Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Gần đây UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Điều đáng chú ý là trong Bộ quy tắc đó, có quy định: Người dân địa phương và khách du lịch không được mặc trang phục bằng chất liệu vải xuyên thấu, in hình ảnh, từ ngữ phản cảm nơi công cộng.
Tỉnh Ninh Thuận vừa ban hành Bộ quy tắc, trong đó có những quy định cụ thể về trang phục cho du khách khi đến Ninh Thuận. Ảnh: TTO
Ông Nguyễn Trọng Vượng - Trưởng phòng du lịch tỉnh Ninh Thuận cho biết, tại thời điểm hiện tại nếu phát hiện người dân cũng như du khách phạm phải quy tắc thì sẽ tiến hành nhắc nhở họ, dần hình thành thói quen. "Đây là lần đầu tiên tỉnh mình ban hành Bộ quy tắc này, chờ 1-2 năm xem kết quả ra sao thì mới xây dựng chế tài xử phạt", ông Vượng chia sẻ.
Bình luận về vấn đề này , Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng:
"Từ "phản cảm" nghĩa nó rất rộng, phản cảm với người này lại không phản cảm với người khác, cho nên khi anh đưa ra quy định anh phải giải thích từ đó cho nó cụ thể. Nếu anh không giải thích cụ thể khi anh xử việc hoặc là anh không xử được thì cái quy định nó mất thiêng, hoặc là anh xử một cách tùy tiện người có, người không thì cũng không được. Cho nên là phải có định rõ ràng".
Theo ông: "Nhiều nước trên thế giới, trong sinh hoạt hàng ngày mà mặc hở nội y thì người ta đều phản đối, thậm chí có một số nước châu Âu, người ta còn nhìn nó như những gì bệnh hoạn".
"Việc văn hóa ăn mặc nơi công cộng tôi nghĩ là có thể điều chỉnh bằng đạo đức xã hội, còn đưa lên quy định thì thành ra nhiều khi nó hơi cứng quá. Còn với Bộ quy tắc của tỉnh Ninh Thuận hiện nay, người ta có thể nhắc nhở, có thể đưa lên phương tiện thông tin đại chúng để người ta phản ứng, bằng những dư luận xã hội, cái đó dần dần nó sẽ có tác dụng, rất đáng ủng hộ", ông Vĩ bày tỏ quan điểm.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ. Ảnh: ANTG
Trả lời về việc có nên áp dụng quy tắc đối với người dân địa phương và khách du lịch không được mặc đồ xuyên thấu như tỉnh Nỉnh Thuận, ông cho rằng: "Không chỉ là ngành du lịch mà là sinh hoạt nói chung, đi trên đường phố, đến công sở, đi ra chợ cái đó cũng là cái phản cảm đáng phản ứng".
"Giới trẻ có nhiều loại, có những em học sinh, em sinh viên khi đi ra nơi công cộng ăn mặc vô cùng lịch sự, người ta ăn mặc rất tử tế lại còn biết nhường chỗ cho những người già. Có những người trẻ như vậy, nhưng cũng có những người trẻ không tử tế", ông đánh giá.
"Tôi thấy bộ phận trẻ ăn mặc không tử tế cũng ít thôi và hiện nay ra đường hơi bị kín quá. Trên là mũ bảo hiểm, dưới là một cái áo khoác, rồi có cả một cái váy lòe xòe đằng dưới để che chân, mùa đông còn có 1 cái chăn lùm xùm để che cả xe, thế là những người mặc như vậy còn kín hơn cả ngày xưa, đi ra đường toàn thấy vải là vải", nhà nghiên cứu châm biếm.
"Có một bộ phận ăn mặc hớ hênh. Thanh niên bây giờ họ tự do hơn, họ thiếu quan tâm đến người khác. Cái thẩm mỹ của họ nhiều khi không được đào tạo, không được giáo dục mà tội nhất là đàn bà Việt Nam thường chân xấu mà cứ cố khoe. Về nhân chủng học, phụ nữ Việt Nam theo tiêu chuẩn thẩm mỹ thì chân xấu, cong, ngắn, người ta lại cứ tưởng là đẹp nên người ta cứ học theo, như thế thì rất là thiệt", ông thẳng thắn bày tỏ quan điểm.
Nhà nghiên cứu cũng cho rằng, trong Luật pháp Việt Nam hiện nay chưa có định nghĩa như thế nào là ăn mặc “phản cảm” và như thế nào là “không đúng thuần phong mỹ tục.
Ông nhận định: "Chưa có định nghĩa nào để phù hợp cho tất cả, cũng không hy vọng một định nghĩa nó cụ thể. Vì nghĩa của nó rất chung chung lại mang tính chủ quan. Nhiều cái rất dễ dàng nhưng không thể định nghĩa, cho nên nó không dễ dàng như khi bắt cái bóng của mình".
"Có những cái được điều chỉnh bằng đạo đức, có những cái được điều chỉnh bằng dư luận xã hội, hai cái nó khác nhau", ông Vĩ chia sẻ.