Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Triển khai tốt Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Tài nguyên và Môi trường; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; nguồn lực tài nguyên và môi trường từng bước được phát huy, có đóng góp quan trọng cho ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo hướng bền vững.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa tặng Cờ thi đua của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho 5 tập thể có thành tích xuất sắc của Tổng cục địa chất và khoáng sản Việt Nam -Ảnh: TL
Là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm (2011-2015) với mục tiêu tổng quát là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh; đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế.
Hướng theo trọng tâm chỉ đạo chung của Đảng và Nhà nước, với sự đoàn kết, nhất trí cao của tập thể Lãnh đạo Bộ, sự nỗ lực của các cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cố gắng làm tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình trong các công chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và dự toán ngân sách nhà nước. Kết quả, năm 2015, toàn ngành đã hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ quan trọng và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ như sau:
Hoàn thành cơ bản thể chế, chính sách, pháp luật về TN&MT
Năm 2015, Quốc hội thông qua Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo, Luật khí tượng thủy văn là dấu mốc quan trọng đánh dấu việc cơ bản hoàn thành các Luật đối với các lĩnh vực được giao quản lý theo đúng Nghị quyết Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XI về thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược và các Nghị quyết của Đảng đối với Ngành.
Bộ đã trình Chính phủ ban hành 09 Nghị định, trong đó đã được Chính phủ ban hành 07 Nghị định; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 07 quyết định; ban hành hơn 70 Thông tư và Thông tư liên tịch; tập trung rà soát, báo cáo Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng các quy hoạch, chiến lược, chương trình mục tiêu quốc gia. Các văn bản pháp luật, đề án đều bám sát chủ trương đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường công khai, minh bạch, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy nguồn lực TN&MT cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; làm cơ sở cho công tác quản lý TN7MT trong giai đoạn tới; đồng thời góp phần ngăn ngừa, hạn chế tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, làm giảm khiếu kiện đất đai, khoáng sản và môi trường.
Các Sở TN&MT đã thực hiện tốt công tác tham mưu xây dựng trình UBND tỉnh, thành phố ban hành các văn bản phù hợp với quy định của pháp luật, điều kiện thực tế của địa phương nhất là các văn bản hướng dẫn thi hành các Luật. Tích cực triển khai chương trình hành động của địa phương, tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến đông đảo người dân.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và giải quyết vụ việc tồn đọng, kéo dài được tăng cường
Trong năm 2015, toàn ngành tiến hành 2.623 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 8.860 tổ chức, cá nhân trên các lĩnh vực quản lý nhà nước; trong đó, Bộ đã triển khai 94 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 1.154 tổ chức. Kết quả đã xử lý vi phạm hành chính đối với 1.456 tổ chức; thu và truy thu nộp ngân sách 1.649,6 tỷ đồng, kiến nghị thu 8.534 ha đất, 89 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; đôn đốc, kiểm tra thực hiện 849 kết luận thanh tra, kiểm tra. Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện những hạn chế, yếu kém và đã kiến nghị, xử lý kịp thời các vi phạm, góp phần hỗ trợ tích cực trong công tác quản lý nhà nước của ngành TN&MT.
Tổ chức tiếp công dân 5.928 lượt với 8.303 người, tiếp nhận và xử lý 13.510 lượt đơn thư; đã giải quyết xong 2.947/3.810 vụ việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm được giao (đạt 77%). Thẩm tra, xác minh, giải quyết 25 vụ việc trong 29 vụ việc Thủ tướng Chính phủ giao; đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải quyết 17 vụ việc; đang hoàn thiện văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ 08 vụ việc còn lại.
Tổ chức bộ máy của ngành tiếp tục được kiện toàn; chất lượng đội ngũ cán bộ từng bước được nâng cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành
Trong năm 2015, Bộ tập trung phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng ban hành các văn bản hướng dẫn kiện toàn tổ chức của ngành. Hoàn thành Đề án Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đến nay có 42/63 tỉnh, thành phố đã ban hành chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở TN&MT; 31/63 tỉnh, thành phố thành lập Văn phòng đăng ký đất đai, 63/63 Sở TN&MT thành lập Chi cục Bảo vệ môi trường, 33/63 Sở TN&MT thành lập Chi cục Quản lý đất đai, 23/28 Sở TN&MT thành lập Chi cục Biển và Hải đảo, 7/63 Sở TN&MT thành lập Tổ chức phát triển quỹ đất một cấp, 672/674 quận, huyện trên cả nước thành lập Phòng TN&MT.
