy chế quản lý vịnh Nha Trang người ta đã không chấp hành, không chấp hành thì làm sao mà làm.
Bây giờ, người ta có hỏi thì mình mới nói vì chỉ là tham mưu thôi, chứ người ta không hỏi thì mình chịu thua. Hoặc là người ta giao cái việc tham mưu quản lý vịnh Nha Trang cho một cơ quan khác thì mình chịu chứ biết làm sao. Người ta xác định BQL vịnh Nha Trang là đơn vị sự nghiệp có thu mà đơn vị sự nghiệp có thu thì đâu có chức năng quản lý. Vậy làm sao mà làm?
Để truy đến cùng việc quản lý vịnh Nha Trang như thế nào mà để bị xâm hại như vậy thì phải truy chỗ người ra quyết định, chứ một cơ quan cấp dưới với chức năng, nhiệm vụ được giao không đầy đủ thì làm sao làm.
* Riêng dự án Nha Trang Sao, BQL vịnh Nha Trang có được chỉ định tham mưu?
- Không. Dự án Nha Trang Sao là không. BQL vịnh Nha Trang chỉ là thành viên hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Nhưng thành viên cũng không được tham dự đâu mà mình chỉ gửi văn bản ra Hà Nội thôi. Việc thẩm định dự án ấy là tại Hà Nội chứ không phải tại Khánh Hòa.
Công ty Cổ phần Nha Trang Sao đã đổ đất đá lấn vịnh Nha Trang gần 23.000 m2Ảnh: HỒNG ÁNH
PGS-TSKH Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học biển Việt Nam:
Ai chịu trách nhiệm?
Việc phát triển là cần thiết nhưng phát triển phải phù hợp với xu thế chung. Các công trình lấn vịnh Nha Trang rất nhạy cảm. Về mặt khoa học, một công trình đi đào xới biển, đào xới một thắng cảnh cấp quốc gia là không thể chấp nhận được. Đây là vùng ven biển, là vùng chức năng về sinh thái. Một khi đã đào, múc san hô lên, toàn bộ hệ sinh thái đáy, chu trình sinh lý hóa ven bờ bị xáo trộn hết. Bị tác động đầu tiên là thảm sinh vật đáy, chủ yếu là các loại vi sinh cỡ nhỏ có vai trò quan trọng nhất để xử lý hữu cơ, xử lý chất thải. Sau đó, dòng chảy sẽ thay đổi, nguy cơ làm xói lở ven bờ. Đã tác động cơ học vào thì rất khó khôi phục, gần như không thể khôi phục, nếu có khôi phục cũng mất hàng trăm năm.
Họ bảo rằng đây là san hô chết, cần cải tạo. Nếu là san hô chết thì rất bình thường, có gì gây ô nhiễm đâu mà phải cải tạo. Việc san hô chết là một công trình tự nhiên, bảo vệ rất tốt cho hệ sinh thái ven bờ, tránh cho vùng ven bờ bị tác động của sóng, gió, bão tố. Ngày xưa từng đào san hô chết để làm xi măng và đã xác định là phá hoại công trình tự nhiên rồi. Nhiều vùng biển người ta đã xây dựng thủy công trình để bảo vệ. Còn ở Việt Nam, nếu có công trình tự nhiên bãi san hô chết thì rất tốt. Vậy mà mình lại đi phá.
Chủ đầu tư bảo rằng đổ hàng chục ngàn m3 đất, đá xuống biển làm giải pháp thi công rồi sau này sẽ moi lên. Điều này không dễ và không thể an toàn về môi trường.
Cơ quan quản lý nhà nước không thiếu, nhân lực rất nhiều mà sao để việc ấy xảy ra thì cơ quan quản lý nhà nước phải chịu trách nhiệm trước dư luận. Doanh nghiệp làm kinh tế bao giờ cũng tìm cách làm lợi. Tuy nhiên, chính vai trò quản lý của cơ quan công quyền phải làm sao vừa để họ phát triển nhưng phải kiểm soát trong giới hạn luật pháp, môi trường cho phép. Nếu anh quản lý kém hơn thì bị họ lừa.
Ông Bùi Mau, Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học, Kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa:
Tỉnh Khánh Hòa phải xử lý
Thấy người ta lấp vịnh Nha Trang mà xót cả lòng. Dự án Nha Trang Sao trước đây Liên hiệp Các hội Khoa học, Kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa đã không nhất trí cho làm mà tỉnh cứ cho làm thì phải xử lý chuyện đó.
Khi chúng tôi nói lên là có đủ cơ sở khoa học, còn nghe hay không là quyền của họ. Đã cảnh báo rồi và giờ đúng y như vậy, họ đã phá nát vịnh Nha Trang rồi đấy, mà liên hiệp hội đâu thể quản lý được, đâu xử phạt được. Liên hiệp hội chỉ là cơ quan phản biện xã hội chứ đâu có chức năng giám sát, việc đó thuộc về cơ quan nhà nước.
.Ông Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghề cá Khánh Hòa:
Tiêu cực thì làm sao quản lý!
Họ kiểm tra thế nào mà dự án Nha Trang Sao vi phạm đến gần 23.000 m2. Bây giờ yêu cầu khôi phục, trả lại hiện trạng nhưng không biết rồi đây chủ đầu tư có khôi phục không.
Nói thật, trong tình hình này không ông nào quản lý tốt hết, không đủ khả năng là một chuyện mà tiêu cực như thế thì làm sao quản lý. Với cách quản lý như hiện tại, những vi phạm như thế dứt khoát sẽ xảy ra.
.Kiến trúc sư Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Khánh Hòa:
Mất đặc trưng vịnh Nha Trang
Vịnh Nha Trang là một bờ biển đẹp, mang sắc thái tự nhiên, để cộng đồng hưởng thụ không khí trong lành. Chúng ta phải bảo tồn đặc trưng đó. Cái đó mới quý nhất. Đây không phải là nơi để các ông chủ kinh doanh, không phải là phố xá buôn bán.
Nhiều dự án ngầm, nổi phía Đông đường Trần Phú, Phạm Văn Đồng đang làm mất dần những đặc trưng của vịnh biển Nha Trang. Để quản lý, bảo tồn, phát triển vịnh Nha Trang, cần phải có quy hoạch phù hợp, cái nào không phù hợp thì bỏ đi. Sau khi có quy hoạch cần xây dựng quy chế quản lý. Căn cứ vào quy chế này, ai vi phạm sẽ bị xử lý.