Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Một trong những nguyên nhân chính là do vườn rẫy canh tác của bà con dân tộc chưa phát huy được hiệu quả kinh tế bởi trình độ thâm canh còn thấp, nhất là diện tích trồng cây cà phê. Những hộ bán, cho thuê đất vườn rẫy trong các vùng dân tộc thiểu số cũng thuộc nhiều dạng; hộ khó khăn thì lấy tiền để sửa sang lại nhà cửa, hộ khá giả thì lấy tiền để mua sắm các loại đồ dùng sinh hoạt cho gia đình như xe máy, ti vi, tủ lạnh...
Cho thuê đất sản xuất, người dân Gia Lai thiếu đất canh tác
Hộ ông K'pah Bơ ở làng Lê Ngol thuộc xã Ia Tiêm (huyện Chư Pưh) cho một hộ gia đình ở nơi khác thuê 1 ha cà phê để chăm sóc và thu hoạch trong thời gian 7 năm, với số tiền được trả một lần là 80 triệu đồng. Sau khi vườn rẫy cà phê được cho thuê thì năng suất vườn cây cao hơn hẳn, đạt đến hơn 5 tấn nhân/ha, bởi được đầu tư chăm sóc tốt; tính ra chỉ qua 3 mùa thu hoạch đầu là thu hồi lại vốn, còn lại 4 mùa tiếp theo thì người thuê được hưởng trọn vẹn. Ông K'pah Bơ cho biết: Nhà mình còn nhiều đất canh tác và không đủ sức làm hết, hơn nữa vườn cà phê của nhà mình trước đây thiếu sự chăm sóc thâm canh theo khoa học nên phát triển rất kém. Đến mùa thu hoạch chẳng còn dôi dư là bao nên mình quyết định cho thuê...
Nhà chị K'sor H'léh ở làng Nái cũng chỉ có vỏn vẹn 300 cây cà phê nhưng cũng có người đến đặt vấn đề thuê lại để cải tạo và chăm sóc tốt hơn trong thời hạn 5 năm. Giá cả được 2 bên thống nhất, họ đầu tư làm cho chị một ngôi nhà cấp 4 chưa đến 50m2 có trị giá chừng vài chục triệu đồng và toàn bộ sản lượng cà phê cho thu hoạch trong vòng 5 năm thì người thuê được quyền hưởng lợi tất cả. Chị H'Léh tâm sự: Điều kiện kinh tế của gia đình mình còn nhiều khó khăn, vườn cà phê thu hoạch qua mấy mùa nhưng cũng chẳng có dôi dư để sửa chữa lại ngôi nhà. Nay mình quyết định cho thuê để có được mái nhà vững chắc hơn, còn vợ chồng mình sẽ đi làm thuê kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống.
Ở huyện Đăk Đoa, qua điều tra của những năm gần đây đã cho con số đáng bảo động. Toàn huyện đã có đến gần 900 hộ gia đình trong các buôn làng dân tộc cho thuê đất canh tác với tổng diện tích khoảng 400ha; có 272 hộ bán đất vườn rẫy với diện tích 177 ha; ngoài ra còn có rất nhiều hộ đến mùa vụ thu hoạch còn phải bán non sản phẩm các vườn cây cho các thương lái. Đối tượng thuê đất, mua đất trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu là những người dân sinh sống trên địa bàn có điều kiện về kinh tế; họ mua, thuê để trồng phát triển các loại cây công nghiệp đang có giá như cà phê, hồ tiêu...
Tuy toàn tỉnh chưa có con số thống kê cụ thể về thực trạng bán đất, thuê đất vườn rẫy canh tác trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, song cũng đang trong tình trạng báo động và các cấp, các ngành cần sớm chủ động có những biện pháp ngăn chặn kịp thời để tránh những hệ lụy có thể xảy ra trong tương lai không xa. Được biết, hiện nay tỉnh đã chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương và các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trong dân, trên cơ sở điều tra nắm bắt từ nhu cầu thực tế để có những giải pháp tích cực và phù hợp như về mức hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật thâm canh...nhằm giúp cho các hộ còn nghèo khó, giữ lại vườn cây để chăm sóc tốt hơn.