Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Sông Tiền (đoạn khu công nghiệp Mỹ Tho)
Thời gian gần đây, người dân sống ven sông Tiền thuộc tỉnh Bến Tre và Tiền Giang đều rất lo ngại trước cảnh nguồn nước trên dòng sông này càng ngày càng bị ô nhiễm. Trầm trọng nhất là khi các Khu, cụm công nghiệp mọc lên ven sông; vì chạy theo lợi nhuận mà doanh nghiệp cứ xả nước thải, chất thải chưa qua xử lý xuống sông. Trong khi đó, chính quyền và ngành chức năng chưa kiểm soát được việc làm thiếu trách nhiệm này. Nếu phát hiện cũng chỉ xử lý “ cảnh cáo” nhẹ tay.
Ông Nguyễn Văn Lắm, ngư dân cồn Thới Sơn, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang cho biết: “nước ở sông Tiền mấy năm trước thì tốt lắm nhưng khoảng 2 năm nay bị ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng do mấy công ty xả nước thải ra. Chúng tôi nuôi cá bị ảnh hưởng chết nhiều quá. Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng phải có biện pháp buộc các doanh nghiệp không xả nước thải chưa xử lý ra sông, nếu không thì làng cá bè này bị xóa sổ”
Qua kiểm tra, giám sát của ngành chức năng và người dân tỉnh Tiền Giang, Bến Tre cho thấy, hầu hết các nhà máy, cơ sở sản xuất ven sông Tiền đều có ít nhiều xổ xả nước thải chưa qua xử lý xuống sông Tiền. Tại xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre có công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre ( tức công ty đông lạnh 22) thường xuyên xổ nước thải xuống sông với hàm lượng lớn. Đến khi có phản ánh của nhiều hộ dân thì nhưng ngành chức năng mới đến kiểm tra, lập biên biên bản chứ chưa có hình thức xử lý gì.
Ông Lưu Hoàng Trung, Phó chủ tịch UBND xã Tân Thạch cho rằng, việc doanh nghiệp xả nước thải gây ô nhiễm này chưa đến mức xử lý, chỉ nhắc nhỡ. Hướng tới chính quyền địa phương sẽ kết hợp ngành chức năng kiểm tra, giám sát doanh nghiệp này, không để xổ nước thải chưa đạt tiêu chuẩn ra sông Tiền.
Làng cá bè Thới Sơn gây ô nhiễm
Tại khu công nghiệp Mỹ Tho, cụm công nghiệp Trung An, tỉnh Tiền Giang dù hầu hết các doanh nghiệp có đấu nối dẫn nguồn nước thải vào nhà máy xử lý nước tập trung. Theo quy định nước thải phải xử lý đạt tiêu chuẩn A (quy chuẩn của Bộ y tế) thì mới được xổ xả ra sông rạch. Song thực tế nhiều doanh nghiệp chưa xử hoặc xử lý nước thải chưa đạt tiêu chuẩn đã cho xổ xuống sông Tiền mà cơ quan chức năng khó phát hiện.
Tại khu vực xã Bình Đức, sông Thuận, huyện Châu Thành- Tiền Giang thì gần như các doanh nghiệp đều xổ nguồn nước thải xuống sông. Nghiêm trọng nhất là công ty trách nhiệm hữu hạn Thủy sản Đại Thành, Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên chế biến thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức.. lợi dụng lúc trời mưa, đêm tối, nước triều dâng cao mà ngành chức năng và người dân khó phát hiện thì xả nước thải chưa qua xử lý xuống dòng sông làm ô nhiễm dòng nước cả một khu vực.
Lương y Võ Văn Tuấn, xã Trung An, thành phố Mỹ Tho lo lắng: “Việc doanh nghiệp ở các khu, cụm công nghiệp xả khói bụi ra thì chính quyền và người dân phát hiện ngay; còn xổ xả nước ra sông, rạch thì rất khó nhận biết. Hậu quả của vấn đề này thì rất nặng nề, bởi chúng ta sống hoàn toàn không thể thiếu nguồn nước. Sức khỏe của côn người đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Thật ra, việc gây ô nhiễm môi trường từ các doanh nghiệp như: tiếng ồn, khói bụi, mùi hôi… dễ dàng phát hiện. Nhưng đối với việc xả nước thải ra sông Tiền thì rất phức tạp và khó xử lý. Bởi hầu hết doanh nghiệp ven sông đều có lắp đặt hệ thống cống ngầm dưới mực nước, xung quanh bờ sông có trồng cây lục bình, cây cỏ để “ngụy trang”. Khi phát hiện, ngành chức năng phải lấy mẫu, kiểm nghiệm nếu vượt tiêu chuẩn cho phép mới được xử phạt. Điều đó chưa nói một số trường hợp doanh nghiệp xả nước ô nhiễm xuống sông, rạch nhưng chính quyền và ngành chức năng địa phương chưa mạnh dạn xử lý, thậm chí có biểu hiện “bảo kê”.
Minh chứng như trường hợp của công ty May cây Dừa tại xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre đã xổ xả nước thải, hóa chất… xuống kênh rạch nhiều năm liền. Qua phản ánh của người dân, đầu năm 2014, Thanh tra Sở Tài nguyên-Môi trường kiểm tra, phát hiện sai phạm; đồng thời kiến nghị UBND tỉnh Bến Tre xử phạt trên 600 triệu đồng. Song đến nay, UBND tỉnh Bến Tre vẫn chưa ra Quyết định xử phạt và vụ việc kéo dài, hết thời hiệu xử phạt nên doanh nghiệp này cứ nhởn nhơ !. Đối với người dân thì nhiều người cho rằng sông Tiền không của riêng ai nên cứ vứt phế thải, chất thải xuống sông, không tố cáo doanh nghiệp xả nước bẩn xuống sông…
Ngoài các doanh nghiệp thì nhiều cơ quan có nguồn nước thải nguy hại rất lớn cũng trút xuống dòng sông nhất là bệnh viện, chợ, cảng cá, các khu đông dân cư.. gây gánh nặng cho dòng sông Tiền.
Doanh nghiệp tại Bến Tre xả thải thẳng ra sông
Theo kết quả quan trắc hàng năm của Sở Tài nguyên- Môi trường tỉnh Tiền Giang cho thấy, nguồn nước sông Tiền đang ô nhiễm trầm trọng, nhất là khu vực gần trung tâm thành phố, gần khu, cụm công nghiệp. Trong đó, hàm lượng dầu mỡ, sắt, vi sinh… vượt nhiều so với quy định.
Ông Phạm Chí Vũ, Chủ tịch Hội Đồng quản trị Công ty cấp nước Bến Tre cho rằng: “ đa số nguồn nước mà nhà mày xử lý do người dân sử dụng ở tỉnh Bến Tre đều là nước mặt (do nguồn nước ngầm nhiễm mặn). Thế nên, nguồn nước mặt bị ô nhiễm làm tăng chi phí xử lý nước, từ đó giá thành tăng lên. Nếu xử lý không đạt tiêu chuẩn thì rất có hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Nên trách nhiệm bảo vệ nguồn nước ở song rạch là của cả cộng đồng”.
Hiện nay, nguồn nước sông Tiền có vai trò rất quan trọng trong cuộc sống người dân. Ngoài việc phục vụ nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, phục vụ sản xuất kinh doanh các nhà máy… nước sông Tiền còn phục vụ cho việc sinh họat, thậm chí nấu ăn của một bộ phận dân cư. Lo ngại nhất là tại tỉnh Bến Tre do nguồn nước ngầm khan hiếm nên hàng chục nghìn hộ dân các huyện Bình Đại, Ba Tri, Giồng Trôm, Châu Thành… phải sử dụng nước sông để lắng lọc nấu ăn. Nhà máy nước Đô thị tỉnh Tiền Giang cũng phải lấy nước sông Tiền để xử lý phục vụ cho nhu cầu sinh họat của nhiều địa phương trong tỉnh. Do đó, việc bảo vệ nguồn nước sông Tiền trước nguy cơ ô nhiễm ngày càng nặng đang là vấn đề đặt ra cấp thiết.
Để hạn chế vấn đề ô nhiễm dòng nước sông Tiền thì có hàng lọat vấn đề đặt ra, có liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp và nhiều địa phương. Trong đó, công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của nguồn nước này đối với cuộc sống là vấn đề tiên quyết. Từ đó, mọi người ý thức cùng nhau ra sức bảo vệ dòng sông. Đối với chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ quan, doanh nghiệp và có biện pháp mạnh để ngăn chặn triệt để tình trạng xổ xả nước thải chưa qua xử lý xuống dòng sông Tiền.
Theo Lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang, do trước đây để thu hút đầu tư nên địa phương chưa đặt nặng vấn đề tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Do đó khu công nghiệp Mỹ Tho hiện nay đã phát sinh nhiều bất cập. Tỉnh có chủ trương di dời một số doanh nghiệp gây ô nhiễm về nước thải, chất thải và khí thải ở khu công nghiệp này đến vùng Đồng Tháp Mười thuộc huyện Tân Phước.
Nuôi cá trên sông gây ô nhiễm
Theo các chuyên gia môi trường thì để cứu vãn tình hình ô nhiễm nguồn nước sông Tiền cũng như hệ thống sông ngòi ở nước ta nói chung thì đến lúc phải “ xã hội hóa” công tác bảo vệ môi trường. Mọi ngành, mọi cấp và mọi người phải nhận thức được việc phát triển kinh tế không phải bằng mọi giá. Mà sản xuất kinh doanh phải thân thiện với môi trường. Khi xây dựng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nhà đầu tư phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động để kiểm soát môi trường. Hệ thống này, sẽ giúp chủ doanh nghiệp thấy được khả năng xử lý nước thải, chất thải của nhà máy để tự điều chỉnh.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Trung tâm quan trắc môi trường – Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tiền Giang chia sẻ: “ Bây giờ sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường rất lớn. Mà doanh nghiệp không phải lúc nào cũng tuôn, tuôn ra môi trường gây ô nhiễm mà nó tuôn theo thời gian. Đôi khi sản lượng quá nhiều vượt qua mức độ xử lý nên hệ thống quan trắc cảnh báo liền để điều chỉnh được sản xuất. Quan trắc tự động làm việc suốt, nó cảnh báo để điều chỉnh đầu vào hoặc nâng cấp hệ thống này lên. Chính cái quan trắc tự động cảnh báo cho doanh nghiệp nên phải tuân thủ”.
Do đó, bảo vệ nguồn nước sông Tiền đang là vấn đề đặt ra cấp thiết. Không chỉ riêng tỉnh Tiền Giang- Bến Tre mà các địa phương khác cần có biện pháp phối hợp ngăn ngừa tình trạng làm ô nhiễm dòng sông. Có như thế mới bảo vệ tốt dòng sông than yêu, phục vụ đắc lực cho cuộc sống của chúng ta hôm nay và thế hệ mai sau.