Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Chợ Kim Biên (quận 5, TP HCM) từ lâu được mệnh danh là chợ “tử thần” hay là “kho bom giữa lòng TP”. Có đến cả trăm cửa hàng kinh doanh hóa chất, phụ gia chế biến thực phẩm công nghiệp mà bất kỳ ai nấu món gì cũng được đáp ứng.
Hóa chất, phụ gia chế biến thực phẩm bày bán ở chợ Kim Biên
Thịt thối thành tươi ngon
Vừa bước vào đường Phùng Hưng (bên hông chợ), mùi hóa chất xộc thẳng vào mũi. Chỉ 8 giờ sáng, đã có hàng chục xe máy “cà tàng” đứng đầy các sạp hàng phía ngoài chợ để bốc dỡ hóa chất. Rất nhiều thùng, can, chai nhựa chứa hóa chất bao quanh khu chợ. Đa phần mặt hàng ở đây đều không nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ. Trên các sản phẩm chỉ ghi dòng chữ nguệch ngoạc: “Mùi dâu”, “Mùi vani”, “bột rục xương”, “viên pha rượu XO”… Tại một số cửa hàng, nhiều sản phẩm nằm trong danh mục hạn chế sử dụng hoặc cấm sử dụng vẫn được bày bán.
Trong vai một người muốn mua phụ phẩm về kinh doanh quán bún, chúng tôi vào sạp hàng P.L đối diện chợ Kim Biên. Khi hỏi mua phụ gia cô đặc chế biến món bún bò Huế, một phụ nữ tên Lan vội chạy vào phía trong lấy ra bao bột màu trắng. Trước khi đưa sản phẩm, bà Lan khẽ giọng: “Mua ở đây lần nào chưa?”. Chúng tôi đáp: “Có người anh mua thường xuyên nên giới thiệu qua địa chỉ của chị”. Nghe vậy, bà Lan cười tươi, báo giá gói làm ngọt nước thịt chỉ 40.000 đồng/100 g. Nếu thịt thối muốn tươi ngon thì chọn loại 80.000 đồng/100 g… “Mỗi lần nấu, bỏ một ít bột màu trắng để tạo độ ngọt, còn thịt chỉ rải như hạt nêm lên bề mặt!” - bà Lan chỉ dẫn.
Chúng tôi đưa gói bột lên mũi ngửi, lập tức mùi nồng, tanh xộc tới óc. Bà Lan trấn an: “Không vấn đề chi đâu! Đây là hàng Trung Quốc chất lượng cao. Dân bán bún, hủ tiếu lấy hàng của chị thường xuyên. Chị bán ở đây mấy chục năm, có chuyện gì cứ tới đây mắng vốn, chị đền đủ”.
“Phù phép” thực phẩm bẩn
Vào sạp hàng kế bên sạp P.L, chúng tôi được ông chủ tên Hùng giới thiệu từng loại sản phẩm: hương liệu pha sữa đậu nành, chất tạo mùi cà phê, hương thịt gà, hương thịt bò… Thấy khách lưỡng lự về sản phẩm, ông Hùng nói ngay: “Ở Sài Gòn có hàng ngàn cửa hàng phở, hủ tiếu, bún…, làm gì đủ xương bò, heo mà nấu. Muốn nồi nước lèo ngon nhưng cho lời nhiều thì chỉ cần chút xíu bột này là đủ”. Ông Hùng còn tận tình hướng dẫn mỗi lần nấu nồi phở bò 20 lít, chỉ cho vào 1 muỗng bột hương thịt bò. Còn muốn có màu nước đẹp thì cho thêm bột màu sa tế, bảo đảm nồi nước lèo đỏ au, thơm, béo. Trao tận tay chúng tôi mấy thứ phụ gia trên, ông Hùng mời chào mua thêm ít chất tạo mùi cà phê để về bán quán nước giải khát nhằm tăng thu nhập. Giá mà ông đưa ra cho gói bột màu đen có mùi na ná cà phê rang chỉ 250.000 đồng/kg.
