Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Khai thác khoáng sản: Thất thu thuế do quản lý kém
Khai thác nhiều, vậy thu được bao nhiêu?
Theo số liệu của Bộ Tài nguyên – Môi trường, được công bố tại hội thảo “Quản trị ngành công nghiệp khai thác ở Việt Nam: thách thức và nhu cầu cải cách” Việt Nam đã khai thác 42,6 triệu tấn than, 3 triệu tấn quặng sắt, 3 triệu tấn apatit, 193 ngàn tấn mangan và nhiều loại khoáng sản khác với sản lượng lớn vào năm 2013 thế nhưng số tiền thuế thu được lại chẳng đáng là báo so với sản lượng khai thác được.
Điều đặc biệt là, dù theo thời gian, số lượng mỏ khai thác khoáng sản ngày càng nhiều hơn, quy mô rộng hơn, song đóng góp cho nguồn ngân sách Nhà nước từ ngành khoáng sản lại rất khiêm tốn. Nguồn thu ngân sách từ thuế tài nguyên cứ sụt giảm dần theo từng năm. Năm 2010, doanh thu của các doanh nghiệp khai khoáng là hơn 331.000 tỷ đồng nhưng chỉ đóng góp cho ngân sách khoảng hơn 35.700 tỷ đồng. Nếu như năm 2011, thu thuế tài nguyên đạt hơn 39 ngàn tỷ, chiếm tỷ trọng khoảng 5,5% trên tổng thu ngân sách Nhà nước thì đến năm 2014, con số này đã sụt giảm chỉ còn 4,4% (chưa đến 38 ngàn tỷ đồng). Đáng quan ngại, nhiều địa phương có số lượng giấy phép (cấp cho hoạt động khai thác mỏ của DN) lên đến hàng trăm, song thực thu từ thuế tài nguyên chỉ đạt vài tỷ đồng
Bà Nguyễn Thị Cúc, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, nguồn thu từ thuế tài nguyên vẫn chiếm tỉ trọng rất thấp trong cơ cấu thuế quốc gia. Năm 2011, tổng thu từ thuế tài nguyên đạt 39.299 tỉ đồng, chiếm 5,4% tổng thu thuế. Đến năm 2014, thuế tài nguyên chỉ còn trên 38.000 tỉ đồng, chiếm 4,4%. Cũng Theo số liệu của Bộ Tài chính, số thu thuế tài nguyên ngoài dầu khí chỉ đạt 0,9-1,1% tổng thu ngân sách. Một ví dụ điển hình là tại Phú Yên, dù có 200 được cấp phép và đang hoạt động nhưng số thu thuế tài nguyên từ khai thác khoáng sản chỉ đạt khoảng 4 – 5 tỷ đồng. Số thu này không đủ bù đắp các chi phí quản lí Nhà nước về hoạt động khoáng sản. Trong khi đó, các doanh nghiệp khoáng sản vẫn cho rằng mức thuế suất hiện nay đối với khai thác khoáng sản là khá cao so với thế giới.
Nguyên nhân dẫn đến sự thất thoát
Một nguyên nhân mặc định từ trước đến nay đó là cơ chế cấp phép còn “lỏng lẻo”. Hiện nay, việc cấp phép khai thác đang được tiến hành tràn lan theo kiểu "chia phần" giữa các địa phương. "Trữ lượng đá vôi trắng chỉ có 171 triệu tấn nhưng dự báo tới 27 tỉ tấn để cấp phép cho 84 mỏ. Hầu hết các địa phương đều cấp phép theo tư duy của mình, bị chi phối bởi quan hệ lợi ích. Rủi ro về tham nhũng trong cấp phép khoáng sản là rất lớn. Việc phân cấp trong cấp phép cũng nhiều méo mó. Theo quy định, Trung ương cấp phép các mỏ lớn, địa phương cấp phép các mỏ nhỏ lẻ. Tuy nhiên, nhiều địa phương cấp phép vượt quyền, tự ý chia nhỏ các mỏ ra để cấp phép.
Theo ông Nguyễn Quang Tú, năm 2012 Bộ TN&MT đã kiểm tra 957 giấy phép khoáng sản do địa phương cấp. Kết quả cho thấy 50% giấy phép được cấp không đúng với quy định pháp luật.
Từ đó, dẫn đến số lượng các DN hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng cũng tăng lên chóng mặt, đạt 2.545 DN năm 2011. Việc cấp phép ồ ạt cùng với số lượng lớn các doanh nghiệp đã dẫn đến tình trạng không thể quản lý hoặc quản lý kém các hoạt động khai thác khoáng sản.dẫn đến không thể nắm hết được các doanh nghiệp làm ăn như thế nào, số lượng khai thác được bao nhiêu. Từ đó, nổi lên hiện tượng các doanh nghiệp khai báo không đúng sản lượng khai thác, nợ đọng thuế đang diễn ra khá phổ biến, làm thất thoát tài nguyên và nguồn thu cho ngân sách.
Bên cạnh bất cập trong cấp phép khai thác khoáng sản, cơ chế giám sát việc thực thi pháp luật ở Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế, thiếu xót. Tình trạng khai thác trái phép và xuất khẩu trái phép vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương trong khi đó, chưa có cơ chế để giám sát hiệu quả lượng khai thác thực tế của doanh nghiệp, dẫn đến thất thu ngân sách nhà nước và thất thoát tài nguyên khoáng sản quốc gia.
Rõ ràng rằng trong cơ chế quản lý thuế hiện nay của nước ta vẫn còn “lỗ hổng”, “cha chung không ai khóc” chẳng ai chịu đứng ra bịt cái lỗ hỗng đó lại dẫn đến các doanh nghiệp vẫn dựa vào các kẽ hở đó để trốn thuế.