Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Long đong phận thuyền phao

(19:40:06 PM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - Ngay cả khi ba tỉnh Bắc Trung Bộ ngập mênh mông hầu như suốt từ đầu tháng 10 đến nay, tịnh vẫn không thấy bóng dáng những chiếc thuyền thiết kế theo mô hình thuyền phao độc đáo mà tác giả của nó đoạt bốn giải thưởng và được cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích. Vì sao vậy?

Kỳ 1. Cứu sinh cho kẻ lạc thúng

 

Đầu chiều 16-10 tuần trước bên cửa biển Nhật Lệ của tỉnh miền trung Quảng Bình, mưa quất tới tấp từ bầu trời nặng trịch xám ngoét. Nhằm ngày ba tỉnh Bắc Trung Bộ bắt đầu hứng đợt lũ lụt lịch sử thứ hai trong vòng nửa tháng, hai chiếc thuyền phao được đem ra đọ với chiếc thuyền thúng cổ truyền về khả năng chìm nổi.

 

 

Ảnh: Nước tràn vào, rồi lật úp, thuyền phao vẫn không chìm ở cửa sông Nhật Lệ

 

Thuyền thúng đấu thuyền phao

 

Ba thanh niên địa phương được thuê 150.000 đồng/người đánh vật với ba chiếc thuyền giữa sóng cả, một thuyền thúng cố truyền và hai thuyền phao cũng tròn như thuyền thúng. Nhiệm vụ của họ với mái chèo trên tay là làm sao cho chúng chìm.

 

Giữa những con sóng cao gần nửa mét đục ngầu phù sa, chiếc thuyền thúng truyền thống bị dậm chân một bên. Nó trao liệng một cái, sóng táp một phát, nước đầy ắp. Chỉ còn hở cái vành thúng đen sẫm trên mặt nước đỏ ngầu. Một thanh niên nhảy vào thì nó chìm dần…

 

Chủ nhân của chiếc thuyền phao đường kính 1,8-2,0m giá 4 - 4,5 triệu đồng/chiếc là một nhà khoa học tóc bạc trắng vốn theo nghề không liên quan gì đến sông nước. Kỹ sư Nguyễn Xuân An là một nhà địa chất, một cuốn bách khoa từ điển biết đi về đá quý và hiện đóng chức Chủ tịch Hội Đá quý Việt Nam.

 

Chẳng ai đoái hoài gì đến cái thuyền phao, công trình trái tay của ông, cho đến khi biết ông được cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích hẳn hoi hồi cuối năm ngoái (số 754 ngày 19-1-2009).

 

Suốt bốn năm kể từ ngày đăng ký tại Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học&Công nghệ), người ta đối chiếu, so sánh công trình của ông với những gì có sẵn trên thế giới liên quan đến thuyền. Cuối cùng các chuyên gia thấy giải pháp của KS Nguyễn Xuân An giống  một người Anh đầu thế kỷ 20, tức là cũng về giải pháp thuyền không bao giờ chìm. Vấn đề ở chỗ, kỹ thuật chế tạo van, cơ cấu quan trọng nhất để thuyền không thể chìm, của hai tác giả không giống nhau.

 

Thứ hai, KS An áp dụng kỹ thuật này trên thuyền thúng truyền thống của Việt Nam. Sở hữu thuyền thúng hóa ra không chỉ Việt Nam. Thuyền thúng cũng có từ lâu tại các nước Ấn Độ, Iraq, vùng Tây Tạng, và ở Anh Quốc, Irland, Scotland, v.v…

 

Nhưng, đáng chú ý, chưa nước nào trên thế giới lại chứng kiến chiếc thuyền thúng phao (buoyant coracle). Hơn nữa, kết cấu như của KS An lại càng chưa. Các mô hình như thuyền phao (buoyant boat), thuyền phao thân cứng (buoyant rigid hulled boat), v.v…, thế giới đã có đầy và hiện đại.

 

Ngay cả khi chưa được cấp bằng độc quyền, ông vẫn mạnh dạn mang sản phẩm ra thử tại một số cuộc thi thì thảy đều đoạt giải cao. Hết cúp vàng techmart Việt Nam của Bộ Khoa học&Công nghệ tháng 9-2007 lại đến giải nhất giải thưởng sáng tạo kỹ thuật ngành thủy sản của Bộ Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn tháng 12-2007. Hết giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ của Quỹ VIFOTEC đầu tháng 4-2008 đến bằng lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cuối tháng 4-2008…

 

Cứu người lạc thúng

 

Tại cửa sông Nhật Lệ mênh mông nước đến tận chân trời buổi chiều cuối tuần trước, để phòng trường hợp xấu nhất, ba thanh niên vẫn được yêu cầu mặc áo phao chuyên dụng để họ yên tâm đánh chìm bằng được chiếc thuyền phao.

 

Thực ra, trong bộ đồ nghề đầy đủ đi cùng chiếc thuyền phao, có trang bị hẳn dây nối gọi là dây an toàn, một đầu buộc vào thành thuyền, một đầu móc vào đai vải hoặc da quấn ngang eo lưng người đi thuyền. Cơ cấu đó khiến cho người và thuyền không bao giờ cách ly nhau ngay cả khi người ngã xuống nước hay thuyền bị lật.

 

Thực tế cho thấy, khi thuyền bị sóng đánh hoặc lật úp, người trên thuyền bị văng ra khỏi thuyền và rơi vào tình trạng mà dân miền Trung hay gọi là lạc thúng. Mỗi khi lạc thúng, thuyền chìm, người không biết bơi cũng chìm luôn. Với người biết bơi, nếu lạc thúng xa quá cũng khó thoát khỏi kiệt sức, thậm chí tử vong, do không có phao cứu sinh để bám.

 

Theo thống kê, lạc thúng là nguyên nhân khiến gần 70 thanh niên ở ba thỉnh thành Quảng Nam, Quảng Ngãi, và Đà Nắng mất tích khi câu mực đại dương bằng thuyền thúng trong vòng năm năm đầu thế kỷ 21.

 

Lạc thúng cũng khiến 246 ngư dân bỏ mạng trong bão Chanchu tháng 5-2006 và chỉ tìm được 20 thi thể, khiến 43 người chết trong vụ chìm đò ngang ở xã Quảng Hải, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đầu năm 2009, v.v...

 

Trước sự chứng kiến của gần 50 người gồm các nhà khoa học và các nhà báo dưới trời mưa tầm tã, ba thanh niên thi nhau đánh võng trên chiếc thuyền thúng phao. Chẳng mấy chốc, nước cũng tràn đầy thuyền. Nhưng nó không chìm nghỉm như chiếc thuyền thúng truyền thống. Thay vào đó, cả cái vành thuyền trắng xóa vẫn nhô cao hẳn trên mặt nước.

 

Nghe lệnh thuyền trưởng Nguyễn Xuân An, họ tháo một cái van ở giữa thuyền. Thế nào mà chỉ chốc lát sau, thuyền lại nổi bềnh lên nữa. Ba thanh niên lại nhảy, lại lắc, chiếc thuyền thủng đáy giữa vẫn không chịu chìm.

 

Chiếc van to bằng cái nồi ăn cơm nặng bằng đĩa xôi có ngọn được yêu cầu lắp lại vào đáy thuyền. Tát nước, thuyền trở lại trạng thái ban đầu. Lại nghe hiệu lệnh, ba chàng ngư phủ nhảy ra khỏi thuyền, lật úp. Nó vẫn không chìm.

 

Với các vòng dây gắn ở vành thuyền, gọi là quai phao, buộc thõng ngoài thuyền để làm chỗ đeo bám cho người dưỡi nước khi gặp nạn, chỉ cần một người cũng có thể lật thuyền ngửa trở lại.

 

(Còn nữa)

Theo Quốc Dũng/TP