Theo ghi nhận của chúng tôi, các cửa hàng kinh doanh hóa chất ở khu vực chợ Kim Biên còn bán khá nhiều nước xả quần áo, nước rửa chén nhái thương hiệu nổi tiếng. Giá cả của các mặt hàng này chỉ dao động từ 50.000-100.000 đồng/can 10 lít, rẻ hơn sản phẩm chính gốc 10 lần. Đa phần người mua khá thân quen với người bán. Họ chỉ cần dừng xe máy trước sạp, chủ hàng đã biết muốn mua gì. Nhìn chung, mỗi cửa hàng có cả trăm sản phẩm hóa chất, phụ gia. Nhiều nhất là những sản phẩm dùng vào việc pha chế thực phẩm.
Người ta gọi chợ Kim Biên là “chợ tử thần” cũng có lý. Mỗi khi muốn “phù phép” các loại thực phẩm bẩn, chỉ cần tìm đến đây! Nói như lời của bà Lan: “Muốn kinh doanh lời thì tới đây mua hàng giá rẻ. Hàng trăm quán ăn, cửa hàng tới đây mua ở sạp chị mỗi ngày”.
Nổi tiếng… xấu
Theo thống kê của UBND quận 5, hiện khu vực chợ Kim Biên có đến 76 doanh nghiệp và 36 cá thể kinh doanh hóa chất. Trong đó, bên trong chợ có 14 sạp hàng, số còn lại nằm bên ngoài, ở các tuyến đường Gò Công, Vạn Tượng, Kim Biên, Phan Văn Khỏe… Nơi đây không chỉ cung cấp nguồn hàng cho TP HCM mà còn phân phối toàn miền Nam.
Ông Trần Ngọc Hiệp, Trưởng Ban Quản lý chợ Kim Biên, cho biết đến nay chỉ mới vận động được tiểu thương kinh doanh mặt hàng cháy nổ từ bên trong chợ ra bìa ngoài chợ. Trong khi đó, dù nhiều lần vận động bà con tiểu thương dừng hẳn việc kinh doanh hóa chất để di dời đi nơi khác thì họ không chịu nên cũng chưa biết tính sao. UBND quận 5 cũng xác nhận đã nhiều lần vận động tiểu thương, chủ doanh nghiệp dời việc kinh doanh sang địa chỉ mới nhưng họ không đồng ý. “Chủ trương di dời đã được UBND quận đề ra cách đây 5 năm nhưng không thực hiện được. Đã nhiều lần quận cử cán bộ xuống kiểm tra, quản lý về việc kinh doanh hóa chất, bảo đảm PCCC. Hầu hết các doanh nghiệp, cá thể kinh doanh đều xuất trình được giấy phép kinh doanh” - một lãnh đạo UBND quận 5 nói.
Theo Sở Công Thương TP HCM, trước đây, sở ủy quyền cho Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH một thành viên (SATRA) tìm vị trí mới di dời chợ Kim Biên. Ban đầu, SATRA chọn chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền nhưng do địa điểm này không thích hợp nên chọn địa điểm mới gần KCX Linh Trung (quận Thủ Đức). Dù vậy, các phương án và kế hoạch di dời chợ Kim Biên đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Trong khi chính quyền, cơ quan chức năng vẫn đang “loay hoay” thì ngôi chợ nổi tiếng xấu về kinh doanh hóa chất, phụ gia thực phẩm bẩn này vẫn cứ tồn tại trong sự lo lắng của người dân.
Chỉ bán cho khách quen
Không khó để mua hóa chất trôi nổi, phụ gia, hương liệu chế biến thực phẩm không rõ nguồn gốc tại khu vực chợ Kim Biên. Tuy nhiên, khi trả lời câu hỏi vì sao việc mua bán này lại diễn ra công khai, tấp nập như thế thì một vị lãnh đạo UBND quận 5 lại nói: “Mấy mặt hàng đó họ giấu nơi khác. Chỉ có khách quen mới bán, người lạ họ không đưa ra đâu. Đó cũng là cái khó cho việc quản lý, xử lý vi phạm”.
Sao khó thế!
Chợ hóa chất Kim Biên được thành lập năm 1960. 55 năm tồn tại, ngôi chợ này khá nổi tiếng với việc kinh doanh hóa chất phục vụ chế biến thực phẩm độc hại. Không chỉ thế, nó còn được mệnh danh là “chợ tử thần” bởi nguy cơ cháy nổ luôn rình rập, đe dọa tính mạng người dân nơi đây.
Từ nhiều năm qua, người dân, cử tri TP nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng di dời chợ Kim Biên, không để tồn tại ngôi chợ độc hại này trong lòng TP. Tại kỳ họp HĐND TP HCM mới đây, cử tri tiếp tục đề nghị TP nhanh chóng di dời “kho bom hóa chất” lớn nhất cả nước ra khỏi khu dân cư.
Lo lắng của người dân là có cơ sở bởi cuối năm 2014 đã xảy ra một vụ nổ hóa chất tại Công ty Phân bón Đặng Huỳnh (quận 12) khiến 3 người thiệt mạng và hư hỏng hơn 150 căn nhà. Ngay sau vụ nổ, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân đã giao Sở Công Thương chủ trì phối hợp cùng các sở, ngành nhanh chóng xây dựng đề án quy hoạch trung tâm kinh doanh hóa chất để di dời các hộ sản xuất, kinh doanh hóa chất ra khỏi khu dân cư ngay trong năm 2014. Theo đó, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH một thành viên (SATRA) được giao sắp xếp xây dựng khu chợ để di dời các cơ sở kinh doanh hóa chất nằm trong khu dân cư ở trên địa bàn TP, trong đó có chợ Kim Biên. Về thời điểm di dời chợ Kim Biên, UBND TP yêu cầu thực hiện từ tháng 2-2015.
Thực hiện chỉ đạo này, UBND quận 5 đưa ra phương án chuyển các cơ sở kinh doanh hóa chất về Trung tâm Thương mại Đông Phương - quận 5 (thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam). Tuy nhiên, các hộ kinh doanh không đồng ý vì lý do chi phí thuê mặt bằng cao, vị trí buôn bán không thuận lợi như ở chợ làm ảnh hưởng đến nguồn thu. Vì thế, cho tới nay việc di dời vẫn chưa được thực hiện.
Đến tháng 7-2015, thêm một lần nữa, UBND TP chỉ đạo các sở Công Thương, y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan; UBND các quận, huyện rà soát, tiến hành quy hoạch khu tập trung kinh doanh hóa chất để di dời cơ sở kinh doanh hóa chất ra khỏi khu dân cư, trong đó có chợ Kim Biên. Mới đây nhất, tháng 9-2015, Sở Công Thương đề nghị SATRA báo cáo tiến độ thực hiện di dời nhưng như đã nói ở trên, đơn vị này vẫn chưa hoàn thành phương án, kế hoạch di dời.
Vấn đề di dời chợ hóa chất Kim Biên tiếp tục giậm chân tại chỗ khiến người dân thấp thỏm bởi chậm di dời thêm ngày nào thì người dân còn đối diện với tử thần thêm ngày đó. Người dân bức xúc vì không biết đến bao giờ, chỉ đạo của UBND TP được các sở ngành, quận, huyện và các bên liên quan thực hiện có hiệu quả.
Đại hội Đảng bộ TP HCM lần thứ X đề ra mục tiêu xây dựng TP HCM có chất lượng sống tốt. Thế nhưng, miếng ăn, sự an toàn vẫn chưa được bảo đảm thì làm sao có chất lượng sống tốt?