Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Xóa “mạng nhện”, làm đẹp thành phố

(15:35:23 PM 10/12/2015)
(Tin Môi Trường) - Những ngày này, đi qua các tuyến đường Phan 
Văn Trị, Nguyễn Oanh, Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp, TP.HCM) cảm giác đường thông hè thoáng.

Xóa “mạng nhện”, làm đẹp thành phố
"Mạng nhện" trên đường Phan Đăng Lưu, được ngầm dưới đất - Ảnh: T.Tùng


Những bó cáp nhùng nhằng như mạng nhện và hàng cột điện đã biến mất. Bộ mặt con đường trở nên tươi tắn hơn.

Trên khắp TP.HCM, “mạng nhện” đang dần được xóa đi bởi chương trình ngầm hóa lưới điện, cáp thông tin, viễn thông.

Dễ chịu nhờ 
thông thoáng hơn

Để xóa “mạng nhện” trên tuyến đường Phan Văn Trị, Công ty Điện lực Gò Vấp đã thực hiện công trình ngầm hóa lưới điện kết hợp dây thông tin, đồng thời di dời điện kế ra ngoài nhà dân, việc này làm ròng rã hơn hai tháng.

Theo ông Nguyễn Hữu Khoa - phó giám đốc Công ty Điện lực Gò Vấp, đơn vị chọn những trục đường chính ở quận làm trước, làm tiền đề triển khai các tuyến đường khác trên địa bàn trong các giai đoạn tiếp theo.

Sắp tới, sẽ tiếp tục triển khai ngầm hóa trên đường Quang Trung (đoạn từ ngã sáu Gò Vấp đến Thống Nhất) và đoạn Phan Văn Trị từ Nguyễn Oanh về hướng quận Bình Thạnh.

Người dân tại các khu vực được ngầm hóa đều rất vui khi “mạng nhện” không còn, mặt tiền nhà trở nên sáng hơn.

Ông Huỳnh Duy Đông - một người dân ở đường Phan Văn Trị - cho biết trước đây mạng dây cáp trên tuyến đường này rất nhiều, rối rắm trước cửa nhà không chỉ tạo hình ảnh không đẹp mà còn gây cảm giác bị gò bó, khó chịu.

“Chưa kể nhiều lần dây cáp bị đứt rớt xuống đường gây nguy cơ tai nạn. Từ khi mạng nhện được dọn dẹp, trước nhà, trên vỉa hè trước nhà thông thoáng, dễ chịu hẳn” - ông Đông chia sẻ.

Bà Trần Thị Anh Thư - sống trên đường Nguyễn Kiệm - cho rằng trước đây dù dây cáp thông tin trên trụ điện đã được bó gọn nhưng lâu lâu lại thấy thợ của các công ty mạng kéo dây mới mắc lên, lại nhùng nhằng búi nùi.

“Giờ ngầm hóa sẽ không còn chuyện này nữa. Tôi nghĩ phải ngầm hóa nhiều hơn nữa để người dân được nhờ” - bà nói.

Ở phía quận 1, từ giao lộ Nguyễn Thị Minh Khai nhìn sang đường Đinh Tiên Hoàng bây giờ thấy hàng cây xanh mướt và những ngôi nhà tinh tươm.

Bà Nguyễn Ngọc Kiều, ngụ phường Đa Kao, quận 1, cho biết trước kia đường Đinh Tiên Hoàng cũng có nhiều bó cáp thông tin nằm lơ lửng trên đầu. Sau khi được cơ quan chức năng chỉnh trang cho cáp chui xuống đất, đường sá nhìn đẹp và thoáng hẳn.

“Tuy nhiên, tôi cũng muốn cơ quan chức năng tìm cách nào ngầm hóa tủ điện luôn, chứ vài chục mét lại có một tủ điện nhìn rất kỳ” - bà Kiều góp ý.

Dù nhiều tuyến đường được ngầm hóa lưới điện và cáp viễn thông nhưng hiện tại trên nhiều tuyến đường trung tâm còn khá nhiều bó cáp nhùng nhằng, nhìn mất mỹ quan, trong đó có cả những tuyến đường có đoạn đã ngầm hóa nhưng có đoạn vẫn còn cáp điện, cáp viễn thông đi nổi như đường Hai Bà Trưng đoạn từ giao lộ với Võ Thị Sáu hướng về quận Phú Nhuận còn nhiều dây cáp viễn thông.

Hay công trình ngầm hóa lưới điện tại đường Thảo Điền (phường Thảo Điền, quận 2) đang được cơ quan chức năng thực hiện dang dở. Theo tiến độ, nhà thầu sẽ hoàn thành mương cáp trước ngày 15-12, thu hồi trụ điện trong 
tháng 1-2016.

Tiếp tục ngầm hóa

Theo đại diện EVN HCMC (Tổng công ty Điện lực TP.HCM), trong năm 2015 sẽ phối hợp với các đơn vị như Viettel, VNPT TP, SCTV... triển khai 38 dự án ngầm hóa lưới điện kết hợp dây thông tin, cáp viễn thông.

Hiện các đơn vị đã thi công hoàn tất 10/38 dự án ngầm hóa như đường Phan Chu Trinh, Lê Tuấn Mậu, Trường Chinh, Phan Văn Trị... Nhiều dự án khác đang được triển khai thi công (hoàn tất trong tháng 12, có dự án phải kéo dài qua quý 2-2016 mới hoàn tất).

Trong năm 2016, EVN HCMC tiếp tục phối hợp với các đơn vị trên triển khai thêm 32 dự án ngầm hóa khác.

Theo kế hoạch, dự kiến đến năm 2020 sẽ thực hiện ngầm 50% lưới điện khu vực trung tâm (riêng quận 1, quận 3 là 100%, còn cả địa bàn TP là 35%).

Để đạt mục tiêu này, các đơn vị phải ngầm hóa 650km lưới điện trung thế, 1.150km lưới điện hạ thế, 11km lưới điện 110kV. Ngoài ra, EVN HCMC cho biết sẽ tiếp tục thực hiện chương trình bó gọn dây thông tin trên 2.000km dây cáp, trong đó tập trung vào các tuyến ngõ, hẻm.

Theo ông Vũ Hoài Nam - phó ban kế hoạch EVN HCMC, hiện nay việc thực hiện ngầm hóa lưới điện, cáp viễn thông trên địa bàn TP theo hai phương thức: một là cả cáp điện và cáp viễn thông đều sử dụng chung một mương xây bằng bêtông dưới lề đường.

Hệ thống mương này có vách ngăn, chia một bên cho ngầm hóa lưới điện, một bên là cáp viễn thông. Dưới mương dành cho ngầm cáp viễn thông được lắp đặt các ống nhựa chứa cáp.

Trường hợp nếu vỉa hè chật hẹp thì mương cáp của điện sẽ được ngầm hóa riêng dưới lòng đường và ưu tiên cáp viễn thông trên vỉa hè.

Nhiều người ủng hộ chủ trương ngầm hóa để tăng vẻ mỹ quan đô thị nhưng cũng có ý kiến lo ngại mức độ an toàn, đặc biệt nhiều tuyến đường vẫn còn tình trạng ngập nước kéo dài, trong khi dây cáp điện ngầm cũng có nhiều điểm đấu nối.

Tuy nhiên ông Vũ Hoài Nam cho biết thiết kế dây cáp điện chịu được môi trường ngập nước và đây là giải pháp kỹ thuật đơn giản.

Như vậy trong thời gian tới, số lượng công việc phải thực hiện là rất lớn. Liệu tái diễn tình trạng đường sá bị xới tung, nhất vào dịp cuối năm?

Ông Phạm Quốc Bảo - phó tổng giám đốc EVN HCMC, thành viên Ban chỉ đạo ngầm hóa TP - cho biết: khi làm, các đơn vị liên quan phải thực hiện khảo sát tại từng tuyến đường, cùng họp thống nhất phương án thực hiện.

Việc triển khai công trình ngầm hóa này được đấu thầu rộng rãi, đảm bảo chất lượng và tiến độ như kế hoạch.

Tất cả công trình ngầm hóa như trên phải được báo cáo Sở Giao thông vận tải, trên cơ sở đó sở sẽ cân đối với các công trình đào đường khác để cấp phép đào đường, tránh tình trạng đào đường quá nhiều.

Hơn nữa, quá trình ngầm hóa còn phải tổ chức lấy ý kiến cộng đồng nơi triển khai công trình nên tránh được tình trạng không đồng bộ giữa các đơn vị, cũng như tránh việc đường sá bị đào xới nhiều lần.

Đánh giá tính hiệu quả của các công trình ngầm hóa thời gian qua, ông Bảo cho rằng ngoài tăng cường mỹ quan đô thị, ngầm hóa còn làm tăng độ tin cậy, an toàn trong cung cấp dịch vụ điện cũng như viễn thông, giảm nguy cơ sự cố do cây đổ, động vật leo trèo gây chạm chập, sét đánh trúng gây mất an toàn, hướng tới mục tiêu lớn là thành phố không dây.

Quận 1 và quận 3 được làm đẹp trước

Theo kế hoạch từ năm 2016-2020, toàn bộ lưới điện, cáp viễn thông trên địa bàn quận 1 và quận 3 sẽ được ngầm hóa 100%, khu vực các quận trung tâm như Phú Nhuận, Bình Thạnh, 5, 10... sẽ có 50% lưới điện, cáp viễn thông được ngầm hóa.

Tỉ lệ ngầm hóa trên toàn địa bàn TP đến năm 2020 là 35%. Tổng vốn đầu tư ngầm hóa trong giai đoạn này lên tới 4.300 tỉ đồng.

Theo TTO