Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Vườn rau sạch xanh mớt phủ kín ban công, sân thượng của người thành phố
Nông trại lớn "leo" lên tầng cao
Ở các thành phố lớn, việc trồng rau sạch thông thường trên sân thượng đã xuất hiện từ vài năm trước, nhưng tới 2015 thì rộ lên, trở thành mốt. Nhà nhà trồng rau, người người trồng rau. Từ ban công cho tới sân thượng, thậm chí cả trên mái nhà hay dưới mái hiên, cũng được tận dụng làm vườn với những chậu rau treo lủng lẳng. Cứ chỗ nào trống, người dân cũng tận dụng để trồng các loại rau sạch.
Cụ thể, nhà nào sân thượng rộng thì trồng được cả trăm mét vuông rau sạch, nhà ít thì trồng vài ba chục mét vuông, có nhà chỉ cần 2 m2 ở ban công chung cư cũng tận dụng trồng rau sạch để ăn.
Sau mốt trồng rau, các “nông dân sân thượng” tiếp tục mày mò để trồng đủ các loại hoa rồi cả cây ăn quả trên sân thượng, với mong muốn ngoài rau xanh nhà trồng được thì cũng có thêm vài loại quả góp phần làm đa dạng nguồn cung thực phẩm cho gia đình. Thậm chí, còn rộ lên mốt trồng chè cổ trên sân thượng để lấy lá, búp pha nước uống hay những vườn hoa trên cao để ngắm với khoản đầu tư từ vài triệu hay lên đến cả chục triệu đồng.
Hết trồng cây, năm 2015 còn rộ lên mốt làm chuồng nuôi gà trên sân thượng. Cứ mỗi nhà chục con gà đến vài chục con với cái chuồng tạm bợ, thức ăn của gà thì toàn cơm thừa, canh cạn ấy thế mà gia đình có đủ thịt gà, trứng gà ăn quanh năm.
Nhiều người còn “đào ao” thả cá
Đặc biệt, trong năm 2015, từ Nam ra tới Bắc, người dân còn đua nhau “đào ao” thả cá hay nuôi cả lợn trên sân thượng.
Mô hình trồng rau kết hợp nuôi cá đang phát huy hiệu quả, giúp các gia đình vừa có rau xanh sạch, vừa có cá để bổ sung lượng đạm sạch cho bữa ăn với chi phí đầu tư cho hệ thống chỉ khoảng trên dưới 10 triệu đồng. Theo đó, rau xanh có thể ăn quanh năm, chỉ sau nửa tháng trồng là có thể thu hoạch, còn cá nuôi chỉ tầm 3 tháng là bắt thịt được.
Giờ đây, khi đứng trên những tòa nhà cao ốc nhìn xuống những khu dân cư sống với khoảng sân thượng phủ kín rau xanh, cây ăn quả, nuôi đủ gà vịt, cá,... nằm san sát nhau khiến nhiều người liên tưởng rằng mình đang lạc vào một khu “nông trại” trên tầng cao lớn nhất thế giới.
Hay làm chuồng nuôi gà trên sân thượng
Sự đánh đổi cho nỗi sợ mang tên “thực phẩm bẩn”
Nhìn vào cách mà người dân thành phố trồng cây, nuôi con trên những tòa nhà cao tầng trong suốt một năm qua, không ít người phải thốt ra rằng “hình như dân Việt đang quay trở lại thời bao cấp, tự cung tự cấp thực phẩm cho gia đình” hay “nông dân sân thượng” ở Việt Nam quá sáng tạo, mặc dù đất đai chật hẹp vẫn có thể nuôi trồng thủ thứ để lấy thực phẩm ăn chống chọi với thời kỳ thực phẩm độc hại bùng phát.
Bên cạnh những lợi ích có được tự việc tự trồng rau như có rau sạch ăn, trồng cây ăn quả giúp nhà mát mẻ, đỡ tốn tiền ra chợ mua,... thì nhìn những hình ảnh sân thượng phủ kín các chậu rau xanh, các chậu trồng cây ăn quả hay những “ao cá”, chuồng gà,... nhiều người không khỏi lo ngại bởi làm như thế là quá nguy hiểm, là đang đánh cược mạng sống của mình.
Bởi, về cơ bản, sân thượng chỉ được thiết kế để chịu đựng được một trọng lượng nhất định, trong khi đó người dân để hàng chục chiếc thùng xốp, hàng trăm chiếc chậu chứa đầy đất thì nguy cơ mất an toàn, sập trần là rất lớn, có thể diễn ra bất cứ lúc nào, nhất là những gia đình còn mua cả xe ô tô đất về để đổ lên sân thượng làm ruộng rau. Hay, nhỡ đâu, chỉ một cơn lốc xoáy, một cơn bão đi qua có thể cuốn phăng cả trăm chiếc thùng xốp chứa đầy đất xuống đường, sẽ có người phải hứng chịu "tai bay vạ gió", nguy hiểm khôn lường.
Tương tự, sự bất tiện của những chiếc chuồng gà được đặt cao chót vót trên sân thượng của những tòa nhà 4-5 tầng cũng vậy. Ngoài chuyện có thịt, trứng gà sạch để ăn, người nuôi, người dân sống xung quanh hàng ngày, hàng giờ phải hít thở bầu không khí ô nhiễm, nhất là vào những ngày trời trở gió hay mưa dầm.
Mặc dù biết được kiểu làm vườn sân thượng tiềm ẩn nhiều rủi ro, song, đó là sự đánh đổi cho nỗi lo mang tên “thực phẩm bẩn”
Song, trước những nguy cơ trên, chưa thấy ai phá bỏ công trình "tự cung tự cấp" khép kín, đôi khi được đầu tư công phu và tốn kém này. Bởi, nỗi sợ đi chợ mua phải rau bẩn, thịt có chất tạo nạc, quả ủ chín bằng hóa chất,... vẫn lớn hơn rất nhiều. Ai cũng ngầm hiểu rằng, ở đây có sự thỏa hiệp giữa được và mất, là sự đánh đổi cho nỗi sợ hãi khi thực phẩm bẩn bủa vây đời sống của người dân, nhất là người dân nơi đô thị.