Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Hỏi: Xin hỏi có chuyện nước ngoài đưa bột đỉa sấy khô vào bánh kẹo rồi tuồn vào Việt Nam không? Đỉa có sống được trong cơ thể người hay không? (Vũ Minh Hải, Nam Đàn, Nghệ An )
Đỉa khó sống được ttrong môi trường dạ dày có nhiều axít.
GS.NGND NGUYỄN LÂN DŨNG: Trước những thông tin đỉa sấy khô tán bột cấy vào các loại thực phẩm bánh kẹo để sau khi con người ăn vào sẽ sinh sôi trong bụng người, PGS.TS Nguyễn Văn Đề (ĐH Y Hà Nội) cho rằng, điều đó là không có cơ sở khoa học. Đúng là đỉa có thể gây nguy hại khi hút máu người nhưng không phải môi trường nào đỉa cũng có thể sống, tồn tại được, nhất là trong môi trường dạ dày có nhiều axít. Nếu đỉa thâm nhập được vào cơ thể con người cũng có thể chỉ tồn tại được duy nhất trong môi trường hô hấp không có chất men, axít và kiềm như mũi, xoang và phế quản.
Thực tế, y văn thế giới cũng như Việt Nam đã ghi nhận những trường hợp bị đỉa ký sinh trong cơ thể người. Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương từng tiếp nhận một cháu bé 3 tuổi (ở Lào Cai) bị khó thở, hay nôn khan, ho khạc ra máu. Bác sĩ soi đường thở gắp ra dị vật là một con đỉa dài khoảng 15cm. Mặc dù không biết con đỉa chui vào cơ thể bệnh nhi này khi nào nhưng theo người nhà cháu bé, có thể đỉa đã chui vào cơ thể cháu khi cháu đi tắm và uống nước suối. Phần lớn ca bệnh đỉa chỉ di chuyển vào và sống được ở bộ phận của hệ hô hấp. Nguyên nhân là khi đi tắm, ngụp lặn ở ao, sông, suối không cẩn trọng bị đỉa chui vào mũi hoặc xâm nhập qua đường hậu môn. Còn đỉa khô tán nhuyễn trộn trong thực phẩm có thể sinh sôi trong cơ thể người thì chưa có nghiên cứu nào cho biết điều đó. Mọi người không nên hoang mang trước những tin đồn.
Theo các chuyên gia, khi đỉa ký sinh trong cơ thể người, triệu chứng thường gặp là chảy máu liên tục do đỉa tiết ra chất hirudine có tác dụng chống đông máu tiết ra từ tuyến đơn bào trên thành hầu làm máu vật chủ không bị đông và đỉa rời vật chủ khi đã hút no máu. Sinh vật chủ khi bị đỉa cắn khó nhận biết và khó cầm máu. Thường đỉa vào cơ thể bám vào thanh quản, hầu, mũi, họng, thực quản hoặc ở niệu đạo, bàng quang, bộ phận sinh dục của con người… Tại các cơ quan này, đỉa sẽ hút máu và có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như tắc nghẽn dẫn đến xuất huyết, ho khạc ra máu. Bệnh nhân có cảm giác đau ngực, khó thở, ho liên tục, đờm có chất nhầy, máu nếu đỉa vào thanh quản.
Đỉa ký sinh ở hầu, khí quản sẽ gây ngạt thở, có thể dẫn đến tử vong. Khi chúng chui vào âm hộ gây chảy máu kéo dài, vào đường sinh dục của nam giới gây chảy máu đường tiết niệu. Trường hợp đỉa chui vào mắt sẽ gây chảy máu ở mắt, người bệnh sợ ánh sáng, chảy nhiều nước mắt. Các chuyên gia khuyến cáo, nguyên nhân quan trọng giúp đỉa có thể ký sinh trong cơ thể là do người dân có thói quen uống nước lã từ các nguồn nước thiên nhiên như khe suối, ao hồ. Mọi người nên từ bỏ thói quen này. Đỉa nhỏ có thể chui vào miệng, bám vào niêm mạc hầu, xuống thực quản, lên mũi và do hít sâu nên đỉa có thể xuống tới phế quản sinh sống trong thời gian dài mà khó phát hiện.
Khi bị đỉa xâm nhập vào các hốc tự nhiên nên súc miệng bằng nước muối mặn hoặc hít chất có mùi cay, mùi hăng. Nếu đỉa bám ở vùng nông, có thể dùng ống soi để gắp đỉa ra, còn vào sâu cần phải dùng dụng cụ chuyên dụng, thậm chí phải mổ mới lấy được ra.