Công tác cán bộ có nhiều chuyển biến, kỷ cương hành chính được nâng cao; công tác đào đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực tiếp tục được đổi mới bám sát nhiệm vụ của ngành. Các Trường trực thuộc Bộ tiếp tục đổi mới cả về nội dung, hình thức giảng dạy.
Đẩy mạnh cải cách hành chính
Xác định cải cách hành chính (CCHC) là nhiệm vụ trọng tâm của ngành, Bộ đã quán triệt tới các cấp ủy đảng, đơn vị, giao trách nhiệm cho thủ trưởng các đơn vị trong công tác cải cách thủ tục hành chính. Tăng cường kiểm soát, thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Hoàn thành rà soát, chuẩn hóa tên TTHC thực hiện tại 4 cấp chính quyền và khu công nghiệp để cập nhật công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính (TTHC).
Phối hợp với Bộ Tài chính triển khai cơ chế một cửa ASEAN và kết nối cơ chế một cửa quốc gia. Hiện đại hóa hệ thống tiếp nhận và giải quyết TTHC tại Văn phòng một cửa. Chấn chỉnh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính trong toàn ngành; tăng cường phối hợp với địa phương nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực TN&MT.
Ban hành bộ chỉ số theo dõi, đánh giá CCHC tại các Tổng cục, Cục trực thuộc Bộ
Các Sở TN&MT đã phối hợp với các Sở, ngành liên quan tiến hành rà soát, đánh giá tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố ban hành các bộ thủ tục hành chính về các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành; thực hiện tốt công tác một cửa liên thông, duy trì, áp dụng có hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001-2008 trong giải quyết hồ sơ TTHC; đưa vào vận hành, sử dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến mức độ 3. Nhiều địa phương đã rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính so với quy định.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, chủ động hội nhập
Bộ đã tích cực, chủ động đề xuất với Đảng, Nhà nước các đối sách trong đàm phán với các nước, các tổ chức quốc tế góp phần nâng cao vị thế, đảm bảo lợi ích quốc gia trong nhiều thỏa thuận quốc tế như: Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Hiệp định TPP và các hiệp định thương mại tự do khác. Tiếp tục triển khai hiệu quả các điều ước song phương, đa phương, khung hợp tác và kế hoạch hành động đã ký kết với các quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế; tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế nhằm trao đổi kinh nghiệm và vận động tài trợ cho triển khai các nhiệm vụ của ngành, đặc biệt trong điều kiện ngân sách nhà nước rất khó khăn.
Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, nâng cao hiệu quả tuyên truyền trong công tác quản lý tài nguyên và môi trường
Triển khai thực hiện hiệu quả các Chương trình khoa học và công nghệ các cấp nhằm cung cấp các luận cứ khoa học cho việc đề xuất và hoàn thiện khung chính sách, pháp luật; nâng cao chất lượng công tác điều tra cơ bản về tài nguyên; nâng cao chất lượng quan trắc, giám sát, dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn...
Triển khai kế hoạch thực hiện lộ trình dịch vụ công trực tuyến, đẩy mạnh hoạt động CNTT phục vụ cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử; hỗ trợ các Sở TN&MT trong công tác ứng dụng CNTT tại các địa phương và kết nối thống nhất trong toàn ngành.
Tuy vẫn còn một số nhưng tồn tại, khó khăn nhưng với những kết quả trên đã là dấu hiệu đáng mừng cho thấy sự cố gắng nỗ lực và chuyển mình mạnh mẽ của toàn ngành trong năm qua. Bước vào vào năm mới cũng như một giai đoạn mới, ngành TN&MT sẽ tiếp tục khắc phục nhưng khó khăn còn tồn đọng và tiếp tục hoàn thành những sứ mệnh được Đảng và Nhà nước giao cho.