Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Thuyền chuối chạy lũ
Đứng trước cánh đồng nước mênh mông tại chợ thôn Tân Đông (đối diện UBND xã Quảng Hải-Quảng Trạch-Quảng Bình, tôi cứ ngỡ nước lụt đợt đầu tháng 10/2010 đang dần rút, nhưng anh Nguyễn Minh Anh, 40 tuổi, ngụ thôn Tân Đông, cho biết đấy là nước bắt đầu lên lại: “Lên từ tối hôm qua cơ, 15/10. Đây là đợt lụt thứ hai, chỉ cách đợt lũ lụt thứ nhất (7-10/10) sau vài ngày”
Tác giả (trái) trao đổi với người dân tại hợ thôn Tân Đông –xã Quảng Hải (nước dâng bắt đầu lên).
Để ý kỹ mới thấy đúng là bà con đang chuẩn bị chạy lũ. Con đường bê tông liên thôn và trụ sở UBND xã Quảng Hải là địa điểm cao ráo còn lại để dân và trâu bò tránh lũ lụt. Sân trụ sở UBND xã, nước và bùn non lũ đợt một còn đọng lại, tài liệu bị ướt còn đang tranh thủ phơi hong.
Bò của các gia đình từ hai thôn Tân Đông và Tân Thượng lần lượt đưa về lấp kín dần hành lang khu văn phòng. Hội trường là chỗ làm kho chứa hàng chứa hàng cứu trợ và để trẻ em, người già tránh lũ lụt.
Bên ngoài trụ sở xã, con đường bê tông đã mấp mé nước đục ngầu phù sa. Dập dềnh bên đường là những chiếc thuyền chuối, phương tiện để vận chuyển chạy lũ.
Chuối được chặt hết cành, lấy ba đến bốn thân kẹp với nhau bằng thanh gỗ ở phần đầu, giữa và cuối bằng dây thừng, dây cước. Chưa hết 30 phút, tôi đã chứng kiến một người đã làm xong thuyền chuối.
Bò của các gia đình từ hai thôn Tân Đông và Tân Thượng lần lượt đưa về hành lang khu văn phòng UBND xã.
“Toàn xã có 671 hộ, trong đó có 210 hộ nghèo, trên 3.355 nhân khẩu, hầu hết sống chủ yếu bằng nghề làm ruộng, khi nông nhàn thì đi rừng hái lá cọ để làm nón” , ông Đoàn Xuân Kiên-Chủ tịch UBND xã Quảng Hải, cho biết.
Bà Cao Thị Luyến, 53 tuổi, thôn Tân Thượng, tâm sự trong nỗi buồn: “Biết là lũ lụt không có phương tiện sẵn có trong nhà là điều bất tiện, nhưng để có một chiếc thuyền nan tre phải tốn hai triệu đồng. Tiền mô mà có, khổ lắm ri”.
Dập dềnh bên đường là những chiếc thuyền thuyền chuối, phương tiện để vận chuyển chạy lũ.
Anh Trần Tiến, 46 tuổi, cùng thôn với bà Luyến “Cứ chữa cháy với lũ lụt bằng bè chuối này, ra răng thì ra”.
…và thức ăn cho gia súc
Ngoài cỏ và rơm, thân chuối là thức ăn độc nhất vô nhị cho trâu, bò ở vùng lũ. Trên sân và dọc hành lang trụ sở UBND xã Quảng Hải, thay vì rơm rạ, la liệt thân và bẹ chuối. Những con bò vẫn nhẫn nại ăn bằng thân cây chuối thái mỏng.
Bò- vẫn nhẫn nại ăn bằng thân cây chuối thái mỏng.
“Đồng ruộng chìm trong nước, lấy đâu ra cỏ cho bò ăn. Ụ rơm phơi khô dành mùa đông cho bò cũng bị ngập”, hai chị em Nguyễn Văn Mến (22 tuổi) và Nguyễn Thị Thu liên (30 tuổi) vừa nói vừa khuân nong chuối cây thái mỏng lên cho bò ăn.
“Cha mẹ cho vợ chồng em con nghé cái để nuôi lớn để sinh sản làm vốn. Mấy ngày lụt vừa qua, chỉ ăn toàn thứ này, không biết nó có sống nổi không”, chị liên cúi gằm xuống đống chuối.
Chị em Nguyễn Văn Mến và Nguyễn Thị Thu liên, khuân nong chuối cây thái mỏng lên cho bò ăn.
Không riêng gì nhà chị Liên, nhiều đình khác cũng vậy, thức ăn cầm chịch trong đợt lũ này cho trâu bò không gì khác ngoài cây chuối, phương tiện di chuyển trong những ngày lũ.
Chợt thấy, phương tiện cứu sinh cứu đói tự nhiên và tự phát này được trồng không bao nhiêu ở vùng túi mưa chảo lửa này. Xem ra mọi thứ, ngay cả thứ cứu nạn những lúc nguy nan, vẫn chưa thấy ai lo xa cho bà con, chắc không chỉ ở tỉnh Quảng Bình.