Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

"Chúng tôi đổi rác lấy dầu ăn, nước mắm, mũ bảo hiểm..."

(13:03:48 PM 15/12/2015)
(Tin Môi Trường) - Khi thực hiện cuộc khảo sát nhanh với 100 người dân ở TP.HCM về ý thức trong việc xả rác nơi công cộng (tháng 11-2015), chúng tôi có kết hợp thăm dò về chuyện phân loại rác tại nhà và thấy đây là công việc không dễ dàng.

"Chúng tôi đổi rác lấy dầu ăn, nước mắm, mũ bảo hiểm..."
Anh Phan Khắc Hanh (Q.Bình Tân, TP.HCM) phân loại rác sinh hoạt trong gia đình ra hai loại: rác hữu cơ và rác vô cơ trước khi cho vào sọt - Ảnh: Hữu Khoa


Có đến 73/100 người dân được hỏi ngẫu nhiên tại 16 quận, huyện thuộc TP.HCM cho biết họ không phân loại rác tại nhà.

Không tiện để phân loại

Trong số những người không phân loại rác, 9 người cho đây là việc làm vô ích, 20 người nói rằng chỉ mình họ làm thì cũng không thay đổi được gì, 20 người nói không tiện để phân loại rác tại nhà...

Những người còn lại giải thích họ không có thói quen phân loại rác, nhưng cũng có nhiều người nói thẳng: họ không rảnh để làm việc này, đó là việc của nhân viên xử lý rác...

Trong số những người không phân loại rác vì không tiện làm công việc này, nhiều người hiểu việc tách riêng từng loại rác sẽ giúp cho xử lý và tái chế hiệu quả hơn.

Như cô Mariven Manvapig, một người Philippines đang sinh sống tại Q.1, đã bỏ thói quen phân loại rác từ khi đến Việt Nam vì không có lựa chọn khác.

“Chủ nhà nơi tôi thuê chỉ dùng một thùng rác cho mọi loại rác, nên tôi có muốn phân loại cũng không được” - cô nói. Nhiều người là dân nhập cư nói rằng phân loại rác là việc “quá bất tiện” khi họ đang ở nhà thuê. Họ không thể đặt thêm thùng rác trong nhà, trong khi các thùng rác có chia loại thì không dễ tìm.

Cũng có người có điều kiện đã cố gắng phân loại rác một cách sơ bộ, như bạn đọc Nguyễn Thị Mỹ Thủy (Q.Thủ Đức): “Lâu lâu tôi cũng tách riêng một số loại rác có thể tái sử dụng để bán cho mấy người mua ve chai. Tôi thấy việc phân loại rác cần thiết, nhưng khó thực hiện quá”.

Thiếu sự đồng bộ


Anh Đức Vinh (Q.11), biên tập viên 21 tuổi của một tờ tạp chí gia đình, nói rằng anh có tự phân loại rác tại nhà, nhưng chính nhân viên vệ sinh lại “gom về một chỗ”.

Đó là băn khoăn không chỉ của riêng anh Vinh mà là của hầu hết những người đã từng cố gắng phân loại rác như được kêu gọi, rồi bỏ cuộc khi thấy nỗ lực của mình bị coi nhẹ bởi chính những người có trách nhiệm.

“Tôi đặt hai thùng rác trong nhà để phân loại rác vô cơ và hữu cơ, theo khuyến khích của con gái mấy tháng nay. Nhưng chính mắt tôi nhìn thấy người thu gom luôn đổ chung mọi thứ lại với nhau trên xe rác, chẳng buồn bận tâm gì. Vậy thì cũng như không” - bà Nguyễn Thị Mai (Q.Gò Vấp) ngán ngẩm.

Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều người chưa hiểu rõ ích lợi của việc phân loại rác hoặc nói rằng họ chưa từng được hướng dẫn về phân loại rác. Như trường hợp bà T.T.T.L. (Q.Gò Vấp) hoặc ông T.V.H. (H.Hóc Môn), cả hai đều không phân loại rác vì cùng cho rằng “rác nào cũng dơ như nhau, cần gì phải phân loại”.

Truyền thông nhằm thay đổi thói quen của người dân luôn là một việc không dễ dàng, khó để nói rằng việc tuyên truyền về phân loại rác tại TP.HCM đạt hiệu quả cao khi tỉ lệ người dân chưa hiểu hoặc chưa hợp tác thực hiện công việc này còn cao.

Thêm vào đó, phân loại rác là một quá trình đòi hỏi sự đồng bộ từ nhiều bên liên quan, trong đó nhân viên vệ sinh thu gom rác là khâu quan trọng, việc hành xử chưa đúng với rác đã được phân loại sẽ gây hoang mang cho nhóm cư dân quan tâm đến vệ sinh môi trường thành phố.

Vậy nên, chương trình phân loại rác tại các hộ gia đình đã được TP.HCM thí điểm từ năm 1999 và đến nay, sau 16 năm thí điểm, các nguyên nhân thất bại xem chừng chưa hề được giải quyết thỏa đáng.

Ông Cao Văn Tuấn (phó trưởng phòng kiểm tra chất lượng - Công ty TNHH một thành viên 
Môi trường đô thị TP):

Cần kinh phí mua quà để đổi lại rác đã được phân loại

Là một đơn vị từng tham gia thí điểm công tác phân loại rác tại nguồn, cũng từng thất bại trong giai đoạn đầu thực hiện, chúng tôi thấy các chương trình phân loại rác trước đây thất bại có những nguyên nhân chủ yếu sau:

Thứ nhất, người dân có thói quen bỏ rác chung, ít khi phân loại.

Thứ hai, có những người dân phân loại rác sơ bộ thì giữ lại một số vật dụng có thể bán ve chai được, tích lũy hằng tháng cũng được ít tiền đủ mua vài chai nước mắm, bịch bột ngọt...

Thứ ba, hiện nay có tới 60% lượng rác trên địa bàn do lực lượng dân lập thực hiện, người thu gom rác dân lập vừa thu gom rác vừa tổ chức phân loại ngay trên các xe rác (để lại những gì có thể bán được).

Vì vậy, kêu gọi người dân hay người gom rác dân lập thực hiện phân loại rác thì họ cho rằng bị mất “nguồn thu” nên họ khó mà thực hiện.

Từ thực tế trên, chúng tôi đã rút kinh nghiệm chương trình phân loại rác tại nguồn của mình thông qua hình thức đổi quà.

Rác được người dân phân loại thay vì họ bán ve chai chúng tôi thu mua lại. Dựa theo giá thị trường, lượng rác đã được phân loại sẽ quy ra giá trị cụ thể để đổi những sản phẩm thiết yếu như: dầu ăn, nước mắm, mũ bảo hiểm, chén, đĩa, bột nêm...

Từ một vài tuyến đường ban đầu, chúng tôi đã triển khai tại 6 tuyến đường chính trên địa bàn TP, với hơn 1.200 người tham gia và đang tiếp tục mở rộng cách làm này.

Cũng qua một số thành công bước đầu, chúng tôi thấy muốn thực hiện được việc phân loại rác tại nguồn thì phải có kinh phí mua quà để đổi lại rác đã được phân loại và có thể sử dụng tái chế.

Bên cạnh đó, phải thực hiện tốt công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân vì để thay đổi thói quen của người dân cần một quá trình vận động lâu dài.

XUÂN HƯỜNG (khoa báo chí và truyền thông Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM)