Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Khi chỉ mới sáu tuần tuổi, Tuffy đã phải chịu một cú shock cực lớn – bị dội cả một nồi nước sôi vào người vì tội cắn điện thoại di động của chủ cũ. Tiếp sau đó, Tuffy lại phải chịu một tổn thương chí tử khác khi bị quăng ra khỏi ban công tầng bốn xuống nền xi măng. Cái chết tưởng chừng là không tránh khỏi đối với chú nếu không có phép màu của lòng nhân ái.
Khi nhà thiết kế 30 tuổi Yan Yingying nhìn thấy Tuffy đang nằm thoi thóp dưới nền đất, cô đã không ngần ngại bế chú lên và quyết tâm giúp đỡ chú.
Bác sỹ thú y Emily Drayton của Tổ chức Động vật Châu Á nhớ lại: “Hành động nhân ái đầu tiên được đến từ cô Yan. Cô đã thấy Tuffy nằm dưới chân toàn nhà, ướt sũng và bỏng rộp. Cảnh tượng thật khủng khiếp – và tôi nghĩ rằng nhiều người sẽ chỉ bước qua và giả vờ như không thấy gì. Nhưng cô đã không làm như thế. Cô đã đưa Tuffy đến chỗ bác sỹ thú y địa phương ở Thành Đô và chi trả hết chi phí để cứu mạng chú.”
Nhưng dù đã cứu được tính mạng thì vết thương của Tuffy vẫn là quá nặng so với khả năng chữa trị của bác sỹ thú y địa phương. Cô Yan đã hàng ngày đưa Tuffy đến bác sỹ thú y trong hai tuần liền nhưng cô nhận ra tình trạng của Tuffy đang không tiến triển và chú phải chịu nhiều đau đớn.
Thông qua dịch vụ tư vấn thú y trực tuyến Pet Quest, cô Yan đã tìm thấy Tổ chức Động vật Châu Á. Cô đã lái xe cả tiếng đồng hồ để đưa Tuffy đến Trung tâm cứu hộ gấu Thành Đô, Trung Quốc của Tổ chức Động vật Châu Á. Tuffy khi đó rất yếu và bị đau đớn toàn thân, hầu như không mở nổi mắt.
Bác sỹ Emily chia sẻ thêm: “Bác sỹ thú y thường phải đối diện với những trường hợp bạo hành và bỏ bê động vật. Bạn không thể ‘quen được’ với những cảnh tượng đó – nhưng dần dần bạn cũng trở nên chai lỳ hơn. Bạn phải biết dẹp cảm xúc sang một bên và tập trung vào những việc cần làm.
“Nhưng khi thấy Tuffy tất cả những điều đó như biến mất. Tôi cảm thấy choáng váng và muốn phát bệnh đến tận xương tủy. Nước mắt tôi cứ thế tuôn ra, không tài nào cầm được. Chưa bao giờ tôi thấy một sinh linh phải chịu đau đớn nhiều như thế.”
Tổ chức Động vật Châu Á nổi tiếng bởi các chuyến cứu hộ gấu khỏi các trại nuôi nhốt gấu lấy mật. Tổ chức đã cứu hộ thành công 570 cá thể gấu – nhiều trường hợp phải chịu cảnh sống không thể tưởng tượng được, sống đến 30 năm trong những chiếc lồng cũi nhỏ hẹp như quan tài.
Nhà sáng lập tổ chức Tiến sỹ Jill Robinson đã có mặt ở nhiều chuyến cứu hộ – nhưng bà vẫn cảm thấy choáng váng trước tình trạng của Tuffy.
Tiến sỹ Jill chia sẻ: “Khi bác sỹ thú y bảo bạn phải chuẩn bị tinh thần, thì bạn biết là bạn sẽ thực sự phải đối mặt với một cảnh tượng kinh khủng. Nhưng như thế là vẫn chưa đủ để chuẩn bị tinh thần cho tôi khi phải thấy cảnh sinh linh bé bỏng này run rẩy trên tấm chăn trong lồng hồi phục sau khi được đưa tới bệnh viện của chúng tôi ở Thành Đô. Một chú cún con bé xíu trụi lông, với cơ thể đỏ hỏn phồng rộp, ghé mắt nhìn quanh với ánh mắt thảm thương của một sinh vật đang không hiểu tại sao mình lại bị trừng phạt bởi sự đau đớn cùng cực như vậy.”
Bác sỹ thú y Mandala Hunter-Ishikawa, hiện đang làm việc ở Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam của Tổ chức Động vật Châu Á, khi đó đang làm việc ở Trung Quốc. Cùng với Emily, cô là người dẫn đầu nỗ lực cứu hộ. Cô nói: “Câu hỏi lớn nhất được đặt ra khi Tuffy được đưa tới là – Liệu đã quá muộn chưa?
“Chúng tôi tự hỏi mình – liệu chú đã dùng hết sức lực của mình để đến được lúc này? Liệu chúng tôi có nên quyết định chấm dứt sự đau đớn của chú? Liệu chúng tôi có thể làm được gì? Tôi và đồng nghiệp đã thảo luận rất nhiều, và chúng tôi đều đồng ý rằng chú cần có được cơ hội mới.”
Sau những chẩn đoán ban đầu, cả đội ngũ lại phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn khác.
Mandala nói: “Khi nhìn thấy chú đang nằm nghỉ, ấm áp và không đau đớn, chúng tôi lại đặt câu hỏi – liệu có nên đặt tên cho chú? Liệu có quá sớm để cảm thấy gắn bó với chú? Liệu chú có sống nổi không?
“Tôi đã nghĩ về những gì chú chó này đã phải trải qua. Một hành động tàn bạo của một người là nguồn cơn nảy sinh một hành động nhân ái của người khác,nhưng làm thế nào để chăm sóc tốt nhất cho chú chó nhỏ thảm thương và cứu sống chú chó kiên cường này."
“Chúng tôi phải đặt tên cho chú, và chú phải sống sót. Một chú chó kiên cường cần một cái tên mạnh mẽ, thế nên chú đã được đặt tên là Tuffy.”
Tất cả các bác sỹ và y tá thú y đã chung tay bao bọc chăm sóc Tuffy. Họ cân bằng giữa việc tiêm thuốc cho chú lúc nửa đêm với việc chăm sóc gấu hàng ngày ở Trung tâm. Dần dần, chú đã khỏe lên.
Mandala nói thêm: “Chúng tôi lên lịch và kiểm tra chú mỗi ba đến bốn giờ, cho thuốc giảm đau, rửa vết thương và chăm sóc chú. Tôi không hiểu sao chú lại không thấy ghét chúng tôi – mỗi lần ai đụng vào đều gây đau đớn cho chú.
“Nhưng chỉ trong 24 giờ, ánh mắt chú đã sáng lên. Và khi chú tự ăn được, chúng tôi đều đã rất vui mừng. Đó là khi chúng tôi biết Tuffy sẽ sống được.”
Tuy nhiên, trong quá trình hồi phục Tuffy phải mang băng gạc hàng tháng trời. Khuỷu chân chú bị dính vào thân do vết sẹo bỏng, tai bị kéo ngược về đằng sau – khiến chú không thể nhắm hẳn mắt lại ngay cả trong khi ngủ.
Tuffy đã nhận được nhiều trợ giúp trong quá trình hồi phục từ các chuyên gia, với những đóng góp chuyên môn quan trọng không kém các bác sý thú y của Tổ chức Động vật Châu Á, tình nguyện đóng góp thời gian cùng đội ngũ của Tổ chức Động vật Châu Á.
Bác sỹ Alane Cahalane, chuyên gia phẫu thuật từ Bệnh viện Chuyên khoa Thú y Hong Kong, người từng tư vấn và phẫu thuật trên các cá thể gấu của Tổ chức Động vật Châu Á, đã bay tới một ngày để thực hiện ca phẫu thuật đầu tiên của Tuffy để tách phần chân và mí mắt bị dính liền.
Bác sỹ Kieren Maddern, của Tổ chức Tư vấn Gây mê và Điều trị đau Thú y, cũng đã tư vấn miễn phí các ý tưởng chăm sóc vết thương và điều trị đau cho Tuffy.
Dần dần, Tuffy đã quen được với việc thay băng và mọi việc đã trở nên dễ dàng hơn, mỗi lần thay băng là một bước tiến tới phục hồi hoàn toàn.
Tuffy nhanh chóng nhận ra rằng mỗi lần được bế lên bàn phẫu thuật là sẽ phải trải qua vài phút khó chịu khi thay băng. Tiếng rên rỉ của chú trước mỗi lần thay băng đặc biệt làm cho những người chăm sóc thấy đau lòng, trước khi thuốc mê ngấm và chú chìm vào giấc ngủ.
Khi đã khỏe hơn, Tuffy đã có thể tỉnh táo vượt qua quá trình hàng ngày này. Thuốc mê được thay bằng các miếng đồ ăn hấp dẫn khi chú đã quen với việc thay băng và có thể chịu đựng được tốt hơn.
Sau đó, khi vết thương đã lành, các bạn sỹ thú y cần thực hiện ghép da để điều trị các phần da bị kéo căng do mô sẹo. Nhưng lấy da ở đâu để ghép trên cơ thể đầy tổn thương của Tuffy? Cả đội đã tìm ra một giải pháp rất sáng tạo.
Jill nhớ lại: “Đội thú y đã giải thích rằng chỗ khỏe mạnh nhất để có thể lấy da ghép là phần bìu của chú. Nằm khuất dưới thân, chỗ đó không bị bỏng do nước sôi – thế là không gì bị bỏ phí khi Tuffy được triệt sản.
“Việc ghép da đã thành công – và với một vết sẹo mới sáng bóng bên cạnh các vết sẹo cũ chằng chịt trên thân chú, Tuffy đã đi lại được gần như bình thường.”
Nhưng phần gian nan nhất của quá trình hồi phục là về tinh thần, được thúc đẩy bởi tình cảm mà tất cả mọi người đã dành cho chú.
Mandala kể: “Khi Tuffy mới đến với chúng tôi, đầu là chỗ duy nhất mà mọi người có thể đụng vào chú mà không gây đau đớn. Cô Yan đã ôm khuôn mặt bé nhỏ đó trong bàn tay mình và thì thầm ‘guai guai’, và Tuffy vẫy cái đuôi nhỏ xíu trụi lông và nhắm mắt để đáp lại.
“Những chuyến thăm không chỉ nâng tinh thần cho Tuffy, mà cho cả đội thú y nữa. Khi chúng tôi đang phải giải quyết hậu quả của một hành động bạo hành khó tin như vậy, cô ấy đã mang lại hy vọng cho chúng tôi, niềm hy vọng rằng còn rất nhiều người tốt sẵn sàng làm mọi việc để giúp một sinh linh khác."
Thông qua bài đăng trên WeChat của cô Yan, người yêu động vật ở Trung Quốc dần biết tới cảnh ngộ của Tuffy. “Team Tuffy” đã ra đời, và áo phông đã được chuyển tới các bác sỹ thú y, y tá, phiên dịch và nhân viên văn phòng của Tổ chức Động vật Châu Á đã đóng góp vào nỗ lực chung. Một người ủng hộ đã bay tới từ Bắc Kinh để hỗ trợ cô Yan đưa Tuffy về nhà từ bệnh viện. Bạn bè và cả những người không quen biết đã quyên góp giúp đỡ – Tổ chức Động vật Châu Á đã đóng góp tất cả những sự chăm sóc y tế cần thiết cho Tuffy, trong đó có nhiều đêm không ngủ.
Tuffy đã dần ăn uống bình thường trở lại. Chú đã nhắm được mắt lại và ngủ ngon hơn. Chú thậm chí đã lại bắt đầu chơi như một chú cún con bình thường.
Tuffy smells flowers
Trong lúc đội ngũ ở Trung Quốc chăm sóc cho Tuffy, mọi người đã được chứng kiến quá trình hồi phục kỳ diệu của chú.
Tiến sỹ Jill vui mừng chia sẻ: “Tôi đã đọc được rằng người nhảy ra từ tầng ba tòa nhà đang cháy ít có khả năng sống sót. Tuffy sống được thật là một điều kỳ diệu.
“Điều kỳ diệu thứ hai là độ nghiệm trọng của các vết bỏng. Khi bị bỏng trên 50 phần trăm cơ thể, các cá thể động vật hầu như không có hi vọng sống. Tuffy đã bị bỏng trên 60 phần trăm cơ thể nhưng vẫn qua khỏi. Cuộc đời chú đã có mở đầu thật kinh khủng.
“Sự bạo hành mà Tuffy phải chịu đựng là không thể bào chữa được. Nhưng chúng tôi đều quyết tâm không để câu chuyện này chỉ là câu chuyện về bạo hành. Lòng nhân đạo, sự quan tâm và tình yêu đã chiến thắng. Tuffy đã cố gắng để không bị đánh gục, và sức mạnh đó đã lan tỏa tới mọi người. “Tuffy sẽ luôn bị trụi mất nhiều mảng lông, và khi đông tới chú cần được ủ ấm thêm – vì thế những người bạn của Tuffy đã may áo ấm cho chú mặc. Bây giờ, chú sống cùng cô Yan, người phụ nữ đã mang lại cuộc sống mới cho chú. Cô ấy thậm chí còn đầu tư thiết kế tủ quần áo cho Tuffy để chú có thể là chú chó sành điệu nhất Trung Quốc.
Emily nói: “Lần này qua lần khác chúng ta đã nhận ra rằng số người bạo hành động vật chỉ là số nhỏ. Động vật có khả năng khơi dậy những bản tính tốt đẹp trong mỗi con người, và Tuffy đã làm được như vậy. Sức mạnh và lòng dũng cảm của chú là không tưởng – nhưng cô Yan cũng đã quyết tâm không kém để giúp chú được sống.
“Tuffy yêu cuộc sống hơn bất cứ ai mà tôi đã được gặp. Không gì có thể đánh gục được chú. Chú luôn sôi nổi và ham chơi. Nói Tuffy là một chiến binh dũng cảm là đã đánh giá thấp chú.
“Nhưng với tất cả sự kiên cường và dũng cảm đó, Tuffy vẫn có một phần dịu dàng của mình. Thật đáng ngạc nhiên là Tuffy vẫn thấy được cái tốt cho mọi người. Chú vẫn đến với mọi người để tìm lấy tình yêu và hơi ấm.
“Tôi nghĩ Tuffy chưa hề quên chuyện đã xảy ra, và chắc chú sẽ không bao giờ quên được. Nhưng chú đã biết tha thứ, và tin tưởng mọi người, và tôi nghĩ đó là lý do Tuffy vẫn còn ở đây với chúng ta.”
Chương trình bảo vệ Chó mèo của Tổ chức Động vật Châu Á tiếp tục hoạt động để mang lại cuộc sống tốt hơn cho chó mèo ở Trung Quốc. Hy vọng rằng câu chuyện về Tuffy sẽ làm nguồn cảm hứng đưa tới một tương lai tốt hơn cho hàng triệu chú chó.