Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Tọa đàm “Gỗ lậu qua góc nhìn báo chí: Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp”

(15:05:29 PM 17/12/2015)
(Tin Môi Trường) - Ngày 16/12, tại Hà Nội, Tổ chức Forest Trends phối hợp với Trung tâm Con người và Thiên nhiên đã tổ chức Tọa đàm “Gỗ lậu qua góc nhìn báo chí: Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp”. Tọa đàm đã thu hút đông đảo phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí tham dự.

Tọa đàm “Gỗ lậu qua góc nhìn báo chí: Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp”

Tọa đàm “Gỗ lậu qua góc nhìn báo chí”.( Ảnh PanNature)


Để đánh giá về hiệu quả của công tác báo chí đối với việc phòng, chống gỗ lậu và bảo vệ rừng, Tổ chức Forest Trends cùng Trung tâm Con người và Thiên nhiên đã tiến hành phân tích 1.300 bài báo về chủ đề gỗ lậu được xuất bản trên 11 tờ báo điện tử trong giai đoạn 2011-2013. Bên cạnh đó, thông tin đầu vào cho đánh giá được thu thập từ các cuộc phỏng vấn thực hiện năm 2015 với một số cán bộ quản lý các cơ quan báo chí, một số nhà báo và những người làm việc trực tiếp với báo chí.


Qua đó cho thấy các cơ quan báo chí đã có sự quan tâm lớn đối với chủ đề gỗ lậu. Tình trạng gỗ lậu thường xảy ra tại các địa phương còn nhiều diện tích rừng tự nhiên, đặc biệt là rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, với các loại gỗ chủ yếu là nhóm 1 và nhóm 2 có giá trị trên thị trường. Theo các bài báo, gỗ lậu tồn tại bởi những hộ dân nghèo sống gần rừng cần nguồn thu từ gỗ để duy trì sinh kế. Lý do cán bộ địa phương không làm tròn trách nhiệm quản lý, thông đồng với các đối tượng tham gia, nhằm hưởng lợi cá nhân. Gỗ lậu tồn tại còn do cơ quan chức năng thiếu nguồn lực để thực hiện chức năng của mình. Mặt khác nhu cầu thị trường về sản phẩm gỗ có nguồn gốc tự nhiên cao.


Tuy vậy, các bài báo viết về gỗ lậu tập trung chủ yếu ở dạng cung cấp thông tin về các vụ gỗ lậu, mà chưa có những phân tích sâu nguyên nhân; số lượng các bài phóng sự điều tra, bình luận còn hạn chế. Thông tin mà báo chí được cung cấp hầu hết từ cơ quan quản lý, hoặc thông qua hội nhị, hội thảo… Do đó hạn chế nỗ lực chung của xã hội trong bảo vệ môi trường, phòng chống gỗ lậu. Nguyên nhân nữa là khó khăn về thời gian, tài chính và kiến thức chuyên môn dẫn đến sự hạn chế về số lượng các bài báo có sức nặng về chủ đề gỗ lậu.


Phản biện về kết quả Báo cáo đánh giá “Gỗ lậu qua góc nhìn báo chí: Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp”, nhà báo: Lê Quốc Minh, Tổng biên tập VietnamPlus; Trần Lệ Thùy, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Phát triển cùng nhiều nhà báo tham dự tọa đàm cho rằng, Báo cáo đánh giá của Tổ chức Forest Trends cùng Trung tâm Con người và Thiên nhiên thực hiện đã nêu rõ được thực trạng vấn đề gỗ lậu được các cơ quan báo chí Việt Nam phản ánh trong thời gian qua; đồng thời đã chỉ ra những hạn chế và giải pháp nâng cao chất lượng các bài báo viết về chủ đề này.


Tuy vậy, do việc tiến hành phân tích đánh giá các bài báo viết về chủ đề này trong giai đoạn 2011-2013, do đó chưa phản ánh được đầy đủ số lượng và chất lượng của các bài báo viết về chủ đề gỗ lậu trong thời gian gần đây, nhất là trong khi số lượng báo, tạp chí điện tử đã và đang gia tăng. Đặc biệt, năm 2014 nhằm nâng cao chất lượng rừng, Chính phủ đã có Quyết định dừng khai thác gỗ từ rừng tự nhiên, nên việc phòng chống, ngăn chặn khai thác, vận chuyển và buôn bán gỗ lậu trở thành chủ đề trọng tâm của nhiều cơ quan báo chí. Chính vì vậy, số lượng và chất lượng các bài báo về chủ đề gỗ lậu được nâng lên rõ rệt và ngày càng thu hút được cộng đồng xã hội quan tâm.


Để khuyến khích các bài báo chuyên sâu, phản ánh đúng thực trạng gỗ lậu, cần có cơ chế đặc thù từ các tòa soạn và các cơ quan liên quan. Cơ chế này không dựa trên những tính toán về lợi ích kinh tế từ các bài viết mà ưu tiên cho lợi ích về mặt xã hội và môi trường. Ngoài ra huy động kinh phí từ các nguồn kinh phí nhà nước dành cho bảo vệ môi trường, kinh phí từ khối tư nhân thông qua trách nhiệm của các công ty, tổ chức và tư nhân… tài trợ cho các hoạt động tác nghiệp của phóng viên viết chuyên sâu về chủ đề này.


Nguồn kinh phí trên có thể sử dụng để xây dựng mạng lưới kết nối, củng cố diễn đàn giữa các nhà báo môi trường, kể cả với các bên liên quan thường xuyên trao đổi thông tin trong lĩnh vực bảo tồn rừng, phát triển cộng đồng; tổ chức các buổi tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng, kinh nghiệm cho phóng viên, nhà báo để hình thành nên các bài báo có sức thuyết phục, kêu gọi các tầng lớp xã hội có những hành động cụ thể xóa bỏ nạn khai thác, sử dụng gỗ lậu hiện nay.

T. H